Việc phát hiện sớm, điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu đúng cách bằng các phương pháp an toàn, ít xâm lấn có ý nghĩa trong việc cải thiện sức khỏe, chất lượng sống cho người bệnh, hạn chế tái phát.

Các thông tin hữu ích về bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu; phương pháp điều trị tiên tiến theo xu hướng của thế giới; đối tượng nguy cơ dễ mắc phải; những lưu ý chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa nguy cơ tái phát được các chuyên gia giải đáp trong buổi tư vấn trực tuyến ngày 12/11 vừa qua.

Chương trình do Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long tổ chức, chủ đề: Điều trị Sỏi thận – sỏi tiết niệu an toàn. Các chuyên gia Tiết niệu – Thận học của hệ thống BVĐK Tâm Anh tham gia tư vấn: TTƯT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; Cố vấn Đơn vị Tiết niệu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7; PGS.TS.BS.CKII Trần Văn Hinh, Trưởng khoa Tiết niệu – Nam học, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

Buổi tư vấn trực tuyến có sự tham gia của hai chuyên gia hàng đầu về Tiết niệu – Thận học, BVĐK Tâm Anh.

Sỏi tiết niệu là một trong những bệnh lý phổ biến hiện nay, sỏi có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiểu như thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo (ở nam giới). Trong đó, sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp ở nam giới trung niên. Nam giới có cấu tạo đường tiết niệu phức tạp hơn nữ giới nên sỏi thường khó tự đào thải hơn. Đa phần sỏi hình thành từ thận, di chuyển dọc theo đường đi của hệ tiết niệu và bài tiết ra ngoài nên nhiều người quen gọi là sỏi thận.

Trong buổi tư vấn, PGS Vũ Lê Chuyên chia sẻ, nước tiểu là phương thức giúp thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Các chất thải cần hòa tan trong nước để đi ra ngoài cơ thể. Khi không được cung cấp đủ nước hoặc uống đủ nước nhưng cơ thể hấp thụ quá nhiều chất dinh dưỡng hoặc có nhiễm khuẩn đường tiết niệu, chất thải không hòa tan hết đọng lại thành sỏi. Bên cạnh đó, các dị vật trong đường tiết niệu hoặc bế tắc đường tiểu do u… cũng là nguyên nhân hình thành sỏi.

Việt Nam nằm trong “vành đai sỏi” của thế giới với khoảng 2 – 12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%. Giải thích về nhận định này, PGS Vũ Lê Chuyên nhấn mạnh, vành đai sỏi trải dài hầu hết các nước Đông Nam Á. Thói quen ăn mặn, uống ít nước, sống ở vùng nhiệt đới, mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, béo phì, người lớn tuổi… tăng nguy cơ mắc sỏi thận, sỏi tiết niệu. Một số nguồn nước không đảm bảo, có nhiều canxi, cacbonat khiến dễ hình thành sỏi.

PGS.TS.BS.CKII Trần Văn Hinh chia sẻ trong buổi livestream.

Chia sẻ về phương pháp điều trị trong buổi tư vấn, PGS.TS.BS.CKII Trần Văn Hinh nhận định, bệnh sỏi tiết niệu hiện nay chia làm 3 nhóm điều trị chính. Điều trị nội khoa được chỉ định điều trị cho người bệnh có sỏi nhỏ, sỏi chưa nhẵn để tống sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên. Phẫu thuật mở lấy sỏi trước đây dần được thay thế bằng các phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn. Tại BVĐK Tâm Anh, khoảng 90% người bệnh được chỉ định điều trị sỏi tiết niệu bằng các phương pháp ít xâm lấn. Đây cũng là xu hướng phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới, phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và tay nghề của phẫu thuật viên giúp người bệnh nhanh hồi phục, hạn chế biến chứng, ra viện sớm. Trong đó, tiêu biểu là các phương pháp nội soi tán sỏi ngược dòng, tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi ống mềm…

Trong buổi tư vấn trực tuyến, rất nhiều vấn đề được khán giả quan tâm đã được hai chuyên gia của hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp chi tiết, cung cấp các thông tin khoa học, hữu ích. Hai chuyên gia đều nhấn mạnh, việc phòng ngừa nguy cơ mắc sỏi vô cùng quan trọng giúp người dân hình thành các thói quen lành mạnh trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Nếu có các dấu hiệu mắc sỏi thận, sỏi tiết niệu cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tiết niệu – Thận học để được chẩn đoán chính xác, từ đó các bác sĩ nhiều kinh nghiệm sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng tình trạng của người bệnh. Việc cá thể hóa điều trị nhờ phối hợp đa chuyên khoa tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giúp người bệnh chóng hồi phục sức khỏe, nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ biến chứng và nguy cơ tái phát.

Lục Bảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *