Kiểm soát đường huyết đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường, phòng ngừa biến chứng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh. Tuy nhiên vì một số lý do như: ăn uống sai chế độ, sử dụng thuốc sai liều, bỏ điều trị, thuốc kê đơn chưa phù hợp, căng thẳng, thừa cân… khiến việc kiểm soát đường huyết khó khăn, làm bệnh nặng thêm. Hiểu rõ về bệnh tiểu đường, các phương pháp điều trị và kiểm soát đường huyết giúp cuộc sống của người bệnh trở nên dễ dàng hơn, giảm bớt lo âu, căng thẳng do bệnh tật.

Chương trình tư vấn trực tuyến “Những sai lầm khi kiểm soát đường huyết tại nhà ở người đái tháo đường”

20 giờ tối 22/09, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Những sai lầm khi kiểm soát đường huyết tại nhà ở người đái tháo đường” với sự tham gia của 3 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Nội tiết – Đái tháo đường.

  • Thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ bác sĩ Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Với 36 năm kinh nghiệm khám chữa bệnh, ông từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Hội viên Hội Nội tiết Đái Tháo Đường Hà Nội; Hội viên Hội Nội Tiết Đái Tháo Đường Việt Nam; Cựu hội viên Hội Tuyến giáp Mỹ.
  • Tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Cố vấn chuyên môn khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ Hoàng còn là Tổng Thư ký Hội Đái tháo đường và Nội tiết Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Bác sĩ CKII Đinh Thị Thảo Mai, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó khoa Nội tiết, Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Mai còn là giảng viên tham gia đào tạo bác sĩ CKI Nội tiết của Bệnh viện Chợ Rẫy và giảng viên thỉnh giảng Học viện Quân Y.

Chương trình được hàng chục nghìn khán giả theo dõi và gửi rất nhiều câu hỏi, thắc mắc về kiểm soát đường huyết, chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường, phương pháp điều trị tiểu đường… Ngay trong chương trình, các bác sĩ đã tư vấn rất tận tình cũng như giải đáp đầy đủ về bệnh tiểu đường, cách kiểm soát đường huyết, chế độ dinh dưỡng và vận động cho người tiểu đường, những lưu ý trong điều trị và cách tiêm insulin.

Chế độ dinh dưỡng và vận động cho người tiểu đường

Tiến sĩ bác sĩ Hoàng Kim Ước đang hướng dẫn người bệnh tiểu đường chế độ dinh dưỡng và vận động.

Thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ bác sĩ Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết để quản lý tốt bệnh tiểu đường người bệnh cần lưu ý về dinh dưỡng, vận động và thuốc. Ba vấn đề trên phải phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ với nhau, cần đưa ra phương án điều trị phù hợp trên từng cá nhân hóa.

Bác sĩ Ước chỉ ra nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường trong một khẩu phần ăn: nhóm bột đường (glucose) cung cấp tổng năng lượng cho cơ thể từ 50% – 60%, nguồn chất béo cung cấp tổng năng lượng cho cơ thể từ 20% – 25%, chất đạm cung cấp tổng lượng khoảng 15% – 20%. Lượng dinh dưỡng có thể xê dịch tùy vào thể trạng mỗi người. Ví dụ, người to béo thì lượng tinh bột phải giảm đi, người gầy có thể tăng tinh bột nhiều hơn một chút.

Về quy tắc lựa chọn thực phẩm, bác sĩ Ước cũng chỉ ra các thực phẩm nhóm đường bột nên chọn loại có chỉ số hấp thu đường huyết (GI) thấp như: gạo nguyên cám, gạo lứt, bánh mì đen, trái cây ngọt ít… Nhờ đó, người bệnh có đủ thời gian để insulin chuyển hóa đường thành năng lượng, đưa đường huyết về ngưỡng bình thường. Người bệnh tránh dùng thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như: thực phẩm nấu hầm kỹ, dạng bột rong, bánh kẹo, đường, mật ong, trái cây ngọt, xoài, mít… Những loại thực phẩm này dễ làm tăng đường huyết vì hấp thu đường huyết vào máu nhanh hơn.

Chất béo có nguồn gốc từ động vật hay dầu dừa, dầu cọ, dầu ăn đã qua sử dụng không tốt về chuyển hóa và gây bệnh tim mạch. Người bệnh nên bổ sung lượng chất béo từ thực vật như dầu đậu nành, dầu mè, đậu phộng…

Với nhóm đạm, nên hạn chế ăn đạm từ động vật, sử dụng đạm từ cá và hải sản hoặc ăn đạm thực vật từ đậu hũ, đậu phộng, mè… sẽ tốt cho sức khỏe hơn.

Ngoài dinh dưỡng, vận động cũng có vai trò quan trọng trong kiểm soát đường, giúp chúng ta tiêu thụ đường mỡ và đạm tốt hơn. Vận động cũng giúp insulin hoạt động tốt hơn góp phần kiểm soát đường huyết. Người bệnh nên vận động ít nhất 150 phút mỗi tuần, tương đương với khoảng 30 phút mỗi ngày. Có thể đi bộ nhẹ nhàng sau ăn từ 15 – 20 phút. Người bệnh chưa có biến chứng có thể vận động như người bình thường nhưng không nên gắng sức, hạn chế các bài tập phải nín thở nhiều, nên tập ở cường độ trung bình hoặc nhẹ. Người tiểu đường có bệnh nền tim mạch không tập cường độ cao gây thiếu oxy máu, dễ gây biến chứng.

Tránh mắc sai lầm trong sử dụng thuốc

Tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng khuyên người bệnh tiểu đường không tự ý thay đổi liều lượng thuốc hay tự ý mua thuốc điều trị.

Tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng, cố vấn chuyên môn khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho hay điều trị bệnh không chỉ sử dụng thuốc mà còn đi kèm chế độ dinh dưỡng và vận động.

Trong điều trị bằng thuốc ở người bị tiểu đường type 1 sẽ sử dụng insulin, ở type 2 sẽ sử dụng thuốc uống hoặc insulin. Theo tiến bộ hiện nay, y khoa thế giới đã có những thuốc giúp phòng ngừa biến chứng ngay từ đầu.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Điều trị bệnh tiểu đường về lâu dài cần phải phòng ngừa biến chứng, người bệnh phải được kiểm soát tình trạng mỡ máu, huyết áp…

Mỗi người bệnh sẽ có tình trạng khác nhau, lối sống khác nhau, nên bác sĩ cần đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng cá nhân. Việc này giúp kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu mong muốn.

Tuân thủ điều trị để tránh biến chứng

Bác sĩ CKII Đinh Thị Thảo Mai khuyến cáo người bệnh không tự ý bỏ điều trị gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Bác sĩ CKII Đinh Thị Thảo Mai, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời. Do đó, điều trị bệnh bằng phương pháp dinh dưỡng, vận động, dùng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không tự ý thay đổi liều thuốc, bỏ thuốc, đổi phương pháp điều trị.

Bệnh tiểu đường là bệnh đa yếu tố, do đó bác sĩ khi kê thuốc cho người bệnh cần cân nhắc chọn loại thuốc phù hợp. Cần nhìn vào lợi ích lâu dài để kiểm soát đường huyết tốt nhất, tránh biến chứng về sau.

Ví dụ, bệnh nhân bị tiểu đường mức độ nhẹ sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn, vận động và dùng thuốc đơn giản để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, ở người có tình trạng nặng hơn phải tăng liều thuốc và phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau để ngừa biến chứng. Người bệnh kháng insulin phải sử dụng thuốc kháng insulin. Với người bệnh bị thiếu insulin cần sử dụng thuốc kích thích tăng bài tiết insulin. Người bị thiếu insulin nghiêm trọng cần phải bổ sung insulin. Hoặc người bệnh thường tăng đường huyết lúc đói hay thường tăng đường huyết sau ăn đều có thuốc điều trị phù hợp. Việc lựa chọn thuốc cần phải phụ thuộc vào từng trường hợp người bệnh. Do đó, bác sĩ cần đánh giá đúng tình trạng bệnh để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu và đạt hiệu quả tốt nhất.

Trong thời lượng gần 2 tiếng chương trình phát sóng trực tiếp, ngoài cung cấp những thông tin về đường huyết, kiểm soát đường huyết, điều trị bệnh tiểu đường, cách phòng ngừa biến chứng, các chuyên gia còn hướng dẫn người bệnh cần tuân thủ điều trị bệnh, cách lựa chọn thực phẩm và vận động phù hợp. Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *