Trung tuần tháng chín năm nay, báo Bình Dương đăng tải loạt bài mang tên Kỷ vật trong lòng đất: Nhật ký thanh niên thế hệ Bác Hồ. Đó là một câu chuyện khá lạ lùng, có khởi nguồn từ 50 năm về trước. Ngay lập tức, chúng tôi nhận ra rằng, không chỉ bản thân câu chuyện có ý nghĩa rất sâu sắc, mà hành trình lý giải, đi tìm nguồn gốc của nó chắc chắn cũng sẽ là một câu chuyện rất hay khác.
![]() |
![]() |
![]() |
Trong lúc Kiến Giang – tác giả loạt bài và các đồng nghiệp của anh ở báo Bình Dương tiếp tục thực hiện hành trình đi tìm gốc tích nữ liệt sĩ, tác giả quyển nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh, không thể ngồi yên, chúng tôi cũng thử bắt tay vào việc thăm dò, khai thác các nguồn tin. Điện thoại đường dài lên Thành phố Hồ Chí Minh, ra Hà Nội, sau đó lên Bến Cát, ghé Thủ Dầu Một, rồi qua Thủ Đức, Củ Chi…
Cho đến khi nhận được thông báo đã tìm thấy quê chị ở Cai Lậy, một địa danh cách Vĩnh Long không xa, chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng đến nỗi lúc đầu đã không dám chắc vào sự chính xác của thông tin này.
Rất may mắn, trước ngày tìm đường về quê chị, chúng tôi đã gặp được hai người đặc biệt. Đó là anh Nguyễn Thành Văn – cháu ruột gọi nữ liệt sĩ bằng dì và cô Nguyễn Thị Cánh – bạn học trường làng thời niên thiếu.
Hôm ấy là ngày 16 tháng 11. Cả cô Nguyễn Thị Cánh và anh Nguyễn Thành Văn đều được mời dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam do UBND và Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Tiền Giang tổ chức. Tại buổi lễ này, cùng với thân nhân của 13 giáo viên – liệt sĩ khác, thay mặt gia đình, anh Nguyễn Thành Văn đã lên nhận Kỷ niệm chương do Bộ Giáo dục – Đào tạo truy tặng, vinh danh người dì của anh vì những cống hiến cho ngành giáo dục ở miền Nam thời kỳ kháng chiến.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Vào ngày 20/11, đúng ngày Nhà giáo Việt Nam, một đoàn đại biểu đặc biệt gồm năm người đã tìm đến UBND huyện Cai Lậy để được hướng dẫn về thăm quê hương nữ liệt sĩ. Đó là thầy Nguyễn Xuân Đàm, tên thời kháng chiến là Nguyễn Thanh Sơn – từng là giáo viên hướng dẫn của nữ liệt sĩ. Cô Nguyễn Thị Thu Vân – ở Bình Dương. Các cô Nguyễn Phi Vân và Lê Thiên Hương, thầy Dương Quốc Đạt – ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả họ là bạn học của nữ liệt sĩ trong năm 1964, trên Chiến khu D.
Tên nữ liệt sĩ, tác giả nhật ký, là Lê Thị Thiên, quê ở ấp Bà Bèo – xã Mỹ Phước Tây – huyện Cai Lậy – tỉnh Tiền Giang, nơi phút giây này thầy và các bạn học của chị đang trên đường tìm đến. Việc tìm thấy tên tuổi và quê hương chị là một câu chuyện khá dài.
Thật ra, thầy Sơn và những người bạn học của chị đều đã có mặt trong Lễ kỷ niệm 50 năm giáo dục thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở Tây Ninh do Bộ Giáo dục – Đào tạo và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chứcvào tháng mười vừa qua. Tại buổi lễ này, đọc những dòng ghi chép các sự kiện và sinh hoạt diễn ra hàng ngày trong quyển nhật ký của chị, gần như ai cũng chắc chắn rằng họ đã từng là bạn học chung trường chung khóa, từng ngồi chung trong một giảng đường, nhưng chị là ai, tên là gì, đến từ đâu thì vì thời gian đã quá lâu, không ai còn nhớ.
Sau những nỗ lực truy tìm từ trong ký ức không thành, Kiến Giang và các đồng nghiệp của anh đã phải tìm cách tiếp cận vấn đề bằng một phương thức khác. Họ đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo cung cấp danh sách liệt sĩ ngành Giáo dục đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và sử dụng biện pháp loại trừ để tìm kiếm nhân vật của mình. Trong số 810 liệt sĩ của ngành Giáo dục miền Nam có một trường hợp hy sinh tại miền Đông được chú ý. Tuy nhiên, khi đem áp vào thực tế để so sánh thì cái tên này có những chi tiết sai biệt.
Trong danh sách liệt sĩ của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Nguyễn Thị Thiên – quê ở ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang – hy sinh năm 1965. Còn trong danh sách liệt sĩ của huyện Cai Lậy, có Lê Thị Thiên – quê ở ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây – hy sinh năm 1966. Nghĩ rằng thời chiến tranh, sai biệt trong công tác hành chính sự vụ là điều hoàn toàn có thể xảy ra, Kiến Giang và các đồng nghiệp của anh đã lập tức lên đường đến Mỹ Phước Tây để xác minh. Cuối cùng, niềm tin và những nổ lực không mệt mỏi đã giúp các nhà báo định vị một cách chính xác: đây chính là quê hương của nhân vật mà các anh đã đi tìm suốt mấy tháng qua.
Chỉ hai hôm sau lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày đám giỗ nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên. Có mặt trong đám giỗ, chúng tôi đã gặp khá nhiều người là bà con và hàng xóm của chị, nghe họ kể về những kỷ niệm đã mờ xa trong ký ức. Ba má chị có tất cả 7 người con, và trong gia đình, chị là con thứ sáu. Tuy nhiên, trước giải phóng, sáu người trong số họ đã mất, trong đó có hai người là liệt sĩ. Anh Nguyễn Thành Văn – chủ nhân ngôi nhà này – chính là con trai của người duy nhất còn sót lại, chịu trách nhiệm thờ cúng các liệt sĩ. Mặc dù thờ cúng người dì của mình đã nhiều năm, anh Văn không biết mặt dì, cũng không biết dì mất ở nơi đâu cho đến ngày Kiến Giang và các phóng viên báo Bình Dương tìm đến Mỹ Phước Tây.
Đám giỗ nữ liệt sĩ hôm ấy, trong ngôi nhà nhỏ của anh Nguyễn Thành Văn ở ấp Bà Bèo – xã Mỹ Phước Tây, khách đông đến nỗi không đủ chỗ cho tất cả mọi người. Đó là đại biểu chính quyền và các ban – ngành, đoàn thể của hai tỉnh Tiền Giang và Bình Dương, của huyện Cai Lậy, xã Mỹ Phước Tây cùng bạn bè, đồng đội, các cựu chiến binh và bà con trong xóm ấp. Trong số đại biểu, chúng tôi gặp lại một gương mặt quen thuộc. Đó là chú Huỳnh Văn Sáng, ở ấp Xóm Đèn – xã Tân Mỹ – huyện Tân Uyên – tỉnh Bình Dương, người đã tìm thấy quyển nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh, chủ nhân mảnh đất nơi nữ liệt sĩ có lẽ đã vĩnh viễn nằm lại gần 50 năm về trước.
Tại đám giỗ, câu chuyện tìm thấy quyển nhật ký và hành trình đi tìm tác giả của nó đã được kể lại với những tình tiết cảm động. Có mặt tại đám giỗ, chị Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Phó Bí thư Huyện ủy Cai Lậy đã chân thành bày tỏ lòng biết ơn đối với chú Huỳnh Văn Sáng ở Tân Uyên và những người làm báo ở Bình Dương đã dốc hết tâm sức để tìm thấy quê nhà nữ liệt sĩ, mang đến niềm vinh dự, sự tự hào cho người dân Mỹ Phước Tây – Cai Lậy.
Cũng tại đám giỗ này, có hai vấn đề chính thức được đặt ra trước đại diện chính quyền, các ban – ngành hai tỉnh Tiền Giang và Bình Dương. Một là đề xuất việc xuất bản tác phẩm Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh để phổ biến rộng rãi trong toàn quốc và hai là đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng công trình tưởng niệm nữ liệt sĩ – người đã viết nên những dòng chữ làm rạng danh thế hệ thanh niên một thời đại, thế hệ không tiếc máu xương, sẵn sàng cống hiến, sả thân, hy sinh vì nghĩa vụ lớn lao trước Tổ quốc, trước nhân dân.
Công trình ấy dự kiến sẽ được xây dựng, hoặc ở Mỹ Phước Tây – Cai Lậy của Tiền Giang, hoặc ở Tân Mỹ – Tân Uyên của Bình Dương.
Ngày hôm ấy, chúng tôi nghĩ Kiến Giang – tác giả câu chuyện đã được in trên báo – là người hạnh phúc nhất, niềm hạnh phúc của một người làm nghề chân chính. Đằng sau niềm hạnh phúc ấy, chúng tôi còn cảm nhận được sự mãn nguyện sâu xa vì đã làm tròn nghĩa cử đối với thế hệ cha anh, những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu để góp phần giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Giữa những chuyến hành trình đi tìm tác giả Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh, dần dần,chúng tôi nhận ra rằng, phía sau các sự kiện và hồi ức còn ẩn giấu một câu chuyện có ý nghĩa rất đặc biệt. Theo nhiều nhân chứng kể lại, Khóa II Trường Cách mạng tháng Tám do Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam mở năm 1964 nhằm mục đích đào tạo giáo viên cấp II. Chương trình học tập đòi hỏi học viên phải có trình độ tương đối cao, có khả năng tiếp thu được những môn học khó như triết học về chủ nghĩa Mác – Lênin, văn học, giáo dục – tâm lý học, vân vân… Trong số 125 học viên của khóa học, hầu hết đều là học sinh – sinh viên ở Sài Gòn và các tỉnh – thành, còn Lê Thị Thiên mới chỉ học hết lớp 4 trường làng. Để theo kịp bạn bè, chắc chắn, chị đã phải rất nỗ lực. Vì tập trung cao độ vào việc học, chị hầu như không tham gia vào các phong trào, các sinh hoạt tập thể vốn rất sôi nổi ở chiến khu như phong trào văn nghệ, phong trào tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Như thực tế sau này đã chứng minh, chính vì vậy, có rất ít người biết chị.
Bé nhỏ, khiêm tốn, chìm khuất giữa chiến khu, song những dòng nhật ký bình dị ghi lại cuộc sống và tâm tư tuổi mười tám đôi mươi mà chị để lại từ ngày ấy, đến hôm nay – tức 50 năm sau – lại có sức lay động mãnh liệt. Bất cứ ai đọc nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh đều rất dễ dàng liên tưởng đến những tác phẩm nổi tiếng của những người cùng thời với chị như Nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi của anh Nguyễn Văn Thạc.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng rất xúc động khi đọc quyển nhật ký của chị Lê Thị Thiên. Ông đã viết:
"Tôi thật sự xúc động và khâm phục khi đọc những dòng nhật ký này.
Tôi học tập nhiều ở những con người bình dị mà cao cả. Tâm hồn của họ luôn trẻ trung, trong sáng, lý tưởng cách mạng như ngọn đuốc rực cháy trong tim gan. Họ hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào; tính tự giác, tự phê bình, tự chịu trách nhiệm nghiêm túc, sâu sắc…
Tôi mong muốn và tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay sẽ học tập và tiếp nối lý tưởng của thế hệ đi trước một cách xuất sắc. Đó chính là lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ và của cả dân tộc ta – bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN giàu mạnh, sánh vai cùng bè bạn năm châu…"
Sau hơn hai tháng dành nhiều tâm trí vào câu chuyện này, đến hôm nay về quê chị, thả mình trôi trên dòng kênh Kháng Chiến, dưới một bầu trời trong vắt và xanh thẳm vương đôi làn mây trắng, chúng tôi thấy lòng đã dần thanh thản trở lại. Chỉ còn đây nỗi nhớ thương một người con gái là chị. Cảm giác đúng như những vần thơ mà Tiến sĩ – Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Đàm, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Phú Yên tức thầy Nguyễn Thanh Sơn của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, thầy dạy của nữ liệt sĩ ngày xưa, đã viết về người học trò cũ của mình:
Như ánh sao băng vạch trên nền trời Tổ quốc
như tia nắng hồng sưởi ấm những bình minh, sống – em là Thiên, thác – em lại càng thiêng
bốn mươi tám năm giữa lòng đất mẹ
em lại về sáng bừng trang nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh…
![]() |
![]() |
![]() |
Lê Thị Thiên – trong khi sống mãi tuổi hai mươi, chị đồng thời sẽ được yên nghỉ dưới bầu trời xanh vĩnh hằng của quê hương.
Thu Hà