Hiện nay, với sự phát triển của y học, phác đồ điều trị ung thư được cập nhật liên tục. Bên cạnh phẫu thuật, người bệnh được điều trị với các thuốc hóa trị toàn thân, xạ trị giúp tiêu diệt và ngăn ngừa ung thư tái phát. Liệu pháp miễn dịch là bước tiến mới trong điều trị ung thư, mang lại hiệu quả cao, giảm tác dụng phụ, từ đó giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Chương trình Tư vấn trực tuyến “Liệu pháp miễn dịch trị ung thư: bước tiến mới, hiệu quả cao, giảm tác dụng phụ” vào tối 12/9. Ảnh: BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
20 giờ tối 12/9, Hệ thống BVĐK Tâm Anh phối hợp Đài truyền hình Việt Nam VTV8 tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Liệu pháp miễn dịch trị ung thư: bước tiến mới, hiệu quả cao, giảm tác dụng phụ” với sự tham gia của 2 chuyên gia, bác sĩ:
- BS Ngô Tuấn Phúc, khoa Ung Bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
- BS Nguyễn Tiến Sỹ, khoa Ung Bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Chương trình đã thu hút hàng chục nghìn khán giả theo dõi. Hàng loạt câu hỏi xoay quanh các vấn đề liệu pháp miễn dịch là gì, cơ chế hoạt động ra sao, vì sao nói đây là bước tiến mới trong điều trị ung thư, điều trị ung thư ở BVĐK Tâm Anh TP.HCM có gì khác biệt?… đã được các vị chuyên gia tư vấn tận tình, dễ hiểu.
Dùng chính hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư
Năm 2000, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) khảo sát Việt Nam ghi nhận hơn 68.000 ca mắc mới ung thư. Số ca tăng dần qua từng năm, đến năm 2022 vượt 182.000 ca, tức tăng gấp 2,6 lần trong 22 năm.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, hệ miễn dịch trong cơ thể có thể phát hiện được tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch có những giới hạn nhất định: phát hiện được tế bào ung thư nhưng phản ứng không đủ mạnh; không nhận diện được tế bào ung thư do bị khóa chức năng nhận diện tế bào lạ… Đồng thời, nhiều loại tế bào ác tính có khả năng tổng hợp các yếu tố ức chế hệ miễn dịch, khiến cơ thể không thể phát hiện và tiêu diệt chúng. Khi hệ miễn dịch suy yếu, tế bào ung thư càng dễ trốn thoát và phát triển mạnh.
Do đó, các nhà nghiên cứu liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư tìm cách giúp hệ thống miễn dịch tự nhiên sớm nhận ra các tế bào ung thư và tăng khả năng phản ứng để tấn công tiêu diệt chúng.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Tiến Sỹ cho biết liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ miễn dịch người bệnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Ảnh: BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Liệu pháp miễn dịch là đột phá trong điều trị ung thư, bởi tăng tỷ lệ sống sót và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Hiện, liệu pháp miễn dịch được sử dụng trong điều trị các bệnh ung thư: phổi, vú, thực quản, dạ dày, đại tràng, thận, bàng quang, buồng trứng, cổ tử cung, gan, da…
Phương pháp hóa trị là sử dụng các chất độc tế bào để tiêu diệt tế bào ung thư. Đích nhắm tới là tế bào đang phân chia, tăng sinh nhanh hơn mức bình thường – đây chính là các tế bào ung thư. Hóa trị có thể nhắm tới 1 hoặc nhiều pha trong quá trình phân chia của tế bào ung thư khiến tế bào ung thư bị rối loạn quá trình phân chia và bị chết đi. Tuy nhiên, trong cơ thể cũng có nhiều mô, nhiều cơ quan có tốc độ sinh sản nhanh hơn bình thường nên các cơ quan này đều chịu hết các tác dụng phụ của hóa trị.
Trong khi đó, liệu pháp miễn dịch gián tiếp sử dụng hệ miễn dịch của cơ thể nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư, tính đặc hiệu cao, chỉ nhắm tới tế bào ung thư nên hạn chế tổn thương các tế bào, mô lành trong cơ thể.
Về thời gian điều trị, liệu pháp hóa trị tác dụng phụ nhiều, độc tính cộng dồn thấy rõ ở các chu kỳ sau nên thường hóa trị với số đợt nhất định từ 4-8 đợt tùy từng trường hợp. Trong khi đó, liệu pháp miễn dịch có thể điều trị lâu dài, thường phác đồ kéo dài hàng năm, 1-3 năm tùy vào loại ung thư và chỉ định cá thể hóa.
Hiện, liệu pháp miễn dịch được sử dụng bằng cách truyền vào đường tĩnh mạch hoặc buồng tiêm.
Hiệu quả cao, ít tác dụng phụ
Tuy nhiên, bác sĩ Tiến Sỹ nhấn mạnh liệu pháp miễn dịch không phải “chiếc áo free size” áp dụng cho tất cả “kích cỡ người mặc”, mà phải “đo ni đóng giày” theo từng đặc điểm bệnh nhân thì mới có hiệu quả. Do đó, bác sĩ cần xem xét đến loại ung thư, bản chất sinh học mới quyết định dùng liệu pháp miễn dịch không.
Mỗi người bệnh có mức đáp ứng khác nhau với liệu pháp miễn dịch. Mức độ đáp ứng thuốc phụ thuộc vào:
Loại ung thư: một số bệnh ung thư dùng liệu pháp miễn dịch có đáp ứng tốt hơn như ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư hắc tố da…
Tổng trạng chung của người bệnh: liệu pháp miễn dịch là sử dụng hệ miễn dịch của người bệnh để diệt tế bào ung thư, nên mỗi bệnh nhân có tổng trạng khác nhau sẽ có mức độ đáp ứng liệu pháp miễn dịch khác nhau.
Đặc điểm sinh học của tế bào ung thư: nhiều chỉ dấu có thể tiên đoán người bệnh đáp ứng tốt với liệu pháp miễn dịch, chẳng hạn PD – L1 (loại protein do tế bào ung thư sử dụng để lẩn trốn khỏi hệ miễn dịch). Những loại ung thư có mức độ PD – L1 càng cao thì càng đáp ứng tốt hơn với liệu pháp miễn dịch.
Đặc điểm di truyền: bác sĩ xem xét đến yếu tố này để quyết định có dùng liệu pháp miễn dịch không. Chẳng hạn ở người bệnh ung thư phổi có đột biến gen EGFR và ALK thường đáp ứng kém với liệu pháp miễn dịch, nên sử dụng thuốc nhắm trúng đích.
Thạc sĩ bác sĩ Ngô Tuấn Phúc, cho biết liệu pháp miễn dịch có hiệu quả cao, ít tác dụng phụ. Ảnh: BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Thạc sĩ bác sĩ Ngô Tuấn Phúc cho biết so với hóa trị, tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch ít và nhẹ nhàng hơn. Nếu hóa trị, người bệnh gặp tác dụng phụ mệt mỏi, chán ăn, rụng tóc, buồn nôn, gây thiếu máu, giảm bạch cầu…, liệu pháp miễn dịch gần như không có tác dụng phụ hoặc ít khi gặp buồn ngủ, ớn lạnh, táo bón, rối loạn chức năng các cơ quan do phản ứng miễn dịch quá mức. Thai nhi có khả năng bị dị tật bẩm sinh nếu thai phụ dùng thuốc trong thời gian mang thai. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ các triệu chứng bất thường để được kiểm soát, xử trí phù hợp.
Bên cạnh dùng thuốc điều trị ung thư được chỉ định, người bệnh nên duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh để giảm nguy cơ bệnh ung thư tái phát và tiến triển. Như thực hiện chế độ ăn nhiều dinh dưỡng, chất chống oxy hóa, giàu vitamin C, selen,… giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Người bệnh nên tập thể dục hàng ngày, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường và tăng cường hệ miễn dịch. Ngủ đủ giấc giúp người bệnh hồi phục, tích lũy năng lượng, tái tạo hệ miễn dịch. Gia đình nên đồng hành cùng người bệnh để giữ tâm lý lành mạnh, lạc quan, không để cơ thể lâm vào trạng thái căng thẳng quá mức khiến hệ miễn dịch suy yếu.
Nhiều khán giả cũng đặt câu hỏi liệu thực phẩm chức năng có thay thế cho liệu pháp miễn dịch hay trị được ung thư không? Bác sĩ Tiến Sỹ cho biết liệu pháp miễn dịch là thuốc; thực phẩm chức năng không phải là thuốc và cũng không thể thay thế thuốc. Khi dùng bất kỳ sản phẩm nào, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Bác sĩ Tuấn Phúc cho biết, khoa Ung Bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM luôn đặt sự tiện lợi, an toàn của bệnh nhân lên trên hết, đặc biệt là khi hóa trị. Khi tiếp nhận người bệnh, bác sĩ tư vấn, lập kế hoạch điều trị tốt nhất, phù hợp với từng người bệnh. Người bệnh cũng được tư vấn đặt buồng tiêm truyền hóa chất đảm bảo tránh cách biến chứng thoát mạch thuốc hóa trị, tổn thương mạch máu ngoại vi, viêm xơ hóa mạch máu… do thuốc hóa trị gây ra.
Khoa Ung Bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM có khu Hóa trị trong ngày, người bệnh không cần nhập viện, được trang bị nhiều ghế truyền hóa chất theo tiêu chuẩn Nhật Bản với thiết kế 3 động cơ thông minh giúp dễ dàng điều chỉnh độ cao, tư thế, nâng gập linh hoạt, có bàn ăn gắn kèm; khu vực điều trị có màn hình LED đảm bảo nhu cầu giải trí, thư giãn, riêng tư. Khoa được trang bị 16 giường bệnh nội trú đảm bảo cho việc chăm sóc giảm nhẹ, theo dõi sau hóa trị nếu cần nhập viện… được trang bị hiện đại với đầy đủ tiện nghi.
Tất cả các loại thuốc truyền cho người bệnh được pha trong phòng pha chế hóa chất áp suất âm với máy pha chế cách ly vô trùng chuyên dụng theo tiêu chuẩn quốc tế bảo vệ tối ưu an toàn cho dược sĩ lâm sàng khi pha thuốc, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn của thuốc, cung cấp liều thuốc đạt độ chính xác cao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả điều trị.
Trong suốt quá trình khám, điều trị, bác sĩ luôn kết nối với người bệnh để cập nhật tình trạng sức khỏe, mức độ đáp ứng; chăm sóc tinh thần, tư vấn tâm lý, động viên giúp người bệnh và gia đình cùng an tâm, vượt qua
Khoa Ung bướu BVĐK Tâm Anh TP.HCM đang điều trị liệu pháp miễn dịch cho nhiều bệnh nhân ung thư khác nhau. Nhiều khán giả từng dự định đưa người thân sang Singapore điều trị cũng đặt vấn đề về chi phí qua nước ngoài tốn kém (đi lại, ăn ở, thuê phiên dịch), gặp rào cản ngôn ngữ. Trong khi đó tại khoa Ung Bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cũng điều trị ung thư với liệu pháp miễn dịch, bác sĩ chuyên môn cao và máy móc, cơ sở vật chất hiện đại… nên quyết định đưa người thân điều trị tại đây.
Bác sĩ Tiến Sỹ chia sẻ, vài chục năm trước ung thư như bản án tử. Hiện, tiến bộ của khoa học kỹ thuật mang đến nhiều liệu pháp điều trị mới hiệu quả cho người bệnh ung thư. Người bệnh nên khám tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện bệnh (nếu có) ở giai đoạn sớm. Với những giai đoạn trễ, có thể phối hợp các liệu pháp nhằm mục đích tăng tối đa hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian sống, tăng chất lượng cuộc sống để bệnh nhân sống lâu dài mà không phải chịu đựng những tác dụng phụ, những biến chứng do bệnh gây ra.
Trong thời lượng 2 tiếng diễn ra chương trình, ngoài tư vấn những thông tin về hiệu quả, cơ chế hoạt động của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, các chuyên gia của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn cho biết khoa Ung Bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, máy pha thuốc hóa chất, ghế truyền hóa chất theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY hoặc liên hệ đến Hotline của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để trực tiếp đặt câu hỏi với các chuyên gia.
Nguyễn Trăm