Các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng não, sốt xuất huyết có xu hướng tăng cao vào mùa hè. Các bệnh thường có diễn tiến nguy hiểm, di chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao, cần chú ý tiêm ngừa phòng bệnh.
Sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, viêm màng não do phế cầu, não mô cầu… có xu hướng tăng cao vào mùa hè. Đây đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề. Điển hình, bệnh sốt xuất huyết đã gây ra hơn 172.000 ca mắc và 43 ca tử vong trong năm 2023. Các bệnh đều đã có vắc xin phòng bệnh tại Việt Nam, người dân cần chú ý tiêm ngừa.
Các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm và nhi khoa đã lưu ý như trên về tình hình dịch bệnh và lợi ích của việc tiêm ngừa trong buổi livestream tối 17/5 chủ đề: “Viêm màng não, viêm não Nhật Bản và các bệnh về não nguy hiểm trong mùa hè”. Chương trình có sự tham gia của BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM; BS.CKII Nguyễn Lê Ngọc, Bác sĩ Khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh, TP.HCM; BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa Vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC. Bạn đọc quan tâm xem lại chương trình tại đây
Chương trình tư vấn trực tuyến tối 17/5 với chủ đề “Viêm màng não, viêm não Nhật Bản và các bệnh về não nguy hiểm trong mùa hè”
Mở đầu chương trình, BS Trương Hữu Khanh lý giải các bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu, phế cầu xuất hiện quanh năm, xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, bệnh tăng cao hơn vào mùa hè do có nhiều điều kiện thuận lợi như nền nhiệt cao thuận lợi cho một số vi sinh phát triển, thời tiết khắc nghiệt khiến sức đề kháng của người dân giảm đi do ăn ngủ kém; mùa hè cũng là mùa bắt đầu có mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi – vật trung gian truyền bệnh sinh sôi mạnh.
Như viêm não Nhật Bản lây truyền qua muỗi ruộng Culex. Từ 1/300 – 1/200 trường hợp bị muỗi Culex đốt có khả năng phát triển thành thể nặng của viêm não Nhật Bản như sốt cao, phù não, đau bụng, buồn nôn, nôn, hôn mê sâu… Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 30%. Và khoảng 50% người sống sót gặp các di chứng về vận động và thần kinh như điếc, liệt, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp. Bệnh ở trẻ nhỏ thường có triệu chứng sốt trong 48 giờ không rõ nguyên nhân, lạnh tay chân. Ở người lớn thường kèm theo đau bụng vùng gan, tiêu chảy, ớn lạnh.
BS Trương Hữu Khanh trong buổi tư vấn trực tuyến tối 17/5
Sốt xuất huyết ở người lớn sẽ nặng hơn trẻ nhỏ vì người lớn thường chủ quan, nghĩ rằng bệnh có thể tự khỏi. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu.
Viêm màng não do não mô cầu có thể gây tử vong trong 24 giờ sau khi khởi phát triệu chứng ban đầu. Các triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm như đau đầu, mệt mỏi, sốt, buồn nôn, nôn. Nếu không điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong do viêm màng não mô cầu ở mức 50%. Dù đã điều trị kịp, tỷ lệ tỷ vong vẫn ở mức cao lên đến 15%. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ…
BS.CKII Nguyễn Lê Ngọc cho biết thêm, người dân thường có suy nghĩ chủ quan, nghĩ các triệu chứng sốt, ho đau đầu có thể điều trị và tự khỏi tại nhà. Tuy nhiên đây cũng là những triệu chứng của các bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, viêm màng não. BS Ngọc lưu ý bệnh nhân có các biểu hiện sau cần chú ý đến ngay cơ sở y tế. Cụ thể, người mắc viêm màng não do não mô cầu có thể gặp các triệu chứng sốt cao kèm đau đầu, nôn ói, uống thuốc hạ sốt thông thường không hạ, các triệu chứng càng ngày càng nặng hoặc xuất hiện các chấm xuất huyết trên da.
BS.CKII Nguyễn Lê Ngọc trong buổi tư vấn trực tuyến tối 17/5
Với bệnh sốt xuất huyết, khi sốt cao không rõ nguyên nhân và nơi sinh sống có người nhiễm bệnh cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc bệnh và đến viện để được xét nghiệm máu chẩn đoán. Cần lưu ý sốt xuất huyết thường mất khoảng 7-10 ngày để khỏi bệnh hoàn toàn. Giai đoạn nguy hiểm bắt đầu từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Lúc này người bệnh có thể đã hạ sốt nhưng tiềm ẩn khả năng chuyển nặng như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, xuất huyết nội. Do đó cần theo dõi kỹ và nhập viện khi có triệu chứng nặng.
Để phòng bệnh, BS Bùi Thanh Phong lưu ý trẻ em và người lớn cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc với người nghi nhiễm phế cầu, não mô cầu vì các vi khuẩn này lây qua đường hô hấp. Với bệnh lây qua đường muỗi đốt như viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết cần vệ sinh nhà cửa thông thoáng, thay nước thường xuyên và đậy các dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng sinh sôi, ngủ màn, mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt.
BS Bùi Thanh Phong trong buổi tư vấn trực tuyến tối 17/5
Hiện cả 4 bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, viêm màng não do phế cầu và não mô cầu đều đã có vắc xin phòng ngừa. Mới đây, Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin sốt xuất huyết, tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng, giúp phòng cả 4 nhóm huyết thanh gây bệnh sốt xuất huyết. BS Phong nhận định đây là tin vui cho người dân và có ý nghĩa trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại nước ta, được kỳ vọng giúp giảm ca mắc và tử vong do căn bệnh này. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng phê duyệt vắc xin phế cầu 23 giúp bao phủ rộng hơn với các chủng virus phế cầu gây bệnh bên cạnh vắc xin phế cầu 10 và phế cầu 23 đang được sử dụng. Vắc xin sốt xuất huyết và phế cầu 23 đang được Hệ thống tiêm chủng VNVC nỗ lực đưa về phục vụ người dân trong thời gian sớm nhất.
Vắc xin phế cầu 10 và 13 có lịch tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi, tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi. Vắc xin phế cầu 10 có giới hạn đến 5 tuổi còn vắc xin phế cầu 13 và phế cầu 23 tiêm được cho người từ 2 tuổi trở lên với phác đồ một mũi.
Vắc xin não mô cầu đã có vắc xin phòng 5/13 nhóm huyết thanh não mô cầu nguy cơ cao. Cụ thể, vắc xin ngừa não mô cầu B tiêm cho người từ 2 tháng tuổi đến 50 tuổi. Vắc xin ngừa não mô cầu BC tiêm cho người từ 6 tháng tuổi đến 45 tuổi. Vắc xin ngừa não mô cầu A,C,Y,W tiêm từ 9 tháng tuổi đến 55 tuổi.
Vắc xin viêm não Nhật Bản hiện có 3 loại, phổ biến trong tiêm chủng mở rộng và dịch vụ cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn với phác đồ và lịch tiêm nhắc khác nhau.
Ngoài ra, BS Phong lưu ý, người dân khi tiêm vắc xin cần tiêm đủ liều, đúng lịch để vắc xin phát huy khả năng bảo vệ cao nhất.