Phì đại tuyến vú lành tính không làm tăng nguy cơ ung thư nhưng khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt, thể dục, mặc trang phục, đau vai, đau cột sống, tê nhức tay, khó thở, mất cảm giác ở đầu núm vú, khó khăn trong tầm soát ung thư vú… Phì đại tuyến vú được điều trị hiệu quả, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, vừa dễ tầm soát ung thư vú.
Chương trình Tư vấn trực tuyến “Phẫu thuật tạo hình và thu gọn tuyến vú do bất thường bẩm sinh, chảy xệ, sa trễ”
20 giờ tối 12/12, Hệ thống BVĐK Tâm Anh phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam VTV8 tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Phẫu thuật tạo hình và thu gọn tuyến vú do bất thường bẩm sinh, chảy xệ, sa trễ” với sự tham gia của 2 chuyên gia, bác sĩ:
- BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
- CKII Thái Dương Ánh Thủy, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Chương trình đã thu hút hàng chục nghìn khán giả theo dõi. Hàng loạt câu hỏi xoay quanh các vấn đề phì đại tuyến vú là gì, điều trị như thế nào, tầm soát ung thư ở ngực phì đại, sa trễ có gì khó khăn, điều trị ung thư và chỉnh sửa ngực phì đại, sa trễ ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có gì khác biệt… đã được các vị chuyên gia tư vấn tận tình.
Phụ nữ có ngực phì đại cần tầm soát ung thư vú thường xuyên hơn
Phì đại tuyến vú là tình trạng khối u sợi mô tuyến vú phát triển to nhanh và nặng vượt quá mức bình thường (>3% trọng lượng cơ thể), có thể xảy ra 1 bên hoặc cả 2 bên ngực. Phì đại ngực thường đi cùng với sa trễ.
Phần lớn tình trạng phì đại tuyến vú là lành tính, cũng không làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt, thể dục, mặc trang phục. Người trẻ bị phì đại thường mặc cảm, ngại giao tiếp; người lớn tuổi có ngực phì đại bị đau vai, đau cột sống, tê nhức tay, khó thở, mất cảm giác ở đầu núm vú, núm vú thường bị phì đại theo, viêm da ở vùng nếp vú, da vú bị rạn và nhão.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phì đại tuyến vú như sự thay đổi của cơ thể vào các giai đoạn dậy thì, mang thai, tiền mãn kinh, hậu mãn kinh; di truyền… Trong suốt thời gian hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực Ngoại khoa Ung thư tuyến vú, bác sĩ Giang chỉ mới gặp 2 ca phì đại tuyến vú ở trẻ em 12 tuổi.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang chia sẻ về cách điều trị ngực phì đại.
Người bị phì đại tuyến vú thường dễ mặc cảm, ngại đi khám nên chẳng may bị bệnh thì lại phát hiện muộn hơn. Ngực phì đại có thể điều chỉnh giảm thể tích tuyến vú, tầm soát ung thư vú dễ dàng hơn.
Về điều trị ngực phì đại, sẽ chia thành 2 loại thu gọn, giảm thiểu ngực đảm bảo thẩm mỹ hay điều trị bệnh (chẳng hạn ung thư) trong tuyến vú phì đại.
Trường hợp thẩm mỹ đơn thuần, là không có bất thường bên trong ngực, bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố mang thai, cân nặng, đủ con hay chưa… để tư vấn cho người bệnh có kế hoạch thu gọn phù hợp. Chẳng hạn, trẻ em có BMI hơi cao, đang trong quá trình giảm cân thì sau khi giảm cân tuyến vú cũng sẽ nhỏ lại, giảm mỡ, giảm thể tích, chảy xệ; cần cần đợi giảm cân đến mức phù hợp, cân nặng ổn định mới có thể phẫu thuật thu gọn.
Trường hợp người bệnh phì đại ngực không nhiều, bác sĩ khuyên qua 34 – 35 tuổi, hoặc sau khi sinh con xong, khi tuyến vú không thay đổi nhiều sẽ can thiệp. Trường hợp người bệnh phì đại do thai kỳ, cần đợi sinh xong đủ con, tuyến vú ít thay đổi mới can thiệp thu gọn ngực. Bởi trong thai kỳ mới, tình trạng phì đại sẽ tái phát, việc chỉnh sửa, mổ lại sau đó sẽ khó khăn.
Còn với bệnh, chẳng hạn ung thư trên cơ địa ngực phì đại, phẫu thuật là ưu tiên, bất kể nguyên nhân gây phì đại. Người bệnh cần can thiệp sớm, không chần chừ và phải chấp nhận những nguy cơ còn lại. Người bệnh có tuyến vú phì đại bị ung thư thì cần được chẩn đoán đầy đủ về độ lớn, độ sâu, độ rộng của tổn thương, tổn thương loại gì… Bác sĩ lên kế hoạch phẫu thuật, điều trị vừa đảm bảo an toàn về bệnh, vừa đảm bảo thẩm mỹ, thu gọn vú đối bên (nếu người bệnh phì đại cả 2 ngực). Sang thương dù rộng thì phần giảm thiểu mô vú nhiều; những mô còn lại bác sĩ sắp xếp vẫn còn tuyến vú mới, gọn gàng, đẹp, an toàn, gọi là phẫu thuật bảo tồn có tạo hình bằng phẫu thuật giảm thiểu.
Phương tiện tầm soát hiện đại, điều trị đa mô thức
BS.CKII Thái Dương Ánh Thủy, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết các phương tiện tầm soát ung thư vú bao gồm siêu âm, nhũ ảnh, MRI (trong trường hợp cần thiết). Cả 3 phương tiện chẩn đoán hình ảnh của tuyến vú đều khảo sát hạn chế trên tuyến vú phì đại.
BS.CKII Thái Dương Ánh Thủy, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ về các phương pháp tầm soát ung thư vú.
Siêu âm là phương tiện dễ thực hiện, tuy nhiên khi thực hiện với tuyến vú phì đại gặp nhiều khó khăn. Bởi người bệnh được siêu âm ở tư thế nằm ngửa, tuyến vú phì đại sẽ tràn sang 2 bên. Trong quá trình khảo sát, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nghiêng qua nghiêng lại từ từ để kiểm tra đủ các mô tuyến vú. Dù đã cố gắng, tỷ lệ sót tổn thương ở người có tuyến vú phì đại vẫn rất lớn.
Đối với nhũ ảnh, khi đặt tuyến vú phì đại lên bàn ép nhũ ảnh, có thể vượt quá giới hạn của bàn ép. Bác sĩ sẽ khắc phục bằng ép 2 lần, sau đó nối hình ảnh với nhau.
Với cộng hưởng từ, người bệnh nằm ở tư thế nằm sấp trên mặt phẳng chuyên dụng có khoét 2 lỗ tròn để thả ngực rơi tự do vào trong. Nếu tuyến vú phì đại quá lớn thì tuyến vú không nằm trọn trong lỗ, đôi khi không đưa được hết tuyến vú vào lỗ. Trường hợp đưa vô được thì tuyến vú cũng không rơi tự do được. Thể tích ngực quá lớn khiến vú bị thụng, dồn nén 2 bên khiến khảo sát rất hạn chế.
Mặc dù cố gắng điều chỉnh để đảm bảo tầm soát đủ trên các mô vú nhưng tỷ lệ sót tổn thương ở tuyến vú phì đại không nhỏ. Bác sĩ Ánh Thủy khuyên chị em có tuyến vú phì đại nên tầm soát thường xuyên để không bỏ lỡ cơ hội phát hiện sớm tổn thương.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, phụ nữ trên 40 tuổi không có yếu tố nguy cơ cao thì sẽ tầm soát bằng nhũ ảnh định kỳ hàng năm. Riêng với phụ nữ châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, do đặc điểm mô vú đặc nên bác sĩ kết hợp siêu âm tuyến vú, kèm theo nhũ ảnh để phát hiện được tổn thương cao nhất. Đối với nhóm phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao, dưới 30 tuổi thì chưa thấy cơ quan nào khuyến cáo, nhưng bác sĩ vẫn cho bệnh nhân tầm soát bằng cách siêu âm tuyến vú. Người bệnh trên 30 tuổi, có yếu tố nguy cơ cao, sẽ được khuyến cáo tầm soát bằng nhũ ảnh và cộng hưởng từ mỗi năm (theo khuyến cáo của Hội Ung thư Hoa Kỳ năm 2024).
Trong thời lượng 2 tiếng diễn ra chương trình, ngoài tư vấn những thông tin về ngực phì đại, các chuyên gia của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn trả lời các băn khoăn của khán giả về siêu âm, chụp nhũ ảnh 2D – 3D… Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY hoặc liên hệ đến Hotline của Hệ thống BVĐK Tâm Anh để trực tiếp đặt câu hỏi với các chuyên gia.
Nguyễn Trăm