Không nằm trong danh mục cây trồng chủ lực của xã, cũng không phải là cây trồng được ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích nhân rộng, nhưng hiệu quả thực tế trong vòng 10 năm nay đã khiến cho tiếng tăm của nó vẫn còn tiếp tục lan tỏa. Và sự phát triển của cây trồng này cũng gắn liền với tên tuổi của người mang nó về đầu tiên tại địa phương – ông Hồ Văn Lập còn gọi là Ba Lập ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

 

Hơn 1 năm nay, thương hiệu Mít giống Ba Lập đã xuất hiện, và nhiều người bắt đầu biết đến tên tuổi của ông thông qua các cuộc Hội chợ, trao giải thưởng về thương hiệu Việt,…Người ta biết đến ông như một “chuyên gia’ trồng mít ở miền Tây.

Ông Ba Lập, quê ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, là vùng đất nằm trọn phía Nam quốc lộ 1, kinh tế vườn là chủ đạo, để phát triển nông nghiệp tại địa phương. Những năm trước, ông cũng từng nổi tiếng là một người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương, với những mô hình như trồng táo, trồng nhãn,… Tuy nhiên, với khoảng 1 ha đất vườn, thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm vẫn chưa khiến ông Lập hài lòng. Lúc nào trong suy nghĩ của ông cũng luôn đau đáu một niềm trăn trở, phải tìm ra loại cây trồng nào đó có khả năng giúp gia đình đổi đời.

Vậy là một lần tình cờ, vào năm 2003, trong một chuyến đến nhà người quen ở tỉnh Đồng Nai, được giới thiệu một giống mít mới, mặc dù chưa tin tưởng lắm nhưng ông cũng đánh liều làm thử. 

 

Trồng một giống mít lạ, nên ông cũng thấp thỏm theo dõi từng ngày. Mười cây tuy không chiếm nhiều đất đai trong vườn, nhưng nó cũng là cả niềm hy vọng của gia đình ông. Thật bất ngờ, chỉ trong 1 năm đầu, cả 10 cây đều cho trái, thấy cây cho trái sớm, sợ si cây nên ông chỉ để một trái duy nhất, xem chất lượng thế nào. Xem ra giống mít mới khá phù hợp với vùng đất Cẩm Sơn, nên chất lượng rất ngon.

Điều khá may mắn là những năm sau đó, mít trái được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường, nhất là tại TP HCM. Nên giá cả luôn có lợi cho nhà vườn. Với giống mít Thái siêu sớm này năng suất rất cao, mỗi công có thể trồng từ 50 đến 60 gốc, mỗi gốc hàng năm có thể cho từ 150 đến 200 kg, tính ra trung bình trên 5 tấn/công. Nếu giá ở mức 10.000 đồng/kg, người trồng mít vẫn có lãi trên 30 triệu đồng/công. Một thuận lợi khác của giống mít này là nhanh cho trái, và cho trái quanh năm, vốn đầu tư rất ít, nên rất phù hợp đối với những hộ muốn thoát nghèo.

Riêng gia đình ông Lập, thấy mít ngon, ông tự nhân ra toàn vườn. Những năm sau đó vừa bán trái, vừa bán giống, nên gia đình ông có được nguồn thu nhập rất khá. Nhiều hộ lân cận muốn đầu tư cũng được ông giúp đỡ tận tình.

Không những tại địa phương, nhiều nông dân ở các xã lân cận hoặc các tỉnh bạn đến tìm đúng giống Mít Ba lập để mua. Vậy là đầu năm 2011 ông quyết định gửi đơn xin đăng ký quyền tác giả cho giống mít mới này. Đến tháng 9 năm 2011, ông đã được Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch trao Giấy chứng nhận quyền tác giả cho cơ sở Mít giống Ba Lập. Vậy là người muốn mua mít giống Ba Lập sẽ được đảm bảo mua đúng giống, đúng nguồn gốc. Mặt khác, từ khi đăng ký bản quyền tác giả, thương hiệu Mít Ba Lập dường như đã nổi tiếng khắp nơi, nhiều thương lái tìm đến lập điểm thu mua tại đây, bà con buôn bán cũng thuận lợi hơn,

 

Riêng tại địa bàn xã Cẩm Sơn, hiện nay đã có trên 70 ha mít Thái siêu sớm đang được nhà vườn canh tác, mỗi ngày có hàng chục tấn mít trái được mang đến các điểm tiêu thụ như thế này, có khi chỉ một vài trái là bà con đã thu được cả triệu đồng, nên cho đến thời điểm hiện tại, mô hình vẫn đang còn sức hấp dẫn mạnh mẽ, đối với rất nhiều nông dân.

Tuy nhiên, do mít này dễ trồng, năng suất cao, có khả năng tăng nhanh một cách đột biến về diện tích và sản lượng, nên ngành chức năng địa phương không có chủ trương khuyến khích nhân rộng mô hình.

Có lẽ mọi người dân cũng đã hình dung được, sự khuyến cáo của ngành chức năng là có cơ sở. Vì vậy, những năm qua, bà con cũng cho phát triển song song với hình thức lấy ngắn nuôi dài, trong đó cây mít được xem là cây ngắn hạn để nuôi cây dài hạn như nhãn, sầu riêng,… Đến nay, mặc dù không được xem là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế vườn tại địa phương, không được khuyến khích để nhân rộng, nhưng cây mít tại Cẩm Sơn hay nói cách khác Mít Ba Lập đã trở thành cây trồng gần gũi và thật sự hữu ích của địa phương.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *