Làm bánh phồng để biếu người thân trong ngày Tết |
Gọi là quà quê, nhưng trong phong tục tặng quà, người Việt Nam cũng có nét văn hóa truyền thống riêng. Cũng là những sản vật đồng quê, nhưng có nhiều món quà được cho là cấm kỵ, không được tặng nhau trong ngày Tết như : đồng hồ, con mèo, dao, kéo… Để cầu chúc những điều tốt lành cho ông bà, cha mẹ, trong dịp Tết, các con thường đem về cho cha mẹ những tấm áo mới. Gạo nếp cũng được xem là một trong những món quà đầy ý nghĩa đầu năm. Tùy từng nơi, người dân quê thường mang tặng nhau vài cân nếp hay một ít gạo thơm mới để thổi xôi hay nấu cơm cúng ông bà vào năm mới. Con cái dâng những món quà này với mong muốn đền đáp công ơn của bậc sinh thành, để bố mẹ đầy đủ cả năm. Trong ngày Tết cổ truyền thì không thể thiếu bánh chưng, bánh tét để cúng tổ tiên, đất trời với hy vọng năm mới đủ đầy. Đó cũng là món truyền thống mà mọi người thường chọn để biếu nhau. Người xưa còn tặng nhau những bầu rượu ngon. Ngày nay, món quà này cũng được mọi người chọn lựa để tặng nhau với ý nghĩa bầu rượu sẽ mang đến sự sung túc, phồn vinh cho cả nhà trong năm mới. Ai cũng mong muốn trong năm mới mọi sự thông hanh, vui vẻ, may mắn và vì vậy các món quà xuân thường có màu sắc vui tươi như màu đỏ hay màu vàng. Con gà trống cũng là món quà mà nhiều người thường tặng nhau trong ngày Tết. Khi tặng con gà trống, người con muốn thể hiện sự kính trọng và khẳng định cha mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc cho mình. Nhiều anh con rể qua món quà này cũng mong muốn thể hiện mình là một người con đứng đắn, người chồng tốt.
Với người Việt Nam, ngoài tình thân máu thịt còn có một tình cảm đặc biệt là tình làng nghĩa xóm. Vào những ngày Tết, láng giềng lại tặng nhau những món quà do chính tay mình làm ra như một thông điệp tình cảm, cũng như sự chia sẻ niềm vui cho nhau trong năm mới. Có khi chỉ đơn giản là vài trái cây trong vườn để chưng trong nhà ngày Tết, hay một ít mứt dừa, mứt chuối. Ông Đoàn Văn Đây, ngụ xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết, ông lại bận rộn chuẩn bị quà để đi thăm họ hàng và hàng xóm. Cuối năm, khi bán trái cây trong vườn, ông luôn dành lại những quả đẹp. Đặc biệt, gần đến Tết, ông lại dùng các loại trái cây trong vườn như mít, chuối ngâm rượu với rượu nếp để biếu bà con hàng xóm cùng chia vui trong những ngày Tết. Những món quà tuy đơn giản nhưng làm cho những ngày Tết ở quê thêm chan chứa nghĩa tình.
Theo tục lệ của người Việt Nam, Tết nguyên đán là ngày Tết lớn nhất. Trong dịp này, mọi người đều mong muốn những điều tốt đẹp cho gia đình, bạn bè… Không biết tự bao giờ, phong tục tặng quà đã ăn sâu vào nếp nghĩ của những con người Việt Nam. Xuất phát từ điều đó, ai cũng dành tặng nhau những món quà ý nghĩa. Ngày nay, cũng có nhiều thay đổi trong xu hướng chọn quà, cách tặng quà. Nhiều người phải bận rộn lo sắm sửa nhiều thứ để làm quà biếu. Và vì mục đích này hay mục đích khác, việc tặng quà nếu không được điều chỉnh theo đúng ý nghĩa, nét đẹp từ trong truyền thống của nó, sẽ trở thành một áp lực trong những ngày Tết.
Tặng quà Tết một cách văn hóa là chỉ tặng quà có ý nghĩa tượng trưng, biểu hiện tấm lòng của người biếu với người nhận. Lựa chọn món quà thế nào mà không phô trương nhưng đủ bày tỏ cái tình của người tặng quà, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau không phải là việc dễ dàng. Những món quà quê tuy không cao sang nhưng tràn đầy ý nghĩa, chứa đựng trong đó biết bao tình thân, tình thương và tấm lòng người trao tặng. Nó đem lại niềm vui cho người nhận và góp phần nâng niu, giữ gìn nét đẹp phong tục tập quán người Việt trong những ngày Xuân.
Cẩm Âu