Nhiều người đang ngủ ngáy hoặc ngủ nghiến răng nhưng chủ quan, có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm ở đường hô hấp, thậm chí đe dọa tính mạng.
Khuyến cáo trên được các chuyên gia, bác sĩ nêu ra trong chương trình tư vấn trực tuyến: “Khủng hoảng vì ngủ ngáy, nghiến răng – Cảnh báo “ẩn họa” đường hô hấp” do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra vào tối 29/11/2023.
Chương trình thu hút hơn 40 ngàn lượt xem trực tiếp và xem lại trên các nền tảng số. Đồng thời, có hàng trăm câu hỏi của khán giả từ khắp nơi gửi về chương trình và được các chuyên gia giải đáp kịp thời.
Chương trình Tư vấn trực tuyến: “Khủng hoảng vì ngủ ngáy, nghiến răng – Cảnh báo ‘ẩn họa’ đường hô hấp”
Theo TS.BS Đặng Thị Mai Khuê – Phó khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tình trạng ngủ ngáy và nghiến răng có thể là biểu hiện của bệnh lý đường hô hấp như ngưng thở khi ngủ, béo phì giảm thông khí, suy hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, viêm phổi…
Trong đó, đặc biệt thường gặp hơn là hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Tùy theo từng đối tượng, lứa tuổi và giới tính, tỷ lệ mắc hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ dao động 9 – 38% dân số. Riêng tại TP.HCM, tỷ lệ này khoảng 8,5%, tương đương với tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Tỷ lệ người nghiến răng khi ngủ thậm chí còn cao hơn ngủ ngáy, tuy nhiên ít người quan tâm. BS.CKII Mã Thanh Phong – Quyền trưởng Đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết tùy độ tuổi, tỷ lệ dân số nghiến răng khi ngủ khoảng 5 – 20%, ngủ ngáy khoảng 8 – 10%. Nghiến răng kéo dài không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khớp thái dương hàm mà còn tiềm ẩn các bệnh lý như rối loạn thần kinh cơ, stress, rối loạn lo âu… Đặc biệt, 1/3 số người nghiến răng mắc hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ và có kèm theo ngủ ngáy.
BS.CKII Mã Thanh Phong khám hô hấp cho người bệnh cao tuổi
Tình trạng ngủ ngáy và nghiến răng kéo dài có thể gây trầm trọng thêm các bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, bệnh gan, thận, ung thư, đột quỵ… Nếu không được chẩn đoán, điều trị hiệu quả, nguy cơ bệnh ngày càng tăng nặng và khó điều trị. Đồng thời, gây mất ngủ, thiếu ngủ kéo dài dẫn đến thiếu máu não, suy giảm trí nhớ, thậm chí đột quỵ, tử vong.
Trả lời câu hỏi của khán giả Lê Huyền Trang: “Mẹ tôi năm nay 66 tuổi, thường đau đầu, tức ngực, ngủ ngáy to, thỉnh thoảng khó thở và có bệnh nền suy tim. Vậy có nguy hiểm không và cần điều trị như thế nào?”, BS.CKII Phạm Thị Thanh Tâm – Phó khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết với các triệu chứng như ngủ ngáy to, đau đầu, tức ngực, khó thở thì khả năng người bệnh mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Do đường thở bị hẹp một phần hoặc toàn phần nên. Kèm theo bệnh nền suy tim khiến cho quá trình cung cấp máu và oxy lên não bị ảnh hưởng. Như vậy, càng làm trầm trọng thêm tình trạng đau đầu, tức ngực, khó thở, thậm chí gây nhiều triệu chứng nguy hiểm khác.
Đối với những người cao tuổi mắc nhiều bệnh nền, việc điều trị cần có phương án, kế hoạch thống nhất và toàn diện. Qua đó nhằm tránh xảy ra xung đột hoặc những tương tác bất lợi giữa nhiều loại thuốc, nhiều biện pháp điều trị khác nhau. Người bệnh nên đến bệnh viện để các bác sĩ có thể thăm khám, đánh giá toàn diện tình trạng sức khỏe và có phương án điều trị kịp thời, hiệu quả nhất.
Khán giả Trần Long đặt câu hỏi: “Tôi bị cao huyết áp, béo phì, gần đây mắc thêm hội chứng ngưng thở khi ngủ, cần điều trị như thế nào?”. BS.CKII Mã Thanh Phong cho biết bệnh nền cao huyết áp và béo phì có thể khiến cho hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ trở nên trầm trọng hơn. Theo nhiều nghiên cứu thì những người bệnh đồng thời mắc chứng tăng huyết áp và ngưng thở khi ngủ thì có hơn 80% sẽ diễn tiến tới tăng huyết áp kháng trị, rất nguy hiểm.
Người bệnh điều trị bệnh tăng huyết áp trước. Sau đó tiếp tục điều trị hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, với phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay là máy thở áp lực dương liên tục CPAP. Đồng thời, nên thăm khám thêm tại chuyên khoa dinh dưỡng để điều trị bệnh béo phì.
BS.CKII Phạm Thị Thanh Tâm khuyến cáo những người có biểu hiện ngủ ngáy, nghiến răng, đặc biệt là kèm theo các yếu tố nguy cơ cao như béo phì, hút thuốc lá, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường,… nên thăm khám tại chuyên khoa hô hấp. Kể cả những người không có triệu chứng thì việc tầm soát, kiểm tra sức khỏe tổng quát hàng năm cũng rất quan trọng. Qua đó có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời các loại bệnh lý liên quan.
Trước câu hỏi: “Hiện nay có những kỹ thuật hay phương pháp nào để đánh giá, chẩn đoán tình trạng ngủ ngáy, nghiến răng hiệu quả?”, TS.BS Đặng Thị Mai Khuê cho biết để kiểm tra, đánh giá đúng tình trạng ngủ ngáy, nghiến răng đơn thuần hay kèm theo các bệnh lý nguy hiểm khác ở đường hô hấp, hiện tại, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã triển khai 2 kỹ thuật hiện đại là đo đa ký hô hấp và đo đa ký giấc ngủ.
Cả 2 kỹ thuật này đều có các điện cực được gắn lên cơ thể người bệnh vào đúng các vị trí tương ứng. Qua đó có thể ghi lại đầy đủ các thông số cần thiết giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng ngủ ngáy, nghiến răng và các bệnh lý tiềm ẩn kèm theo.
“Hệ thống đo đa ký hô hấp tích hợp phần mềm thông minh có thể nhận biết chính xác thời điểm người bệnh đi vào giấc ngủ. Từ đó, giúp bác sĩ đánh giá các thông số khảo sát được đầy đủ, chính xác nhất”, bác sĩ Mai Khuê cho biết.
Trường Giang