Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đợt I năm 2010 tiếp tục được triển khai tại tất cả các xã, phường của 8 huyện, thành phố trong tỉnh Vĩnh Long. Chiến dịch được đánh giá là giải pháp hữu hiệu, góp phần tích cực trong công tác duy trì, giảm mức sinh tự nhiên theo qui định và nâng cao ý thức của người dân về sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.
Tại xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, ngay từ khi bắt đầu chiến dịch truyền thông dân số đợt I năm 2010, các cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên đã rà soát các đối tượng, nắm chắc địa bàn, đồng thời phối hợp với các hội, đoàn thể đến từng gia đình để tuyên truyền vận động. Chỉ trong 20 ngày đầu thực hiện, chiến dịch đã có 7/9 ấp của xã đạt và vượt 3/5 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu của cả năm 2010. Chẳng hạn, năm 2010, Hựu Thành được giao chỉ tiêu vận động 47 ca đặt vòng, trong chiến dịch đã thực hiện được 50 ca. Việc thực hiện các biện pháp ngừa thai khác : thuốc uống, thuốc tiêm đều đạt và vượt chỉ tiêu cả năm. Ngòai thực hiện các chỉ tiêu đặt vòng, thuốc uống, thuốc tiêm… xã Hựu Thành còn tổ chức tốt việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ. Qua đó, có 619 chị được khám phụ khoa; 234 chị được điều trị bệnh phụ khoa; 145 chị được khám thai… Kết quả có được là nhờ sự quan tâm sâu sát của Ban chỉ đạo các ấp tập trung cao độ, tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho chiến dịch. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho sản phụ trước khi sinh. Ảnh minh họa |
Tham gia chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình năm nay, ngoài được hướng dẫn áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình phù hợp, khám phụ khoa, cấp thuốc miễn phí, các chị còn được tầm soát ung thư cổ tử cung. Riêng những phụ nữ nghèo chẳng may phát hiện mắc bệnh nặng sẽ được Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo hỗ trợ toàn bộ viện phí khi điều trị ở tuyến trên. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Trà Ôn, mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí, hai biện pháp tránh thai như bao cao su và que cấy không đáp ứng yêu cầu của chiến dịch, lực lượng cộng tác viên dân số còn thiếu vì trông chờ công tác đào tạo… nhưng nhìn chung, chiến dịch truyền thông dân số đợt I năm 2008 được triển khai đều khắp các xã, thị trấn trong huyện. Đặc biệt, nhiều nơi đã rất thành công trong việc phối hợp cùng với các tổ, hội ở địa phương mình để thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra.
Năm 2009, xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm “bội thu” trong việc thực hiện các chỉ tiêu về DS – KHHGĐ. Đặc biệt, việc cung cấp các phương tiện tránh thai phi lâm sàng được cộng tác viên trao tận tay đối tượng theo phương châm “thuận tiện và an toàn cao” đã góp phần nâng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận các biện pháp tránh thai vượt xa mục tiêu đề ra.
Vì thế, khi chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS – KHHGĐ) năm 2010 vừa triển khai, Hiếu Nhơn lập ngay kế hoạch cụ thể, sát với tình hình thực tế từng ấp và kết hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể xã quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu chiến dịch. Kết thúc đợt I chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc CSSKSS – KHHGĐ năm 2010, Vĩnh Long có gần 58.000 cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT) lâm sàng và phi lâm sàng (đạt 89,48% chỉ tiêu chiến dịch). Bao cao su, thuốc viên, thuốc tiêm… là những BPTT được nhiều người lựa chọn. Và, để đạt được con số 89,48% chỉ tiêu chiến dịch này, Vĩnh Long đã có nhiều mô hình tuyên truyền kết hợp đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình, có kỹ năng tuyên truyền tốt. Họ không chỉ cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin về các biện pháp tránh thai, giúp đối tượng trong diện sinh đẻ có cơ hội lựa chọn cho mình BPTT thích hợp, mà còn cung cấp tận tay các phương tiện tránh thai phi lâm sàng cho chị em với phương châm “thuận tiện và an toàn cao”. Ý thức và niềm tin trong dân từ đó được nâng lên nên số hộ đông con, khó vận động trên địa bàn trước đây giờ đã vui vẻ thực hiện KHHGĐ.
Điều đáng lo ngại là, trong 33.763 phụ nữ được tiếp cận gói dịch vụ phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản, các trạm Y tế đã phát hiện 17.339 người mắc bệnh phụ khoa (chiếm trên 51,3% số người đến khám). Trong đó, có 186 người bị viêm nhiễm nặng được chuyển tuyến điều trị kỹ thuật cao và 1.234 người được xét nghiệm tầm soát tế bào ung thư cổ tử cung. So năm 2009, số người phát hiện mắc bệnh tăng 4.234 trường hợp. Bình Minh, Vũng Liêm có tỷ lệ bệnh phụ khoa tăng (trên 56%), thấp nhất là thành phố Vĩnh Long, 36,1%. Riêng về que cấy tránh thai, do Tổng cục DS – KHHGĐ không cấp kịp que và số lượng phân bổ cho các địa phương đủ số lượng nên nhiều chị muốn thực hiện BPTT này phải chờ. Từ đó, dẫn đến kết quả thực hiện biện pháp cấy que tránh thai bị hạn chế (đợt I toàn tỉnh thực hiện chỉ 30 ca). Hiện chi phí mỗi ca cấy que tránh thai tại một số điểm y tế tư nhân có giá trên 2 triệu đồng, còn trong chiến dịch thì hoàn toàn miễn phí, cộng với sự tiện ích của BPTT này là tỷ lệ tránh thai cao, có tác dụng tránh thai trong thời gian dài (3 năm) nên được nhiều người lựa chọn dẫn đến tình trạng “cầu vượt cung”.
Hiện nay, công tác DS – KHHGĐ đang còn phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội phức tạp cần được quan tâm giải quyết như : chất lượng dân số còn thấp, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc còn cao. Chỉ tiêu giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên chưa đạt trong khi nhận thức của nhân dân về công tác DS – KHHGĐ còn hạn chế. Để chiến dịch đợt II đạt kết quả cao, cần phải có sự quan tâm, linh hoạt trong điều hành chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đầu tư mọi nguồn lực, huy động toàn xã hội và các tổ chức chính trị vào cuộc; tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số cơ sở, đồng thời phát huy hơn nữa công tác truyền thông, từng bước đổi mới các hoạt động tuyên truyền. Rút ra những bài học quý báu từ chiến dịch đợt I, đúc kết kinh nghiệm để triển khai chiến dịch đợt II thành công, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2010.
Trọng Dũng