Thông qua công tác dạy nghề làm lúa giống cho nông dân ở ĐBSCL đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu đạt thành tựu lớn trong nghề này. Đặc biệt là có những nông dân biết cách lai tạo, chọn tạo giống có chất lượng tốt cho cộng đồng, được đông đảo bà con nông dân tin cậy đồng thời cũng được các nhà khoa học và ngành chức năng quan tâm hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Rô ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là một điển hình như thế.
Trong xu hướng xã hội hóa công tác lúa giống, nhiều địa phương đã tiến hành mở các lớp tập huấn kiến thức cơ bản về sản xuất cũng như lai tạo, chọn tạo lúa giống cho người nông dân. Nhiều nông dân tâm huyết với việc sản xuất giống vì họ biết đây là khâu quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo của mình nên đã đặt nhiều tâm huyết vào đó và cũng đã gặt hái được nhiều thành tựu rất đáng phấn khởi. Một trong số những nông dân như thế có ông Nguyễn Văn Rô ở ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông chính là tác giả của giống lúa có tên HMT1 (tức Hậu Mỹ Trinh 1) đang được trao đổi khá rộng rãi trong cộng đồng nông dân trồng lúa hiện nay.
Với sự kết hợp của chính quyền địa phương, Trung tâm giống tỉnh Tiền Giang và Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, vụ Đông Xuân năm 2006 – 2007, tại xã Hậu Mỹ Trinh mở lớp chọn tạo giống cộng đồng (FFS). Toàn xã có 30 nông dân tham gia lớp học. Trong đó, ông Nguyễn Văn Rô được xem là một trong số ít học viên khá đặc biệt của lớp.
Sống và lớn lên trong vùng chuyên canh lúa bao đời nay, ông Rô nhận thấy, lợi nhuận của người trồng lúa thật sự không nhiều. Và nếu cứ phải canh tác theo xưa, không chịu chú ý nhiều đến công tác giống thì lợi nhuận của người trồng lúa không những không tăng mà sẽ ngày càng ít đi. Vậy là, sau khi tiếp nhận kiến thức mới, ông mong muốn sẽ có một giống lúa chất lượng và phù hợp với điều kiện tự nhiên của quê mình.
Để tìm ra được một giống lúa có chất lượng và phù hợp, ông Rô phải có sự quan sát và tìm hiểu kỹ về nguồn gốc của thế hệ bố mẹ, tức là tổ hợp lai ban đầu. Sau đó, mới tiến hành lấy mẫu. Giống lúa HMT1 hiện nay chính là tổ hợp lai mà ông đã nhận từ Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL ngay sau khi học xong khóa học vào cuối năm 2006.
Ông cho biết, nguồn gốc giống HMT1 là tổ hợp lai giữa mẹ là VĐ20 và bố là giống Amaro. Khi nhận về, giống mới ở thế hệ F2, chưa phóng thích. Để biết được giống mới này có tốt hay không, đặc điểm thế nào, nhiệm vụ còn lại chính là ở khâu chọn dòng phân ly các thế hệ sau nữa.
Qua theo dõi và tiến hành chọn lọc những cá thể tốt nhất trong vòng 7 vụ lúa, đến vụ Đông xuân 2009 – 2010 giống này mới chính thức được phóng thích và đặt tên là HMT1.
Tất nhiên, trong quá trình thực hiện công tác chọn tạo giống, bên cạnh sự nhiệt tình, đam mê và nghiêm túc của mình, còn có sự hỗ trợ tích cực về mặt chuyên môn của ngành chức năng, cụ thể là các cán bộ kỹ thuật của ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang. Sau khi giống HMT1 được đưa ra trao đổi trong cộng đồng, với những ưu điểm về năng suất và tính chống chịu của chúng, nhiều nông dân bắt đầu quan tâm đến giống này.
Qua ghi nhận của ngành chức năng cũng như cá nhân ông Rô, từ năm 2010 đến nay, nhu cầu sử dụng giống HMT1 của bà con nông dân tăng lên theo từng vụ. Đến nay, đã ghi nhận có trên 500 ha đang sử dụng giống này. Được biết, hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đang có hướng giúp đỡ ông Rô tiến hành các thủ tục để đăng ký giống cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Riêng với ông Rô. Từ khi giống HMT1 ra đời, công việc của ông bận rộn hơn gấp nhiều lần. Nhà có 12 công đất, ông sử dụng 2 công để làm công tác nghiên cứu, còn 10 công ông bắt đầu sản xuất lúa giống theo yêu cầu của bà con. Mấy vụ cao điểm, ông còn thuê thêm đất để sản xuất giống. Do bản thân ông là tác giả đã chọn tạo ra giống HMT1 nên các khâu sản xuất từ gieo mạ, cấy, khử lẫn…đều do ông phụ trách, thậm chí khi đưa giống ra cho bà con sử dụng, ông cũng đến tận nơi theo dõi. Bởi theo ông, dù đã được sử dụng rộng rãi nhưng cũng cần phải tiếp tục theo dõi và đánh giá thông qua nhiều yếu tố khác như: mùa vụ, kỹ thuật canh tác, vùng sinh thái… để có điều chỉnh kịp thời nếu phát hiện những dấu hiệu khác thường.
Tuy nhiên, cho đến nay, sự phản hồi của bà con về giống HMT1 vẫn tốt, chưa có dấu hiệu bất thường. Và trong thời gian tới, với niềm đam mê sản xuất lúa giống vẫn luôn cháy bỏng, ông Rô đang có ý định tiếp tục chọn thêm các dòng mới để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, sản lượng lúa giống trong hệ thống canh tác của ngành Nông nghiệp nói chung hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu giống của bà con. Còn lại là nhờ công tác trao đổi giống trong cộng đồng. Bởi vậy, việc xã hội hóa công tác giống, trong đó, dạy nghề làm lúa giống cho nông dân là một trong những cách tốt nhất nhằm đáp ứng đúng, đủ và kịp thời nhu cầu về nguồn lúa giống đạt tiêu chuẩn cho người nông dân. Đồng thời đó cũng là cách giúp cho bà con nông dân có điều kiện, có tay nghề nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông Rô chia sẻ, từ khi học được nghề chọn tạo giống lúa, cuộc sống gia đình ông đã khấm khá hơn, cất được nhà và có điều kiện lo cho các con ăn học thành tài.
Qua đó mới thấy, nghề nào cũng vậy, một khi con người chuyên tâm và tinh thông thì tất sẽ có cơ hội để làm giàu từ chính cái nghề ấy của mình. Với Ông Nguyễn Văn Rô cũng vậy, ông đã học thật giỏi nghề làm lúa giống, đặc biệt là nghề chọn tạo giống lúa mới – một trong những công việc mà các viện, trường luôn rất muốn có đông đảo bà con nông dân tham gia – để rồi từ đó ông đã khá lên bằng chính nghề nghiệp và niềm đam mê của mình.
Thúy Hằng