Tân Châu – nơi đầu nguồn của dòng MeKong trên lãnh thổ Việt Nam – là vùng đất có nhiều đặc sản của tỉnh An Giang. Những nghề truyền thống như quay tơ, dệt lụa, dệt thổ cẩm… cũng được xếp vào danh sách này.

Ở Tân Châu, bên cạnh nghề dệt gấm ở Châu Phong, nghề dệt chiếu ở đây cũng đang hưng thịnh và có nhiều nét mới. Những cơ sở dệt chiếu nằm cách trung tâm Thị xã Tân Châu không xa lắm.

Nguyên liệu dệt chiếu Uzu phải nhập từ Campuchia về

 

Tại cơ sở dệt chiếu Uzu lớn nhất địa phương tên Tân Châu Long, thường xuyên có gần 30 lao động làm việc đều đặn. Mỗi người một việc, chia thành nhiều khâu khác nhau, trông cũng khá chuyên nghiệp. Nguyên liệu dệt ở đây chủ yếu là bằng cây Uzu, được nhập khẩu trực tiếp từ Campuchia về. 

Ông Lê Văn Tho – chủ cơ sở dệt chiếu Tân Châu Long – cho biết, những thợ dệt ở đây được trả công theo sản phẩm là chủ yếu. Dệt chiếu thường, gọi là chiếu nằm, thì phải dệt kỹ, dệt dầy, đi màu cho đúng. Còn dệt chiếu để may giỏ, may dép, làm tranh… thì dệt mỏng hơn, kỹ nhất là khâu lựa nguyên liệu.

Mỗi người đảm nhận một khâu khác nhau trong quá trình sản xuất chiếu Uzu, từ dệt, may…cho đến đóng gói sản phẩm

 

Ở đây có hai loại nguyên liệu chính dùng dệt chiếu là lát và Uzu. Để phân biệt hai loại này, người ta dùng hai cách gọi khác nhau. Lát dệt chiếu như chúng ta thường gặp thì gọi là lát Việt. Lát này có nguồn gốc từ Vĩnh Long là chính. Còn Uzu được gọi là lát Uzu, nguyên liệu này không có ở Việt Nam, phải nhập từ Campuchia về.

Nhiều người ở đây cho biết, trước đây, nghề dệt chiếu thủ công thường dệt theo kiểu tự cấp, tự túc, không phát triển để có thể kinh doanh được. Sau đó, nghề này mất đi. Đến khoảng năm 1997, một người bạn của ông Lê Văn Tho sang Campuchia làm ăn, thấy ở đó có bạn hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản sang đặt hàng chiếu Uzu rất nhiều, nên nảy sinh ý tưởng nhận hợp đồng về gia công.

Sau đó, ông Tho cùng người bạn về quê hương Tân Châu mở cơ sở dệt chiếu gia công bằng nguyên liệu lát Uzu của vùng Biển Hồ nước bạn. Ban đầu, các cơ sở cũng chỉ dệt tay. Sau này, do hợp đồng ngày càng nhiều, các cơ sở mới đầu tư đổi mới công nghệ để tăng năng suất.

Đến năm 2003, cơ sở Tân Châu Long của ông Tho bắt đầu mua máy về thay thế dần cách dệt thủ công, năng suất tăng lên đáng kể. Ông Tho cho biết, mỗi chiếc máy dệt phải đầu tư từ 15 – 20 triệu đồng, nhưng bù lại, nhờ năng suất tăng nên cơ sở có thêm điều kiện để hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm tốt, người dân địa phương bắt đầu thích xài chiếu bằng Uzu. 5 năm trở lại đây, chiếu Tân Châu Long được bày bán nhiều ở các chợ khắp đồng bằng.

Trước đây, nếu gia công theo hợp đồng thì làng nghề dệt chiếu chỉ làm một loại chiếu trắng trơn thì nay, sản phẩm đa dạng hơn nhiều. Đặc biệt, có loại chiếu xếp, sản phẩm được xem là sự sáng tạo của người Việt với nguyên liệu Uzu. 

Sản phẩm từ Uzu rất đa dạng, từ chiếu xếp, miếng lót ghế, dây nịt….

 

Ngoài sản phẩm chiếu, ông Tho còn tìm đầu ra cho những loại sản phẩm khác cũng làm từ lát Uzu như cặp, giỏ, dây nịt, dép, tấm trải bàn, bóp nữ… Hiện nay, các cơ sở chuyên sản xuất sản phẩm du lịch cũng đã đặt hàng chiếu Uzu của Tân Châu Long với số lượng lớn.

Trên địa bàn Thị xã Tân Châu hiện có 4 cơ sở dệt chiếu Uzu. Không giống với Tân Châu Long, các cơ sở khác ở xã Long An chỉ chuyên dệt chiếu mà thôi. 

…. đến tranh thư pháp
… hay nón, ví, dép

 

Do còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của nước bạn, nên hàng năm, cứ vào khoảng tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch là các cơ sở tranh thủ ký hợp đồng mua nguyên liệu về dự trữ cho cả năm. Cây Uzu sống và phát triển từ tháng Năm đến tháng Chạp hàng năm.

Dù không nằm tại vùng nguyên liệu của lát Uzu hay lát Việt, nhưng bằng sự sáng tạo và khéo léo, những người thợ ở đây đã làm cho nghề dệt chiếu truyền thống vốn đã bị lãng quên nhiều năm dần phục hồi trở lại. Sự phục hồi lần này không những giúp giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn, mà còn gíup cho địa danh Tân Châu có thêm sản phẩm đặc trưng của vùng miền. 

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *