Bệnh hô hấp có thể diễn biến nhanh và nguy hiểm với nhiều biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, nhất là ở những đối tượng nguy cơ như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh nền.
Trong chương trình tư vấn trực tuyến “Các bệnh hô hấp nguy hiểm cuối năm” tối 15/12 vừa qua, các chuyên gia đầu ngành đã cung cấp các thông tin về gánh nặng bệnh tật và cách phòng bệnh hô hấp hiệu quả ở cả trẻ em và người lớn.
Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long kết hợp cùng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành: ThS Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; BSNT Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; BS Mã Thanh Phong, BS khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Độc giả quan tâm, xem lại chương trình tại đây.
Chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề “Các bệnh hô hấp nguy hiểm cuối năm” tối 15/12.
Mở đầu chương trình, bác sĩ Mã Thanh Phong đã nhấn mạnh ai cũng có khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp. Hệ hô hấp chia làm hô hấp trên và dưới. Bệnh lý hô hấp trên thường gặp là viêm mũi, viêm phế quản, viêm tai giữa… Bệnh lý đường hô hấp dưới thường gặp là viêm phế quản cấp, viêm phổi… Ngoài ra, người dân còn dễ mắc bệnh về đường dẫn khí như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính COPD. Đặc biệt, bệnh lý đường hô hấp cấp hay gặp đa số là do tác nhân virus gây ra.
Người có sức đề kháng ổn định, bệnh lý thường ổn định sau 5-7 ngày, có thể điều trị tại nhà nếu mắc cảm lạnh, cúm, viêm họng… Tuy nhiên, một số đối tượng nguy cơ cao như trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người bệnh nền rất dễ gặp biến chứng viêm phổi và bội nhiễm thêm tác nhân khác như vi khuẩn khiến bệnh kéo dài, tốn kém chi phí điều trị.
“Ở các nhóm nguy cơ, bệnh hô hấp có thể diễn biến rất nhanh và nguy hiểm. Chúng tôi từng chứng kiến các ca người lớn tuổi gặp ngay biến chứng viêm phổi chỉ sau các cơn loạn tri giác, chán ăn hoặc mệt mỏi”, bác sĩ Phong kể lại.
Bên cạnh đó, thói quen tự mua thuốc uống khi có dấu hiệu mệt mỏi, sốt ho, sổ mũi có thể gây khó khăn điều trị vì tình trạng kháng kháng sinh. “80% bệnh hô hấp do virus gây ra nên uống kháng sinh không mang lại hiệu quả mà còn làm tình trạng kháng kháng sinh gia tăng. Những trường hợp có triệu chứng bệnh hô hấp kéo dài, đặc biệt bệnh trẻ em, người lớn tuổi cần đi khám sớm”, bác sĩ Phong cảnh báo.
BS Mã Thanh Phong, BS khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh tư vấn tại chương trình.
BSNT Nguyễn Thị Phương Thảo cũng cho biết bệnh lý về đường hô hấp do nhiều tác nhân khác nhau, trong đó thường gặp là virus gây cảm lạnh và virus cúm. Như cảm lạnh thông thường gây triệu chứng mũi xoang, người bệnh bị đau mũi, xoang, sốt nhẹ và đáp ứng với thuốc hạ sốt, ví dụ cảm lạnh do virus Rhino có thể khỏi sau 3-5 ngày. Còn bệnh cúm mùa do virus cúm gây ra với nhiều tuýp cúm như cúm A, cúm B… dễ gặp ở trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền. Cúm có thể gây hội chứng quấy khóc, mệt mỏi, bỏ ăn, ăn kém ở trẻ em và nhức mỏi tay chân ở người lớn.
Trong đó, cúm nếu không được kiểm soát kịp thời dễ bùng phát thành dịch lớn với số tử vong cao.
Bác sĩ Phương Thảo lưu ý triệu chứng cảm sốt thông thường có thể tự theo dõi tại nhà, uống thuốc hạ sốt thông thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài, không thuyên giảm, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị.
ThS Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC tư vấn tại chương trình.
Theo ThS Nguyễn Diệu Thuý, trong các tác nhân gây bệnh đường hô hấp, hiện có khoảng 8 loại đã có vắc xin giúp phòng bệnh và giảm các biến chứng nguy hiểm.
Đầu tiên là vắc xin cúm mùa với hiệu quả bảo vệ rất cao. Riêng trong mùa cúm năm nay, ở Mỹ đã ghi nhận khoảng 26.000 người nhập viện, hơn 1.600 ca tử vong vì cúm. Người cao tuổi mắc cúm có nguy cơ đột quỵ cao gấp 8 lần, đau tim, nhồi máu cơ tim tăng 10 lần. Việc tiêm phòng vắc xin cúm mùa định kỳ hàng năm đã được khuyến cáo ở nhiều quốc gia và cần tiêm nhắc mỗi năm một lần.
“Sau khi tiêm vắc xin cúm, hiệu quả sẽ giảm theo thời gian. Dữ liệu cho thấy sau 6 tháng tiêm chủng vắc xin cúm thì miễn dịch sẽ giảm dần, trong vòng 1 năm, miễn dịch sẽ giảm khá thấp. Do đó, việc tiêm cúm hàng năm nhằm củng cố và tăng cường miễn dịch cúm được tốt hơn”, thạc sĩ Thúy lý giải.
Thứ hai là vắc xin phế cầu. Vắc xin giúp phòng nhiều bệnh do phế cầu khuẩn, trong đó có bệnh viêm phổi do phế cầu xâm lấn gây hậu quả nghiêm trọng và để lại những gánh nặng bệnh tật lớn, đặc biệt cho trẻ dưới 2 tuổi và người lớn trên 65 tuổi. Người từ 2 tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi duy nhất, có giá trị bảo vệ lâu dài.
Tiếp theo là vắc xin ho gà, bạch hầu đã được chứng minh có hiệu quả cao và đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ trong những tháng đầu đời. Nhờ đó, tỷ lệ mắc bạch hầu và ho gà ở nước ta đã giảm đáng kể. “Trước đây, chúng ta nghĩ ho gà chỉ có ở trẻ nhỏ, tuy nhiên hiện dịch tễ thay đổi ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp người lớn mắc bệnh. Do đó, tất cả mọi đối tượng đều cần tiêm ngừa bạch hầu, ho gà”, thạc sĩ Thúy nhấn mạnh.
Ngoài ra, sởi, thủy đậu là các bệnh gây các biến chứng liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi cũng đã có vắc xin.
Trong bối cảnh ngày nay, bên cạnh các vắc xin kể trên, thạc sĩ Thúy cũng khuyến cáo cần chủng ngừa các bệnh lý lây qua đường hô hấp khác như viêm màng não do não mô cầu và quai bị.
Thạc sĩ Thúy cho biết thêm, để phòng bệnh đường hô hấp hiệu quả, vắc xin là tấm khiên mà mỗi người dân cần trang bị cho mình. Bên cạnh đó, cần thực hiện thêm biện pháp đeo khẩu trang, vệ sinh tay mũi miệng, giữ ấm, khi có triệu chứng hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ như trẻ sơ sinh, người có các bệnh lý nền.
Nhật Linh