Già hóa dân số tỷ lệ thuận với các nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, phòng bệnh bằng vắc xin giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao số năm sống thọ và sống khỏe.
Việt Nam dự kiến sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036. Theo Bộ Y tế, mỗi người Việt trung bình có đến 10 năm phải sống chung với bệnh tật. Trong thời đại già hóa dân số, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặt biệt là chủ động phòng bệnh cho người cao tuổi bằng vắc xin là việc cần chú trọng.
Chương trình tư vấn tối 3/1.
Thông tin trên đã được các chuyên gia đưa ra trong buổi hội tư vấn trực tuyến do Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức tối 3/1 với chủ đề: “Năm 2025 – Thời đại già hóa dân số: Tiêm vắc xin gì để bảo vệ người lớn, người có bệnh nền?”.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành truyền nhiễm, hô hấp: BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; TS.BS Lê Khắc Bảo, Phó Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhân Dân gia Định; BS.CKI Nguyễn Hoàng Anh, Bác sĩ điều trị, Đơn vị bệnh nhiễm, khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Bạn đọc quan tâm xem lại tại đây.
Mở đầu chương trình, TS.BS Lê Khắc Bảo cho biết người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm. Nguyên do là khi con người già đi, hệ thống miễn dịch suy yếu lại mắc nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, suy tim, cao huyết áp… làm hàng rào bảo vệ đường hô hấp và sức đề kháng tại chỗ của phổi kém đi. Trong khi đó, môi trường xã hội buộc người lớn tuổi phải đi lại giao tiếp nhiều, chăm sóc con cái nên dễ lây các bệnh truyền nhiễm từ người khác.
Theo BS Khắc Bảo, già hóa dân số tỷ lệ thuận với sự gia tăng bệnh hô hấp, điển hình như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phế quản, di chứng lao phổi, cúm, viêm phổi, viêm phổi do phế cầu…
Thêm vào đó, ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn cũng là yếu tố khiến bệnh hô hấp dễ trở nặng hơn ở người lớn tuổi. Chưa kể, người mắc sẵn bệnh hô hấp sống trong môi trường ô nhiễm cũng khiến hệ miễn dịch suy yếu, dễ rơi vào các đợt cấp như hen suyễn, COPD.
TS.BS Lê Khắc Bảo tại buổi tư vấn.
Ngoài ra, tuổi cao, hệ miễn dịch suy yếu cũng tạo điều kiện cho virus varicella zoster tái kích hoạt gây bệnh zona thần kinh. Đây là virus gây bệnh thủy đậu, sau khi nhiễm bệnh lần đầu, virus không bị đào thải hoàn toàn mà nằm lại trong rễ hạch thần kinh, chờ thời cơ thuận lợi để tái hoạt động.
Zona tuy không gây thành dịch nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người mắc, trong đó người trên 50 tuổi là đối tượng nguy cơ cao hàng đầu. Nếu không được điều trị kịp thời, zona thần kinh còn có thể gây ra các biến chứng như đau dây thần kinh, viêm não hoặc màng não, liệt mặt, thậm chí đột quỵ.
BS.CKI Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm, BVĐK Tâm Anh TP.HCM những tháng cuối năm, BVĐK Tâm Anh ghi nhận nhiều ca viêm phổi, chiếm khoảng 50-60% số bệnh nhân điều trị các bệnh lý hô hấp. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận các ca bệnh sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu, zona thần kinh. Các bệnh lý thường gặp như viêm phổi, sốt xuất huyết tăng không nhiều so với năm trước nhưng có xu hướng diễn tiến nặng ở nhiều ca.
BS.CKI Nguyễn Hoàng Anh tại buổi tư vấn.
Với các ca bệnh nặng ở người lớn, BS Hoàng Anh phân tích có hai yếu tố then chốt là hệ miễn dịch suy yếu và mắc đồng thời 2-3 bệnh cùng lúc. Bệnh nhân mắc bệnh nền như tiểu đường, suy gan/thận dùng thuốc điều trị lâu dài khi mắc thêm bệnh truyền nhiễm như cúm, phế cầu, sởi, ho gà… thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng như ở trẻ nhỏ. Tình trạng đồng mắc cũng khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, dễ diễn tiến nặng. Như người mắc bệnh nền tim mạch khi mắc cúm sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim lên đến 6-10 lần, tăng nguy cơ đột quỵ 3-10 lần. Thêm vào đó, người cao tuổi thường có thói quen chịu đựng bệnh, không thăm khám kịp thời, đến khi vào viện thì bệnh đã diễn tiến nặng nên dễ gặp biến chứng, khó khăn trong điều trị.
Để phòng bệnh, BS.CKI Bạch Thị Chính cho biết người lớn tuổi bên cạnh việc nghỉ ngơi, vận động hợp lý, đảm bảo chế độ dinh dưỡng thì cần chú ý tiêm vắc xin.
BS Chính nhận định, trong thời đại già hóa dân số và bài học từ sau đại dịch Covid-19 đã cho thấy tiêm chủng là trọn đời, vắc xin không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn là cách bảo vệ cho cả người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh nền.
BS.CKI Bạch Thị Chính tại buổi tư vấn.
Hiện nước ta có gần 50 loại vắc xin, phòng hơn 40 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. BS Chính đã liệt kê một số vắc xin người lớn tuổi cần rà soát sổ tiêm và bổ sung các mũi còn thiếu. Vắc xin bảo vệ phổi như vắc xin cúm, phế cầu 13, phế cầu 23, sởi, thủy đậu, bạch hầu – ho gà. Vắc xin bảo vệ đường tiêu hóa như vắc xin tả, thương hàn, viêm gan A. Các vắc xin quan trọng khác như vắc xin sốt xuất huyết, vắc xin zona thần kinh (giời leo)…
BS Chính lưu ý, mỗi loại vắc xin sẽ có phác đồ tiêm và khoảng cách giữa các mũi khác nhau. Người cao tuổi, người có bệnh nên cần đến các trung tâm tiêm chủng an toàn, uy tín như VNVC để được bác sĩ thăm khám và chỉ định tiêm ngừa. Khi đi tiêm, người dân cần cung cấp đầy đủ tình trạng sức khỏe của thân cũng như các thông tin về thuốc đang sử dụng và bệnh đang điều trị để bác sĩ khám sàng lọc và đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp với từng cá nhân.
“Người lớn tuổi hệ miễn dịch suy giảm, lại mắc nhiều bệnh nền, tiêm vắc xin là cách giúp phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm một cách an toàn, hiệu quả cao. Gia đình khỏe mạnh sẽ góp phần bảo vệ cộng đồng, giúp cuộc sống người cao tuổi chất lượng hơn”, BS Chính nhấn mạnh.
Nhật Linh