Sởi, ho gà, viêm màng não mô cầu… ngoài gây biến chứng tại thời điểm mắc còn có thể để lại nhiều di chứng lâu dài khiến trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, thiểu năng trí tuệ… Tiêm vắc xin là giải pháp tiết kiệm, hiệu quả nhất hiện nay.
Đó là thông tin được 3 chuyên gia hàng đầu về Y tế dự phòng, Bệnh truyền nhiễm và Nhi khoa gồm: TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM; BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo trong chương trình Tư vấn trực tuyến: “Ho gà, sởi, viêm màng não và các bệnh mùa xuân hè nguy hiểm” do Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp với Hệ thống BVĐK Tâm Anh, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào 20h Thứ 6, ngày 12/4/2024.
Độc giả có thể theo dõi toàn bộ chương trình Tư vấn trực tuyến TẠI ĐÂY và tiếp tục gửi các thắc mắc để được các chuyên gia đầu ngành của VNVC, BVĐK Tâm Anh giải đáp.
Chương trình tư vấn “Ho gà, sởi, viêm màng não và các bệnh mùa xuân hè nguy hiểm” nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả.
Mở đầu chương trình, các chuyên gia đã cùng cập nhật về tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là dịch ho gà.
Tại Philippines, đất nước trong khu vực Đông Nam Á, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.100 ca mắc và 54 ca tử vong chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, đặt ra vấn đề phòng ngừa cảnh giác chung trong bối cảnh “thế giới phẳng” như hiện nay.
Tại Việt Nam, số ca ho gà cũng được ghi nhận gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Cùng với đó là các dịch bệnh sởi, thủy đậu, viêm màng não, tay chân miệng cũng đang có xu hướng tăng.
Lý giải tình trạng này, TS.BS Nguyễn An Nghĩa cho biết, thời điểm chuyển mùa xuân hè, độ ẩm không khí cao, nấm mốc là nguyên nhân khiến virus, vi khuẩn lây lan. Thêm vào đó, sau thời gian dài thực hiện giãn cách do dịch Covid-19, nhiều trẻ chưa được tiêm chủng hoặc kháng thể từ lần tiêm vắc xin trước đã giảm, chưa tiếp xúc với mầm bệnh nên không có kháng thể chống lại bệnh dẫn đến tình trạng “nợ miễn dịch”.
“Sau dịch, nhiều người dân không còn áp dụng các biện pháp phòng bệnh như trước. Trẻ không có sức đề kháng nếu tiếp xúc với mầm bệnh sẽ rất dễ mắc bệnh. Trong tình hình nhiều trẻ chưa được tiêm chủng thì bệnh rất dễ lây lan diện rộng”, BS An Nghĩa phân tích.
TS.BS Nguyễn An Nghĩa tư vấn về bệnh truyền nhiễm và vắc xin giao mùa xuân hè.
Lý giải về sự nguy hiểm của bệnh ho gà, BS Bạch Thị Chính cho biết đây là bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp khi 1 người bệnh có thể lây cho 12-17 người. Tất cả mọi đối tượng đều có thể lây nhiễm ho gà, đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu chưa được vắc xin bảo vệ.
Tại Việt Nam, vắc xin ho gà có ở các loại vắc xin phối hợp (6 trong 1, 5 trong 1) được khuyến cáo tiêm ở chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc dịch vụ. Việc tiêm chủng cho trẻ đủ mũi, đúng lịch trong 2 năm đầu đời là tiền đề quan trọng để tạo miễn dịch bảo vệ cho trẻ nhỏ có hệ miễn dịch non nớt và dễ gặp biến chứng nặng khi mắc bệnh.
Mặt khác, ho gà là bệnh không có miễn dịch trọn đời, cần duy trì tiêm nhắc khi trẻ 4-7 tuổi, 9-15 tuổi, phụ nữ chuẩn bị và đang mang thai, người lớn cần duy trì tiêm nhắc mỗi 10 năm.
“Mẹ tiêm vắc xin ho gà trong thai kỳ còn giúp truyền kháng thể bảo vệ bé trong những tháng đầu đời. Ngoài ra, trẻ lớn, người lớn cũng là đối tượng rất dễ mang mầm bệnh ho gà và trở thành nguồn lây cho trẻ nhỏ trong gia đình nên cần tiêm chủng đầy đủ”, bác sĩ Chính lưu ý.
Ngoài ho gà, sởi cũng có chu kỳ bùng phát mỗi 4-5 năm và dễ lây trong mùa xuân hè như ho gà, hiện nay đã đúng vào chu kỳ dịch này là lưu ý của bác sĩ Hạnh Lê tại chương trình. Theo bác sĩ Hạnh Lê, sởi có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, song thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Sởi có thể bội nhiễm với các vi khuẩn khác và biến chứng như viêm các vị trí tai giữa, xoang, phổi, phế quản, màng não; tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt… Trong đó, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất của sởi. Ở thai phụ, bệnh có thể biến chứng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, gây suy thai, sảy thai và tăng nguy cơ tử vong cho mẹ.
BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê cho biết thời điểm giao mùa xuân hè là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm gia tăng.
Bổ sung thêm về tác hại của bệnh sởi, BS An Nghĩa cho biết sởi còn gây ra hiện tượng xóa trí nhớ miễn dịch, tức là người bệnh sau khi nhiễm sởi thì sau 1-2 năm rất dễ mắc các bệnh vốn trước đó đã có miễn dịch. Nguyên do là virus sởi có thể tấn công vào các tế bào lympho nhớ (trí nhớ của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh đã gặp trước đó).
“Ví dụ trẻ 2, 3, 4 tháng đã được tiêm vắc xin để phòng 6 bệnh nguy hiểm nhưng khi trẻ mắc sởi thì virus sởi không chỉ gây bệnh bình thường mà còn phá luôn trí nhớ vốn dĩ đã giúp trẻ ghi nhớ cách chống lại 6 bệnh trước, khiến công trình miễn dịch mà trẻ đã xây dựng để bảo vệ cơ thể trước đó đã biến mất. Do đó, trẻ có thể mắc 6 bệnh đã từng được tiêm vắc xin. Thậm chí, thời gian bị xóa trí nhớ miễn dịch lên đến 5 năm”, BS An Nghĩa phân tích.
Bên cạnh các bệnh kể trên, viêm màng não mô cầu cũng được ghi nhận gia tăng. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tiếp nhận bé gái 6 tuổi nguy kịch do nhiễm khuẩn huyết bởi não mô cầu khuẩn nhóm B, chưa tiêm chủng vắc xin.
“Não mô cầu có thể gây nhiều bệnh cảnh như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi… với tỷ lệ tử vong hơn 50%, di chứng nặng nề suốt đời như cắt cụt chi, điếc, thiểu năng trí tuệ. Các ca được cứu sống phải huy động rất nhiều nhân lực, vật lực, tiền bạc nhưng chưa chắc đã trả lại một đứa trẻ khỏe mạnh. Do đó, việc đầu tư cho vài liều vắc xin là tiết kiệm rất nhiều lần so với việc để mắc bệnh và tốn kém chi phí điều trị”, BS An Nghĩa cho hay.
BS.CKI Bạch Thị Chính khuyến cáo người dân cần tiêm đủ các vắc xin sởi, ho gà, não mô cầu và nhiều vắc xin quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Thông tin thêm về các loại vắc xin phòng viêm màng não mô cầu, bác sĩ Chính cho biết vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm gây bệnh chính, trong đó A, B, C, Y, W-135 là 5 nhóm phổ biến và nguy hiểm nhất ở Việt Nam.
Hiện VNVC là hệ thống tiêm chủng duy nhất tại Việt Nam có đầy đủ cả 3 loại vắc xin phòng 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu cho trẻ em và người lớn từ 2 tháng đến 55 tuổi gồm: vắc xin phòng não mô cầu nhóm B thế hệ mới (Bexsero – Ý); vắc xin phòng ngừa não mô cầu nhóm BC (Mengoc BC – Cuba) và ACYW-135 (Menactra – Mỹ).
Hiện, cả 3 loại vắc xin này đều được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng các vắc xin thế hệ mới như Bexsero hay Menactra được ưu tiên sử dụng để phòng ngừa nhiều hơn các chủng vi khuẩn gây bệnh. Mọi người cần tiêm đầy đủ vắc xin phòng các nhóm não mô cầu.