Hiện nay ở ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long, khoai mỡ được bà con nông dân trồng ngày càng nhiều theo xu thế đưa cây màu xuống ruộng, phá thế độc canh cây lúa. Để đạt được năng suất và hiệu quả cao, đòi hỏi người trồng khoai mỡ cũng phải có kỹ thuật canh tác, chăm sóc và phòng ngừa dịch hại tốt.

 

 

Gọi là cây là do cách nói quen thuộc lâu nay, chứ thực ra khoai mỡ là loại dây leo, thân mềm và có sức sống mạnh mẽ. Nếu như trước đây khoai mỡ chỉ được trồng rải rác ở một vài nơi, thì naychúng đã đượctrồng phổ biến ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL.Ở Vĩnh Long cây khoai mỡ được bà con trồng tập trung nhiều trên đất ruộng, thay cho các vụ lúa hè thu và thu đông ở một số địa phương, như  xã Mỹ An và Long Mỹ-  huyện Mang Thít , xã Ngãi Tứ- huyện Tam Bình ….

 Về cơ bản, cây khoai mỡ rất dễ trồng, không kén đất và có thể trồng quanh năm. Nhưng mùa vụ chính là sau khi thu hoạch lúa đông xuân xong; vào tháng 2- tháng 3 âm lịch bà con có thể dọn đất, lên liếp để xuống giống khoai và khoang 6 tháng sau là thu hoạch. Do năng suất, giá cả và đầu ra tương đối ổn định, nên cây khoai mỡ đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều nông hộ.

Khâu quan trọng đầu tiên là làm đất. Đất trồng khoai mỡ phải làm thật kỹ để tiêu diệt một số mầm bệnh có trong đất và tạo cho đất tơi xốp. Đồng thời phải lên liếp cao để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu và thoát nước tốt  khi có mưa nhiều. Ngoài ra, trong kỹ thuật canh tác cây khoai mỡ  còn yêu cầu bà con không nên trồng quá dày. Vì điều đó sẽ tạo điều kiện cho sau bệnh phát triển gây hại, và khoai sẽ cho củ nhỏ, năng suất thấp.

Cũng giống như ở nhiều loại cây trồng khác, việc bón phân cho khoai mỡ  bà con nông dân cũng thường có thói quen bón thừa đạm, gây mất cân đối giữa đạm- lân – kali (NPK), chẳng những làm hạn chế hiệu quả kinh tế, mà còn làm phát sinh nhiều sâu bệnh hại.  Do đó, tùy theo từng loại đất và nhu cầu thực tế của cây khoai mà điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp. Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, bà con nên bón phân cho khoai mỡ theo tỷ lệ: 100 đạm( N) – 90 lân (P2O5)- 90 kali ( K2O ), và chia làm nhiều lần bón ứng với từng giai đoạn sinh trưởng của cây khoai. Ngoài ra có thể sử dụng thêm phân trung vi lượng, phân bón qua lá để tăng cường dinh dưỡng cho khoai. Lưu ý nên bón thêm phân kali ở giai đoạn cây cho củ để  nâng chất lượng của củ khoai.

Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng, việc tưới nước cho khoai mỡ cũng không kém phần quan trọng. Đây là loại cây lấy củ , nên chỉ cần tưới một lượng nước đủ ẩm là cây sinh trưởng tốt, không nên tưới nước quá nhiều, sẽ làm gốc bị úng và gây thối củ. Tuy vậy cũng không được để đất quá khô, sẽ làm cho cây khoai  mỡ kém phát triển, và cho củ nhỏ.

Nếu chăm sóc không tốt cây khoai sẽ dễ bị sâu bệnh tấn công gây hại, làm ảnh hưởng đến năng suất. Do đó bà con cần kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trị kịp thời. Trong suốt thời gian sinh trưởng của cây khoai mỡ có khá nhiều đối tượng sâu hại tấn công. Trong đó đáng chú ý nhất  là sâu xanh da láng, sâu ăn tạp, rệp sáp …. Nên phun thuốc phòng trừ sớm,  không nên để cho chúng xuất hiện nhiều và gây hại nặng, lúc đó việc phòng trị sẽ rất khó khăn. Khi sử dụng thuốc BVTV, nên sử dụng các loại thuốc có chất kết dính để phòng ngừa sâu hại  đạt hiệu quả cao hơn.  

 

Ngoài các loại sâu hại, bà con cũng cần lưu ý phòng ngừa một số bệnh hại nguy hiểm trên cây khoai mỡ. Đó là những loại bệnh do nấm làm thối dây, thối gốc, thối củ, bệnh than thư; và nguy hiểm hơn là bệnh mục đầu củ. Đây là loại bệnh xuất hiện gây hại nhiều nhất đối với khoai mỡ, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Bệnh mục đầu củ là do tuyến trùng gây ra. Khi bệnh xuất hiện thì không thấy có triệu chứng nào trên thân lá, mà vết bệnh chỉ xuất hiện ở đầu củ khoai rồi lan dần đến cuối củ, sau đó tấn công vỏ củ vào bên trong, làm thối củ, giảm giá trị thương phẩm.

Việc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây khoai mỡ bằng thuốc BVTV, bà con cần sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng kỷ thuật và nên phun vào lúc chiều mát … thì việc phòng ngừa sâu bệnh hại mới mang lại hiệu quả cao. Điều cần nhớ nữa là khi phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc hóa học nên thay đổi nhiều loại thuốc khác nhau, nhằm hạn chế sự kháng thuốc của sâu bệnh, và phải đảm bảo thời gian cách ly từ 7-10 ngày trước khi thu hoạch, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng               

Nói chung, để sản xuất khoai mỡ đạt hiệu quả cao, bà con cũng nên thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, thay vào đó bằng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiến bộ, thực hiện sản xuất nông nghiệp bền vững, và có sự đầu tư đúng mức nhằm hạn chế sự phát triển của dịch hại, đảm bảo cho khoai phát triển tốt, có năng suất cao, và lợi nhuận nhiều hơn cho người trồng.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *