Khoảng 1 năm nay, sâu đục trái trên Bưởi Năm roi phát triển mạnh, trở thành đối tượng dịch hại nguy hiểm, gây thiệt hại lớn cho hàng ngàn nhà vườn trồng bưởi ở Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Vậy nhà vườn và ngành chức năng đang làm gì để đối phó với dịch hại mới này?

Mọi năm, vào những tháng này, đến các nhà vườn trồng bưởi Năm Roi, ở đâu, dù ít hay nhiều cũng đều thấy có bưởi đẹp, bà con để dành bán Tết. Vậy mà năm nay, tình hình hầu như ngược lại. Ở đâu có bưởi Năm roi là ở đó có sâu gây hại như thế này.

Hiện tại, giá bưởi đã trên 15.000 đồng/kg, trái có trong lượng từ 1,2 kg trở lên đều đạt bưởi nhất, vậy mà nhà vườn không có để bán. Còn đối với thương lái, do hàng bưởi Năm roi đang ít dần nên cũng đã vào tận vườn đặt mua với giá khá cao từ hơn 1 tháng qua nhưng vẫn không có đủ hàng.

Đây là vườn bưởi 8 năm tuổi của gia đình ông Bùi Văn Lẫm ở xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, mấy năm trước, năm nào ông cũng thu được vài chục tấn trái, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Năm nay, do sâu đục trái tấn công từ giữa năm đến giờ đã thiệt hại gần 70% sản lượng, thu nhập chỉ còn khoảng 40 triệu đồng mà thôi. Hơn nữa, Tết Quý Tỵ năm nay, gia đình ông cũng chẳng có nhiều bưởi đẹp để bán, nên có thể sẽ thất thu vài chục triệu đồng nữa.

Vườn bưởi 8 năm tuổi của gia đình ông Bùi Văn Lẫm ở xã Phú Thành, huyện Trà Ôn

Từ khi phát hiện vườn bưởi bị sâu đục trái đến nay đã hơn 5 tháng, bằng kinh nghiệm của mình, ông Lẫm đã tự lực đối phó bằng những biện pháp khác nhau, nhưng xem ra tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Nhiều nhà vườn trồng bưởi ít vốn, không dám mạnh tay thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu đục trái, hậu quả là phải chịu thiệt hại rất nặng nề, nên đành phải chịu bó tay ngồi nhìn vườn bưởi của mình ngày càng xơ xác.

Những trái bưởi bị sâu đục trái

Được biết, vùng bưởi ở hai xã Cù Lao Mây là Lục Sỹ Thành và Phú Thành của huyện Trà Ôn được ghi nhận là nơi đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long phát hiện có sự hiện diện của sâu đục trái – đối tượng dịch hại nguy hiểm mà trước đó bà con mới chỉ nghe thông tin về nó từ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên về mức độ ảnh hưởng bà con chưa được biết. Đến khi tại vườn nhà xuất hiện thì mới hiểu ra, sâu đục trái gây hại nặng nề và phát triển khá nhanh.

Hiện nay, theo phản ánh của người dân, trên 300 ha bưởi Năm Roi ở hai xã Phú Thành và Lục Sỹ Thành, hầu như đều đã bị sâu đục trái tấn công và gây thiệt hại nặng nề.

Mấy năm qua, Vĩnh Long đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển Bưởi Năm Roi, xem đây là một trong những loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh nhà. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư mở rộng diện tích trồng loại cây ăn trái đặc sản này, trong đó có Phú Thành và Lục Sỹ. Vì vậy, việc cây bưởi bị sâu đục trái hoành hành như hiện nay, đã làm cho con hai xã phải chịu mất mát hàng chục tỷ đồng.

Cây bưởi bị sâu đục trái hoành hành như hiện nay, đã làm cho con hai xã Phú Thành và Lục Sỹ phải chịu mất mát hàng chục tỷ đồng.

Còn tại huyện Bình Minh – vùng chuyên canh bưởi Năm Roi lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, tình hình cũng rất đáng lo ngại. Tuy ở đây sâu đục trái xuất hiện và bộc phát muộn hơn nhiều nơi khác, nhưng mức độ thiệt hại cũng chẳng thua kém gì. Nhiều người tính toán, với gần 1.400 ha bưởi, hiện tại mỗi ngày xã Mỹ Hòa bị sâu gây hại trên nửa tỷ đồng. Một con số thiệt hại chưa từng thấy trong lịch sử trồng bưởi mấy chục năm qua của xã. Còn nếu tính trên phạm vi toàn huyện Bình minh, thì con số này còn lớn hơn nhiều. Bà con còn so sánh dịch hại này tương tự như dịch chổi rồng trên cây nhãn vậy. Nó chẳng những lây lan nhanh, gây thiệt hại nặng về kinh tế, mà còn rất khó phòng trị.

Do sâu đục trái bưởi là một đối tượng dịch hại quá mới mẻ, nên đa phần bà con chỉ mới nghe thông tin chúng, chứ chưa hề biết chúng có hình dạng như thế nào, đặc tính sinh sống và gây hại ra sao… Đến khi phát hiện có sâu trong vườn thì mật số của chúng đã khá cao, và bùng phát thành dịch.

Theo thói quen xưa nay của nhà vườn, hễ thấy có sâu bệnh xuất hiện thì tự đi mua thuốc về phun xịt. Tuy nhiên, đối với loại dịch hại mới này, thì việc làm đó của bà con hầu như đã không mang lại hiệu quả. Thậm chí càng phun xịt nhiều, thì càng làm cho chúng lây lan nhanh. Trước đây, sâu chỉ ăn trái lớn, nay ăn cả trái nhỏ. Mà một khi trái bưởi đã bị sâu đục trái tấn công thì coi như hư hại hoàn toàn, giá trị thương phẩm không thể cứu vãn.

Vì vậy, cùng với việc thông tin đến các cơ quan chức năng, nhà vườn trồng bưởi cũng đã tự áp dụng các biện pháp chống chọi theo sự trải nghiệm của riêng mình. Mà trong đó giải pháp đã được bà con thực hiện phổ biến nhất là hái bỏ những trái đã bị sâu gây hại.

Một số nhà vườn tâm huyết hơn thì còn nghĩ ra việc nghiên cứu về vòng đời của con sâu này, với hy vọng mong manh là sẽ tìm ra được phương kế đối phó hữu hiệu hơn với chúng.

Nhưng nhìn chung tất cả các biện pháp đối phó của bà con nông dân đối sâu đục trái bưởi thời gian qua đều còn thiếu tính khoa học, nên vẫn chưa thể đạt được kết quả mong muốn. Vì vậy, chỉ có sự bắt tay vào cuộc của các cơ quan chức năng và các nhà chuyên môn thì may ra việc phòng trừ đối tượng dịch hại nguy hiểm này mới mang lại hiệu quả.

Không chỉ có bưởi Năm Roi, mà hiện nay hầu hết các giống bưởi khác, và cây có múi nói chung cũng đều có thể bị sâu đục trái tấn công gây hại

Thật vậy, đáng mừng là nhờ có sự vào cuộc kịp thời của ngành chức năng, và các nhà khoa học mà hiện nay hơn 1.300 ha bưởi đang bị sâu đục trái hoành hành ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã được khống chế. Điều đó cho thấy, dù có nguy hiểm đến mức nào thì sâu đục trái trên cây bưởi vẫn có thể được kiểm soát.

Tại tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp, Chi Cục bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp giúp bà con ứng phó với dịch hại này. Và bước đầu cũng đã ghi nhận được một số kết quả tại huyện Bình Minh.

Tại nhiều huyện khác trong tỉnh cũng được triển khai các cuộc tập huấn tương tự cho nhà vườn trồng bưởi. Tuy nhiên, theo các nguồn tin phản hồi, thì trong các biện pháp trên, bà con ngán ngại nhất là biên pháp bao trái. Nhiều vườn cây đã cao lớn, bao trái khó khăn, hoặc giá túi bao trái khá cao…nên bà con thường chọn giải pháp phun thuốc định kỳ, kết hợp vệ sinh vườn sao cho thông thoáng mà thôi. Song, phun thuốc nhiều lần trong một chu kỳ sinh trưởng của trái không phải là giải pháp mà ngành chức năng mong muốn.

Được biết, không chỉ có bưởi Năm Roi, mà hiện nay hầu hết các giống bưởi khác, và cây có múi nói chung cũng đều có thể bị sâu đục trái tấn công gây hại. Dự báo trong thời gian tới, đối tượng này vẫn tiếp tục là đối tượng gây khó khăn cho nhà vườn trồng cây có múi ở ĐBSCL. Do vậy, để phòng trừ có hiệu quả và đảm bảo cho nhà vườn trồng cây có múi nói chung, trồng bưởi Năm Roi nói riêng, có thể bảo vệ được vườn cây của mình, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đang có đề xuất giải pháp mang tính bền vững hơn trong tương lai.

Hy vọng các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học cũng sẽ tìm ra được phương án hữu hiệu, để giúp bà con nông dân vượt qua dịch sâu đục trái bưởi này

Bưởi Năm Roi vốn được xem là một trong những loại cây ăn trái đặc sản, có giá trị kinh tế cao của vùng ĐBSCL, mà đặc biệt là Vĩnh Long. Với hàng chục ngàn héc-ta hiện có, nhiều thập niên qua loài cây có múi này đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân trong vùng cải thiện được đời sống, vươn lên khấm khá. Đến nay, ĐBSCL đã trải qua nhiều đợt dịch hại lớn, như bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa; dịch vàng lá gân xanh trên cây cam sành; dịch chổi rồng trên cây nhãn… nhưng đều đã tìm ra được giải pháp kiểm soát thành công. Vì vậy, với dịch sâu đục trái trên cây bưởi lần này, hy vọng các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học cũng sẽ tìm ra được phương án hữu hiệu, để giúp bà con nông dân vượt qua cơn bĩ cực.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *