Trung tuần tháng chín năm nay, Báo Bình Dương đăng tải loạt bài mang tên Kỷ vật trong lòng đất: Nhật ký thanh niên thế hệ Bác Hồ. Đó là một câu chuyện khá lạ lùng, về quyển nhật ký thời kháng chiến của một liệt sĩ, có khởi nguồn từ 50 năm về trước, mới được tìm thấy ở huyện Tân Uyên.

Ngay lập tức, chúng tôi nhận ra rằng, không chỉ bản thân câu chuyện có ý nghĩa rất sâu sắc, mà hành trình lý giải, đi tìm nguồn gốc của nó chắc chắn cũng sẽ là một câu chuyện rất hay khác.

Từ Vĩnh Long, chúng tôi đến Bình Dương, ghé qua thành phố Thủ Dầu Một để đón Kiến Giang – phóng viên báo Bình Dương, người có thể coi là chủ nhân của câu chuyện này. 

Theo lời chỉ dẫn của anh, chúng tôi đến ấp Xóm Đèn thuộc xã Tân Mỹ – huyện Tân Uyên để gặp chú Huỳnh Văn Sáng, người đã tìm thấy quyển nhật ký của một liệt sĩ bị chôn vùi trong lòng đất .

 

Chú Huỳnh Văn Sáng, tên thường dùng là Bảy Sáng, rất chân thành kể cho chúng tôi nghe câu chuyện nầy. 

Đã từ rất lâu, gia tộc chú có một khu mộ phần. Nơi ấy chôn cất tất cả 45 người. Ngoài ra, thời kháng chiến chống Mỹ, do hoàn cảnh lịch sử, có 6 liệt sĩ cũng được chôn cất trên mảnh đất này. Trong đó , có hai liệt sĩ do chính tay chú chôn cất vào năm 1963, còn lại 4 liệt sĩ khác là do bà con lối xóm chôn cất năm 1966. 

Năm 2009, xuất phát từ nguyên nhân tranh chấp đất đai, khu mộ phần gia tộc chú Bảy đã bị cày xới, san lấp tan hoang. Khi chú phát hiện ra điều này thì hầu hết các ngôi mộ đã hoàn toàn bị thất lạc. 

Không đành lòng chấp nhận nỗi đau thương, mất mát này, chú Bảy đã bắt tay vào việc đào bới, tìm kiếm hài cốt thân nhân và đồng đội, trong đó, chú đặc biệt hy vọng sẽ tìm thấy hài cốt liệt sĩ , bởi đó là những phần mộ mới hơn hẳn so với những phần mộ còn lại. Tuy nhiên, kết quả duy nhất chỉ là một gói di vật của liệt sĩ. Sau đó, vào tháng chín năm nay, gói di vật được chuyển giao cho một phóng viên ở báo Bình Dương. Người đó chính là nhà báo Kiến Giang, tác giả loạt bài đã dẫn đường cho chúng tôi đến đây.

Gói di vật bao gồm một quyển nhật ký và 5 tấm ảnh, trong đó đáng chú ý nhất là ảnh một nữ chiến sĩ còn rất trẻ, được cho là tác giả của cuốn nhật ký này. Ngoài ra còn có ảnh một nữ thanh niên, một thiếu nữ, một bé gái và chân dung liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. 

Trong số di vật, đáng giá nhất là quyển nhật ký dày 35 trang, được chính tác giả đặt tên là Thế hệ Hồ Chí Minh. Được chôn cùng liệt sĩ từ năm 1966, đến năm 2009 là vừa đúng 43 năm nhưng các dòng chữ viết trong cuốn nhật ký vẫn còn khá rõ ràng, giọng văn mạch lạc, cho thấy tác giả là một người  có trình độ và giàu cảm xúc. Nhật ký được bắt đầu từ tháng 2 năm 1962 và kết thúc ngày 20 tháng 10 năm 1966, tức là trong khoảng thời gian gần 5 năm. 

 

Qua nội dung ghi chép,  có thể biết tác giả là một nữ chiến sĩ công tác trong lĩnh vực giáo dục. Chị là người có lý tưởng sống cao đẹp, luôn trăn trở, day dứt với hoài bão cống hiến sức lực tuổi trẻ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, hy sinh cho những mục đích cao cả của cách mạng, vì nhân dân, vì Tổ quốc. 

Ngoài ra, chị còn làm thơ khá hay. Trong số ba bài thơ chép ở cuối tập nhật ký có một bài chị đề tặng Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi nhân ngày mất hai năm của anh 15/10/1964 – 15/10/1966, tức là trước ngày mất của chính chị chỉ có mấy hôm với những câu:   

Anh đã chết, nhưng anh vẫn sống

sống trong lòng nam nữ thanh niên

tươi thêm giọt máu vào tim…

Nhớ anh, tôi nhớ lời anh dặn

nhớ anh, sống – chiến đấu như anh

làm sao xứng với tuổi xanh…

Chú Bảy Sáng đưa chúng tôi ra thăm khu phần mộ gia tộc giờ đã bị san ủi và rào lấp cách nhà chú chừng ba cây số. Cho đến hôm nay, lòng chú vẫn còn rất nặng nề. 

Nặng nề bởi một điều hết sức trái ngang mà chỉ có chú mới thấm thía nhất. Sau ngày giải phóng, tin  rằng phần mộ gia tộc sẽ không bao giờ bị xâm phạm, chú Bảy dành thời gian tham gia vào việc đi tìm hài cốt đồng đội hy sinh ở chiến khu D để đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Uyên. Bản thân chú đã tìm được 10 hài cốt liệt sĩ, từng được mời ra Thủ đô Hà Nội họp mặt tuyên dương và tặng bằng khen về nghĩa cử này. 

Vậy mà 6 phần mộ liệt sĩ nằm trong nghĩa trang gia tộc của chính chú Bảy giờ đây không còn nữa. 45 phần mộ người thân trong dòng họ cũng không còn dấu vết , ngoài vài tấm bia mộ nằm lăn lóc bên chân các cột rào. Nếu không nhờ một cơn mưa lớn, di vật quý giá mà Kiến Giang đang giữ, có lẽ cũng sẽ không tìm thấy.

Vào ngày Kiến Giang đưa chúng tôi đến nhà chú Bảy Sáng, tức là  đầu tháng mười năm nay, anh vẫn chưa tìm được tác giả cuốn nhật ký. Trong anh mới bắt đầu định hình những con đường mà từ đó, anh và các bạn của mình sẽ lần theo để tìm kiếm dấu vết con người này. Nhiều đồng nghiệp cũng đã có sự quan tâm đặc biệt đến câu chuyện này. 

Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh có nội dung rất hay, cho nên, việc khám phá ai là tác giả của nó tất nhiên là một điều hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc coi hành trình đi tìm tác giả nhật ký là bổn phận, là nghĩa cử, tương tự như hành trình Đi tìm đồng đội – một hành trình của trái tim – của các đồng nghiệp ở báo Bình Dương đã khiến chúng tôi thật sự rất cảm động.

Hành trình Đi tìm đồng đội này đã có một khởi đầu quý giá. Trong ba ngày 10, 11 và 12 tháng mười, Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp với Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm giáo dục thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Toàn bộ cán bộ, giáo viên, học viên từng công tác trên mặt trận giáo dục – tuyên huấn ở miền Nam thời kỳ này đều được mời tham dự. Bởi nữ liệt sĩ – tác giả quyển nhật ký – cũng từng là giáo viên trong những năm từ 1962 đến 1966, cho nên đây thật sự là một cơ hội để nhóm phóng viên của Kiến Giang, và cả chúng tôi nữa,  hy vọng dò ra manh mối. 

Ngày 11 tháng 10, gần 1.000 đại biểu tham dự lễ kỷ niệm đã đến căn cứ Lò Gò – Xa Mát để dự lễ khánh thành Bia kỷ niệm Căn cứ Tiểu ban giáo dục miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1962 – 1975, ghi ơn những người đã có công lao đối với cuộc kháng chiến cứu nước và sự nghiệp đào tạo các thế hệ miền Nam, viết nên những dòng lịch sử đẹp đẽ cho Tổ quốc. 

Những người tham gia hành trình đi tìm liệt sĩ tính toán khả năng có thể tiếp cận được bao nhiêu người từng sống ở chiến trường miền Đông trong những tháng năm gian khó ấy.

Ngày hôm sau, trong khuôn viên UBND tỉnh Tây Ninh đã diễn ra một cuộc họp mặt rất cảm động. Bạn bè xưa, đồng đội cũ từ khắp mọi miền đất nước cùng chan hòa trong niềm vui gặp lại. Chuyện trò không dứt, tay bắt mặt mừng, chụp hình kỷ niệm, trao nhau địa chỉ, tìm kiếm và thăm hỏi, nhắn gửi và hẹn hò…

Trước giờ họp mặt, Kiến Giang và đồng nghiệp của anh đã cẩn thận in hàng trăm bộ tài liệu liên quan đến nhân vật đang được tìm kiếm, bao gồm loạt bài kể về kỷ vật trong lòng đất cùng các hình ảnh kèm theo. Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề hội nghị, chúng tôi thấy Kiến Giang và các đồng nghiệp của anh đã tranh thủ mọi cơ hội như thế nào. Họ kiên nhẫn kể đi kể lại câu chuyện của mình, cho rất nhiều người.

Phần lớn các bác, các cô các chú đi ngang qua chỗ họ đều dừng lại. Có những người ngay từ đầu đã khẳng định không biết, lại có những người cứ băn khoăn xem đi xem lại mãi các bức ảnh, cẩn trọng dò đọc từng dòng từng chữ trong cuốn nhật ký bé nhỏ và cũ kỹ. Mặc dù chỉ đứng ở bên ngoài để quan sát,  chúng tôi cũng không tránh khỏi sự hồi hộp, căng thẳng vì chờ đợi. Xen vào đó còn là một tình cảm trìu mến, cảm phục những người đồng nghiệp…

 

Giữa thời gian diễn ra hội nghị, chúng tôi thấy có một số đại biểu do đặc biệt quan tâm tới câu chuyện về nữ liệt sĩ – tác giả cuốn Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh – đã tranh thủ thời gian để đọc tập tài liệu và tập trung suy nghĩ. 

Điều quan trọng nhất mà Kiến Giang thu thập được từ lần tiếp cận này là hầu hết các bác, các cô các chú đều khẳng định: Tác giả cuốn nhật ký chắc chắn là đồng đội, đồng nghiệp của họ. Căn cứ vào các mốc thời gian và sự kiện được ghi chép trong nhật ký, có thể nhận định, chị đã từng là học viên Trường Giáo dục tháng Tám, khóa II, tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Một số người đã nói: Gương mặt này quen lắm. Chỉ tiếc rằng, chị là ai, tên là gì thì chưa ai nhớ. 

Tất nhiên là vậy. 50 năm là một quãng thời gian khá dài.

Đã tới lúc chia tay. Trong khi các đại biểu tranh thủ lên khán đài để chụp những bức lưu niệm cuối cùng, nhóm Kiến Giang vẫn kiên nhẫn tận dụng từng phút giây. Hiểu rằng khả năng, niềm hy vọng tìm được tung tích nữ liệt sĩ trong lần gặp gỡ này như vậy không còn nhiều, chúng tôi vẫn biết rằng, một niềm tin đã được khơi gợi.

Ký ức đang được đánh thức.

Để không bỏ sót các manh mối trong hành trình đi tìm nhân vật của mình, những ngày ở Tây Ninh, chúng tôi cùng những người bạn đồng nghiệp đã quyết định tìm đến Khu di tích Trung ương Cục miền Nam. 

Đường vào Khu di tích hôm nay rất đẹp . Cán bộ và nhân viên Khu di tích đón tiếp chúng tôi thân tình như người trong một nhà. Ngồi vào bàn, chưa ai trong số họ kịp uống một ly trà, câu chuyện mà chúng tôi đã thuộc nằm lòng – lại bắt đầu. Lại bắt đầu từ khoảnh khắc vào một buổi sáng cách nay đã ba năm, chú Bảy Sáng ở Tân Uyên nhận được hung tin: Khu phần mộ gia tộc đã bị san bằng…

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Lê Thanh Chiến – hướng dẫn viên Khu di tích – đã khẳng định, tại các phòng trưng bày của Khu di tích Trung ương Cục miền Nam không có những hình ảnh này. Nhưng anh nghĩ có thể giúp Kiến Giang bằng cách dò hỏi các cán bộ lão thành cách mạng vẫn thường đến tham quan nơi đây. 

Một hy vọng thật mong manh.

Sau chuyến đi Tây Ninh, chúng tôi lên đường trở về nhà. Ngang qua Tân Uyên, chúng tôi đã dừng lại để đứng một lúc bên dòng Đồng Nai. Bến sông này cách địa điểm tìm thấy cuốn nhật ký chỉ vài trăm mét. 46 năm đã qua đi, hài cốt các anh các chị có thể đã tan lẫn trong đất trời và sông nước miền Đông. Chỉ cầu xin vong hồn các anh chị có linh thiêng thì hãy mách bảo, chỉ đường cho những người bạn của chúng tôi tìm thấy tên tuổi, gốc gác, quê hương chị. Chúng tôi biết, chưa về đến nhà, Kiến Giang đã lại dự kiến những hành trình mới. 

Vào lúc viết những dòng này, khi vẫn còn ngờ ngợ về hành trình chưa có điểm dừng, rất bất ngờ, chúng tôi  vui mừng nhận được thông tin, các anh đã thành công. Và bất ngờ hơn, nhân vật của chúng tôi lại là một người miền Tây Nam bộ. Một ngày giữa tháng 11 nầy, mọi thứ sẽ được xác nhận chính danh, trong một cuộc họp mặt khác, chắc chắn sẽ có nhiều cảm xúc : ngày giỗ liệt sĩ , chủ nhân Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh, tại chính gia đình chị. Về nhà, nhật ký của một thế hệ thanh niên kháng chiến, sẽ lại truyền lửa cho bao người thân yêu.

 Ngày đáng ghi nhớ  này, chúng tôi sẽ đến viếng chị, để có thể tiếp tục kể về phần kết câu chuyện có hậu này. Thế hệ Hồ Chí Minh sáng mãi…

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *