Sự nóng lên của trái đất, thói quen sinh hoạt của người dân, tốc độ đô thị hóa,… đã tạo điều kiện cho muỗi phát triển lây truyền bệnh. Dù mỗi năm các ca mắc sốt xuất huyết đều tăng cao nhưng người dân vẫn còn lơ là, xem thường dịch, đánh giá nhẹ tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến nước ta với tỷ lệ 70% người mắc tại miền Nam. Tuy nhiên, gần đây, do sự biến đổi khí hậu của toàn cầu, ở miền Bắc và miền Trung, số ca ghi nhận mắc sốt xuất huyết đang gia tăng một cách chóng mặt. Đặc biệt, trẻ em và người cao tuổi là hai đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh cao nếu không được phòng kịp thời và đúng đắn.
Để độc giả hiểu rõ các tác nhân gây bệnh và biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, các bác sĩ, chuyên gia đã trực tiếp trả lời các câu hỏi trong livestream diễn ra vào ngày 14/9 với chủ đề: “Phòng sốt xuất huyết: Vắc xin và các biện pháp bảo vệ”.
Chương trình tư vấn trực tiếp với chủ đề: “Phòng sốt xuất huyết: Vắc xin và các biện pháp bảo vệ” được diễn ra vào ngày 14/9.
Buổi livestream có sự tham gia tư vấn của ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC. Bạn đọc quan tâm có thể xem lại chương trình tại đây.
Mở đầu chương trình, BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi Dengue gây ra với 4 chủng DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh gây ra các triệu chứng sốt và xuất huyết ngoài da và các vị trí khác trên cơ thể.
Thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết ngày một tăng do nguyên nhân biến đổi khí hậu, trái đất đang ấm lên, ngoài ra, gia tăng dân số, sự di cư dân số tại các khu vực,.. cũng khiến muỗi đi theo phương tiện giao thông vận tải, từ đó làm lây lan dịch bệnh.
“Đặc tính của muỗi là sống trong nhà, gần nhà, hoặc các khu đô thị… Số ca nặng tăng lên có thể do chủng DEN-2 phổ biến hơn các tuýp khác. Chưa kể đến cơ địa người bệnh, dư cân, béo phì, bệnh nền nặng cũng là yếu tố khiến ca sốt xuất huyết càng trở nặng”, bác sĩ Tuấn thông tin cho khán giả.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tư vấn tại chương trình.
Theo bác sĩ Tuấn, trong nhiều năm làm công tác điều trị sốt xuất huyết, ông chứng kiến hầu hết ca bệnh nhập viện đều có dấu hiệu cảnh báo như: sốt, mệt mỏi, nôn ói nhiều, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đau cơ, đau khớp… Trong đó, các ca tử vong do tình trạng sốc, trụy tim mạch, xuất huyết nội tạng…
“Người có nguy cơ tử vong cao do sốt xuất huyết là trẻ em, phụ nữ mang thai, người có các bệnh lý nền như béo phì, tim mạch, thận…”, bác sĩ Tuấn lưu ý.
Dưới góc độ giám sát dịch tễ, BS Lê Hồng Nga đánh giá khoảng 20 năm trước, dịch sốt xuất huyết tập trung 70% ở trẻ em, nhưng thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ trẻ dưới 15 tuổi và người lớn mắc bệnh này là 50 – 50, với số ca tử vong ngang nhau.
Theo bác sĩ Nga, trong quá trình điều tra dịch tễ và chống dịch, hầu hết người lớn tử vong do đến bệnh viện trễ, hoặc tự điều trị, mời người đến truyền dịch nên bệnh càng nặng.
“Ngay khi xuất hiện triệu chứng sốt cao đột ngột, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được khám và điều trị đúng đắn. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hay truyền dịch tại nhà khiến bệnh tình chuyển biến xấu, khó điều trị và có nguy cơ tử vong”, bác sĩ Nga khuyến cáo.
BS Nga cho biết sốt xuất huyết không phải là bệnh mới, chương trình quốc gia phòng chống dịch đến nay đã được 26 năm với khẩu hiệu “Không lăng quăng, không muỗi, không có sốt xuất huyết”. Tuy nhiên, ý thức của cộng đồng vẫn chưa cao, bởi lẽ này, người dân cần chung tay đẩy lùi dịch bệnh như dọn dẹp sạch sẽ nơi ở, ngủ mùng, thoa kem chống muỗi, mặc quần áo dài,… Ổ dịch cần phun hóa chất diệt muỗi để tiêu diệt quần thể muỗi.
Bác sĩ Lê Hồng Nga – Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tại chương trình tư vấn.
Mặt khác, để duy trì biện pháp phòng bệnh bền vững thì mỗi người cần có ý thức chủ động, tự giác tiêm phòng vắc xin.
“Đối với 1 cá nhân tiêm thì người đó được bảo vệ, càng nhiều người tiêm thì quần thể lớn được bảo vệ. Lúc này, chắc chắn dịch không xảy ra. Khi có vắc xin thì càng nhiều người tiêm càng tốt. Tuy nhiên, vắc xin không phải là tất cả, vắc xin chỉ là 1 trong các biện pháp. Khi có vắc xin thì các biện pháp khác như: diệt muỗi, giảm thiểu nơi sinh sản của muỗi… vẫn phải giữ nguyên giá trị của nó để phòng chống dịch sốt xuất huyết trong 1 quốc gia”, bác sĩ Nga cho hay.
Đồng tình với những ý kiến trên, Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay: “Giờ đây, sốt xuất huyết không còn là chu kỳ dịch khi thời gian và địa điểm nào cũng có thể xuất hiện dịch bệnh, có lúc tăng cao, có lúc thấp hơn. Nước ta vốn có mùa nắng và mùa mưa, trong khi đó, muỗi sinh đẻ trong dụng cụ chứa nước sạch. Mưa đến, dụng cụ phế thải chứa nước nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết”.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC nhấn mạnh sốt xuất huyết là gánh nặng tại chương trình.
“Sốt xuất huyết là gánh nặng. Dù Việt Nam đã làm rất tốt, nhưng cần một thứ vũ khí mạnh mẽ hơn để phòng bệnh. Tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, từ 4 tuổi trở lên, đặc biệt những người thuộc nhóm có nguy cơ cao, mắc bệnh nền cần chủ động tiêm ngừa vắc xin. Một lần đã quá đủ, thêm ba lần nữa thì bi kịch”, bác sĩ Chính nhận định.
Tháng 9/2023, VNVC và Hãng dược Takeda đã có ký kết để đưa vắc xin sốt xuất huyết Qdenga sản xuất tại Đức về Việt Nam. Với những nỗ lực của hai bên, trong tháng 9 này, VNVC hứa hẹn sẽ giới thiệu vắc xin sốt xuất huyết tới toàn thể người dân Việt Nam.
Theo đó, vắc xin sốt xuất huyết Qdenga phòng được cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết, hiệu quả hơn 80%, dành cho người từ 4 tuổi. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng.
VNVC hiện là hệ thống tiêm chủng vắc xin dịch vụ hàng đầu cả nước, sở hữu gần 200 cơ sở tại 55 tỉnh thành trên cả nước VNVC, cùng đội ngũ 15.000 nhân viên toàn hệ thống sẽ nỗ lực cùng nhà sản xuất sớm đưa vắc xin sốt xuất huyết về phục vụ cho trẻ em và người lớn trên cả nước, kịp thời phòng bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến nguy hiểm..
Mặt khác, VNVC đầu tư lớn cho hệ thống kho lạnh, dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin hiện đại Việt Nam, có sức chứa hơn 400 triệu liều vắc xin an toàn, chất lượng cao cùng thời điểm. Ngoài ra, VNVC sử dụng gần 40 xe lạnh chuyên dụng, được ví như những kho bảo quản vắc xin di động, có khả năng cung cấp vắc xin cho hàng trăm trung tâm tiêm chủng bất kể ngày đêm, đảm bảo cung ứng vắc xin nhanh chóng, kịp thời cho người dân khắp mọi vùng miền.
Hạ Lam