Người trẻ khỏe hiện chưa quan tâm nhiều đến vắc xin nhưng tâm lý chủ quan này có thể gây nguy hiểm cho người trong gia đình vì đây chính là đối tượng có sự giao lưu tiếp xúc và mang mầm bệnh về nhà cao nhất.
Trong buổi livestream tối 1/3 chủ đề: “Cập nhật diễn biến cúm và các bệnh hô hấp”, các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm và hô hấp đã thông tin chi tiết tình hình dịch bệnh hô hấp hiện nay và các cách phòng ngừa áp dụng cho từng cá nhân và cả cộng đồng.
Bên cạnh đó, các thắc mắc về các vắc xin phòng ngừa như đối tượng sử dụng, phác đồ, cách chăm sóc sau tiêm cũng đã được ThS. Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKII Mã Thanh Phong, quyền Trưởng đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải đáp. Bạn đọc quan tâm xem lại buổi tư vấn tại đây
Buổi tư vấn cập nhật tình hình cúm và các bệnh đường hô hấp tối 1/3.
Mở đầu buổi tư vấn, bác sĩ Mã Thanh Phong đã cập nhật nhanh tình hình các bệnh hô hấp thời gian gần đây. Theo đó, thời tiết nồm ẩm ở miền Bắc và nắng nóng miền Nam tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút, vi nấm phát triển gây bệnh. Trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền dễ diễn biến nặng khi mắc cúm, viêm phổi, viêm phế quản. Số ca bệnh tăng lên đi kèm với số ca nhập viện tăng theo.
Bác sĩ Phong lưu ý biện pháp phòng bệnh có thể áp dụng ngay là giữ ấm với thời tiết rét ở miền Bắc, thời tiết nóng như miền Nam thì không nên ngồi quạt thời gian lâu và để thổi trực tiếp vào người, không bật máy lạnh có nhiệt độ quá chênh lệch so với môi trường bên ngoài. Dù lạnh hay nóng, cơ thể luôn mất nước, do đó cần duy trì uống đủ nước dù không cảm thấy khát.
Bên cạnh đó, tiêm ngừa phòng các tác nhân hô hấp hàng đầu như cúm, phế cầu, não mô cầu, sởi… là cách tạo kháng thể chủ động chống lại các mầm bệnh nguy hiểm. Các vi khuẩn, vi rút này có thể gây ra các bệnh từ nhẹ đến nặng như viêm mũi, họng, viêm phế quản cấp diễn tiến thành viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp. Trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) sẽ dễ khò khè, khó thở hoặc tăng tuyến đàm nhớt, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển và tấn công, nguy cơ cao diễn tiến nặng và nhập viện.
Bác sĩ Mã Thanh Phong cũng lưu ý khi điều trị các bệnh về đường hô hấp tại nhà: “Cảm cúm, Covid hay các bệnh về đường hô hấp thường có triệu chứng giống nhau. Tôi khuyên không nên cố phân biệt các bệnh này tại nhà vì có thể bỏ qua thời gian vàng điều trị bệnh. Do đó khi gặp tình trạng sốt kéo dài 39-40 độ nhưng uống thuốc vẫn không hạ, người mệt mỏi khó thở nên đi khám để biết triệu chứng này là thông thường hay nghiêm trọng cần nhập viện”.
BS.CKII Mã Thanh Phong tại buổi tư vấn trực tuyến 1/3.
Để tạo “kén” vững chắc bảo vệ gia đình, ThS Nguyễn Diệu Thúy lưu ý, bên cạnh việc tiêm cho trẻ thì thanh thiếu niên, người lớn trong gia đình cũng cần rà soát lịch tiêm chủng để bổ sung các mũi vắc xin còn thiếu hoặc chưa được tiêm. Trước thắc mắc của nhiều khán giả “Người trẻ khỏe có cần tiêm vắc xin không?”, ThS Thúy lý giải với các bệnh truyền nhiễm, ai cũng có nguy cơ nhiễm và diễn tiến nặng, phải nghỉ làm mất thu nhập.
Theo thống kê của CDC Mỹ, ngoài 90% người mắc cúm là trẻ em và người già thì có khoảng 10% là người trẻ khỏe mạnh. Mỗi năm, cúm khiến các nhân viên Mỹ phải nghỉ khoảng 17 triệu ngày làm việc, ước tính tốn khoảng 7 tỷ USD mỗi năm cho những ngày ốm và năng suất lao động bị giảm. Chưa kể chính người lớn là đối tượng đi làm, tiếp xúc xã hội cao sẽ trở thành nguồn lây bệnh cho các thành viên khác trong gia đình. “Chính vì vậy, người trẻ khỏe tiêm chủng không chỉ bảo vệ bản thân mà còn là trách nhiệm đối với gia đình, xã hội”, ThS Thúy nói.
Tiếp nối chương trình, ThS. Nguyễn Diệu Thúy đã thông tin đến khán giả các loại vắc xin cần thiết để bảo vệ đường hô hấp. Cụ thể là vắc xin cúm, phế cầu, não mô cầu, bạch hầu, ho gà, Hib, sởi…
Các vắc xin đều được chỉ định cho trẻ trong năm đầu đời. Phụ huynh cần lưu ý để tiêm chủng đúng và đủ phác đồ cho con.
Cụ thể vắc xin có thành phần bạch hầu, ho gà, Hib có trong các mũi tiêm đầu đời cho trẻ như 5 trong 1 và 6 trong 1. Vắc xin giúp phòng ngừa các biến chứng nặng của bạch hầu như gây tắc đường thở do lớp giả mạc trắng hình thành ở hầu họng; ngừa biến chứng ho gà như ho, nôn kéo dài gây mất sức và tử vong nhanh; ngừa biến chứng viêm màng não do Hib gây tử vong hoặc để lại các dị tật suốt đời khi khỏi bệnh.
Vắc xin phế cầu tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi, ngừa các biến chứng viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm trùng huyết.
Vắc xin não mô cầu nay đã có thể ngừa đủ 5 nhóm nguy cơ cao A, B, C, Y, W. Vắc xin não mô cầu nhóm B thế hệ mới tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi. Vắc xin A, C, Y, W tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Vắc xin não mô cầu có tỷ lệ bảo vệ cao các biến chứng viêm màng não gây dị tật và tử vong nhanh trong 24 giờ cho người mắc.
Vắc xin sởi tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi, ngừa nhiễm và tránh các biến chứng bội nhiễm sau khỏi bệnh như viêm phổi, suy giảm miễn dịch.
Người lớn có lịch tiêm đơn giản hơn. Vắc xin cúm tiêm một mũi cơ bản và tiêm nhắc mỗi năm. Vắc xin phế cầu (Prevenar 13) tiêm một mũi duy nhất. Vắc xin não mô cầu nhóm B tiêm 2 mũi cho người lớn đến 50 tuổi; vắc xin não mô cầu ACYW tiêm 1 mũi cho người lớn đến 55 tuổi. Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván tiêm 1 mũi cho người đã tiêm đủ lịch cơ bản, tiêm nhắc sau mỗi 5-10 năm.
ThS. Nguyễn Diệu Thúy tại buổi tư vấn trực tuyến 1/3.
Để hỗ trợ người dễ dàng tiếp cận nguồn vắc xin chất lượng, tiêm chủng an toàn, đạt hiệu quả cao, các chương trình ưu đãi, “tiêm ngừa trước trả tiền sau” toàn bộ lãi suất do VNVC chi trả đang được cập nhật và áp dụng mỗi tháng. Hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC đã có mặt tại hơn 50 tỉnh thành với hơn 165 trung tâm tiêm chủng trên cả nước, có đầy đủ hơn 40 loại vắc xin phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và người lớn bao gồm cả các vắc xin ngừa bệnh hô hấp kể trên.
Nhật Linh