Cúm, viêm phổi, viêm phế quản… là những bệnh thường gặp vào cuối năm. Trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền cần chủ động phòng ngừa, đặc biệt là các bệnh đã có vắc xin.
Thời tiết trở lạnh cuối năm khiến nhiệt độ niêm mạc – hàng rào bảo vệ hệ hô hấp của cơ thể giảm, các phản ứng miễn dịch của cơ thể từ đó cũng kém hơn. Cộng hưởng với ô nhiễm môi trường, người dân dễ mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp hơn trước. Các tác nhân truyền nhiễm nguy cơ cao gây bệnh mùa lạnh có thể kể đến như cúm, sởi, phế cầu, thuỷ đậu, ho gà. Các bệnh này đã có vắc xin, trẻ em và cả người dân cần chủ động phòng ngừa, tránh biến chứng nặng.
Các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành đã khuyến cáo như trên trong buổi tư vấn trực tuyến diễn ra tối 27/12 do Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức với chủ đề: “Cúm, phế cầu và các bệnh hô hấp nguy hiểm cuối năm”. Chương trình có sự tham gia tư vấn của các bác sĩ: TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM; TS.BS Chu Thị Hà, Chuyên khoa Hô hấp, PKĐK Tâm Anh Quận 7, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Độc giả quan tâm, vui lòng xem lại chương trình tại đây.
Buổi tư vấn trực tuyến tối 27/12.
Mở đầu chương trình, TS.BS Nguyễn An Nghĩa cho biết từ tháng 10 đến nay, các bệnh về hô hấp có xu hướng gia tăng hơn so với các tháng cùng kỳ trong năm, tỷ lệ tăng khoảng 25-30%. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện số bệnh hô hấp điều trị nội trú vào khoảng 250 -270 trẻ, trong đó có khoảng 15-20 trẻ diễn tiến nặng, phải nằm ở phòng cấp cứu.
Trẻ nhập viện với nhiều tình trạng viêm tiểu phế quản, viêm phổi, khó thở phải thở máy… xuất phát từ nhiều tác nhân virus, vi khuẩn. Các tác nhân virus có thể kế đến như sởi, cúm, adenovirus, virus hợp bào hô hấp RSV…. Các tác nhân vi khuẩn có thể kế đến như phế cầu, ho gà…
TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tại buổi tư vấn.
Theo BS Nghĩa, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi vẫn là đối tượng dễ mắc bệnh và gặp các biến chứng nặng khi mắc các tác nhân kể trên. “Chúng ta cần theo dõi và đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện nếu có các biểu hiện bất thường như sốt cao không đáp ứng thuốc, bú kém, bỏ bú, lừ đừ, li bì, đặc biệt đối với trẻ nhỏ chưa thể diễn đạt bằng lời nói, cần theo dõi và tiếp nhận điều trị kịp thời”, BS Nghĩa cho biết.
TS.BS Chu Thị Hà cho biết thêm, bên cạnh trẻ nhỏ, thì phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền vẫn là những đối tượng nguy cơ cao cần chủ động phòng bệnh hô hấp dịp cuối năm.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, các vi khuẩn như phế cầu có thể trú tại vùng họng của 90% dân số. Khi cơ thể suy yếu hoặc điều kiện thuận lợi, phế cầu có thể xâm lấn gây bệnh nặng ở cả trẻ em và người lớn như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Cúm có thể dẫn đến nhiều biến chứng ở người có hệ miễn dịch suy yếu như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm đường tiết niệu, phù não.
TS.BS Chu Thị Hà, Chuyên khoa Hô hấp, PKĐK Tâm Anh Quận 7, BVĐK Tâm Anh TP.HCM tại buổi tư vấn.
Thủy đậu thường được nghĩ là bệnh trẻ con nhưng thực tế vẫn gây bệnh nặng ở người lớn như viêm phổi, viêm da, nhiễm trùng máu, tổn thương gan thận… Điển hình như mới đây, tỉnh Bến Tre ghi nhận chùm ca mắc thủy đậu tại khu công nghiệp với hàng chục người mắc và có nguy cơ lan rộng do bệnh lây qua đường hô hấp và dịch tiết từ mụn nước của người bệnh.
Ho gà ở người lớn có thể không điển hình như các cơn ho rít giống tiếng gà của trẻ nhỏ nhưng vẫn gây các cơn ho dai dẳng. Y văn từng ghi nhận trường hợp một phụ nữ trên 50 tuổi mắc ho gà, các cơn ho nặng đến gãy xương sườn. Người lớn mắc ho gà còn là nguồn lây bệnh chính cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa.
BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Để phòng bệnh, BS Bùi Thanh Phong cho biết hiện các tác nhân như cúm, sởi, phế cầu, não mô cầu, bạch hầu, ho gà… đã có vắc xin phòng ngừa cho cả trẻ em và người lớn. Trong đó, vắc xin ngừa bạch hầu, ho gà đã được phối hợp trong các vắc xin đầu đời cho trẻ như 6 trong 1, 5 trong 1, 4 trong 1. Trẻ em và người lớn vẫn có thể phòng 2 bệnh này bằng vắc xin phối hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván và tiêm nhắc mỗi 10 năm sau lịch tiêm cơ bản.
Vắc xin phế cầu tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn. Vắc xin cúm tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Người lớn và trẻ nhỏ cần nhắc cúm mỗi năm để duy trì kháng thể ở mức cao. Vắc xin sởi và thủy đậu tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi, số mũi và khoảng cách giữa các mũi khác nhau tùy theo độ tuổi bắt đầu tiêm chủng.
BS Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC tại buổi tư vấn.
BS Hoa Tuấn Ngọc cho biết thêm, vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Đối với trẻ sơ sinh, trẻ cần được tiêm ngừa từ các tháng đầu đời, tiêm đủ liều, đúng lịch để vắc xin phát huy khả năng bảo vệ cao nhất.
“Người lớn nếu không rõ lịch sử tiêm ngừa hoặc có thắc mắc về tình trạng dị ứng, bệnh nền có thể đến các trung tâm tiêm chủng như VNVC để được bác sĩ khám sàng lọc, tư vấn và có chỉ định tiêm ngừa phù hợp với từng cá nhân. Phụ nữ mang thai cần chú ý tiêm ngừa cúm và bạch hầu – ho gà uốn ván trong thai kỳ để bảo vệ bản thân và truyền kháng thể bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời”, BS Ngọc nhấn mạnh.
Ngoài ra, với các bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt trong bối cảnh dịp lễ hội, vui chơi Tết sắp tới, BS Ngọc khuyến cáo thêm người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, vệ sinh, giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
Nhật Linh