Từ vụ Đông Xuân 2011-2012, tỉnh Vĩnh Long triển khai dự án “xây dựng mô hình, hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận Viet GAP giai đoạn 2011-2015”, gọi tắt là “cánh đồng mẫu lớn”.

Mục tiêu dự án là hỗ trợ xây dựng và củng cố hệ thống nhân lúa giống cấp xác nhận của tỉnh để đảm bảo chỉ tiêu 80% diện tích canh tác lúa trên địa bàn sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa cho bà con nông dân. Dự án xây dựng mỗi huyện với diện tích mô hình 400ha, phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 2.500-3000ha cánh đồng mẫu theo hướng sản xuất lớn.

 

 

Sau 02 vụ lúa triển khai, đến nay các mô hình đã mang lại những kết quả nhất định. Nổi bật nhất là vừa gia tăng được năng suất, chất lượng lúa gạo nhưng cũng đồng thời tiết giảm chi phí ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho lúa gạo trong cánh đồng mẫu cũng vẫn chưa có gì sáng sủa so với sản xuất thông thường. Đây có thể xem là khó khăn lớn nhất ở mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn Vĩnh Long hiện nay.

Là một trong 07 mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Vĩnh Long, 176 hộ dân ở ấp Hồi Thạnh và Hồi Lộc xã Xuân Hiệp rất phấn khởi khi được huyện Trà Ôn lựa chọn để xây dựng mô hình. Từ sự hỗ trợ về nguồn giống đạt chất lượng và các cuộc tập huấn khoa học kỹ thuật qua, năng suất và chất lượng lúa đã nhanh chóng được cải thiện ngay từ vụ mùa đầu tiên thực hiện. Và kết quả đó tiếp tục được duy trì trong vụ Hè Thu 2012 này.

Tuy vậy, điều mà bà con mong muốn nhất là có được thị trường tiêu thụ ổn định thì vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể. 

Theo nhận định của Ban quản lý dự án xây dựng cánh đồng mẫu lớn Vĩnh Long, một trong những hạn chế của mô hình thời gian qua là tỷ nông dân sử dụng giống lúa IR50404 vẫn còn khá cao – Trong vụ Đông Xuân vừa rồi chiếm đến 30%. Nhưng đây có vẻ như đang là sự lựa chọn đúng của một số bà con nông dân ở cánh đồng mẫu xã Xuân Hiệp. Bởi, giống lúa này đang được tiêu thụ khá dễ dàng. Trong khi đó thì những giống lúa chất lượng cao, dài ngày như OM 4900 lại đang tiêu thụ khá khó khăn. Do tình hình thời tiết lúc thu hoạch không thuận lợi, nông dân lại không có điều kiện tồn trữ, nên đành bán với giá cả không chênh lệch bao nhiêu so với các giống lúa khác.

 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Vĩnh Long, hệ số sử dụng đất lúa trên điạ bàn tỉnh đạt 2,89 vòng/năm. Chính quá trình thâm canh, tăng vụ đã làm cho năng suất, sản lượng lúa không ngừng tăng lên trong khi diện tích đất lúa ngày càng có xu hướng sụt giảm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề tổ chức sản xuất lúa ở Vĩnh Long vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đồng bộ. Bình quân đất lúa mỗi nông hộ chỉ khoảng 0,5ha, cộng với hạ tầng đồng ruộng chưa hoàn chỉnh được xem là những trở ngại lớn cho việc xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Do đó, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn được kỳ vọng là sẽ khắc phục được những hạn chế này. Tuy vậy, thực tế cho thấy, do chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định nên nông dân trong cánh đồng mẫu vẫn phải chấp nhận chạy theo xu hướng thị trường hơn là tuân thủ những khuyến cáo của ngành chức năng.

Qua 02 vụ triển khai, đến nay Vĩnh Long đã xây dựng được 07 mô hình cánh đồng mẫu lớn với hơn 1020 hộ dân tham gia, tổng diện tích hơn 700ha. Từ tình hình tiêu thụ lúa hàng hóa tại các cánh đồng mẫu này cho thấy, bà con nông dân rất cần có sự liên kết với nhà doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ. Một khi vấn đề này được giải quyết thấu đáo, chắc chắn sẽ tạo được sức hút mạnh mẽ, vấn đề mở rộng diện tích và nông hộ tham gia cánh đồng mẫu khi đó sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *