Kế thừa truyền thống dân tộc, thời gian qua, hàng triệu gia đình Việt Nam đã trở thành những nhân tố tích cực của xã hội. Ở tỉnh Vĩnh Long, phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ đã và đang được triển khai sâu rộng tại tất cả các địa phương, tạo được ý thức trong cộng đồng, hướng cho mọi người trong gia đình có ý thức xây dựng và san sẻ tình yêu thương. Hưởng ứng Năm gia đình Việt Nam và với chủ đề “Kết nối yêu thương”, tỉnh đã có nhiều hoạt động để kết nối mối quan hệ trong gia đình , tiến tới xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là yếu tố quan trọng về an sinh xã hội, và cũng sẽ góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác gia đình đã được chú trọng đúng mức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình. Kiến thức gia đình được đưa vào trường học để giáo dục nhận thức và trách nhiệm của giới trẻ đối với việc xây dựng gia đình hạnh phúc – nền tảng của một xã hội tiến bộ. Đặc biệt, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa đã tác động đến từng thành viên trong mỗi gia đình, giúp họ có ý thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình và có kiến thức để xây dựng gia đình thật sự trở thành “mái ấm” của mỗi thành viên.
Từ phong trào xây dựng gia đình văn hoá, đã định hướng và tổ chức để mỗi thành viên trong các hộ gia đình ý thức xây dựng gia đình có nếp sống lành mạnh, tiến bộ, hòa thuận, chung thủy, hạnh phúc, rèn luyện bản thân thành ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, chăm lo việc học hành của con cái và đoàn kết với bà con
Nhiều gia đình được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, đã vượt qua khó khăn, vượt lên số phận để xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Gia đình chị Phạm Thị Tơ và anh Cao Minh Tâm ở xã Bình Ninh, huyện Tam Bình có cuộc sống hạnh phúc và ngày càng bền chặt trong tình yêu thương của những thành viên trong gia đình. Bị tật nguyền ở chân, nhưng không mặc cảm với khiếm khuyết của mình, từ nhỏ chị đã cố gắng học tập. Khi học xong lớp y tá, chị tìm được nơi làm việc. Gặp anh Tâm, tình yêu thương chân thành của anh đã khơi dậy niềm khát khao hạnh phúc trong chị và giúp chị tin vào tương lai của mình.
Nhớ lại những ngày mới lập gia đình của anh chị thật gian nan. Làm chung cơ quan, anh Tâm và chị Tơ nảy sinh tình cảm, nhưng vì chị Tơ tật nguyền, gia đình anh Tâm không chấp nhận. Cả hai mong muốn được tiến tới hôn nhân và tổ chức đã cho phép. Hai vợ chồng nương tựa vào nhau để vượt qua nhiều thử thách.
Và khó khăn lại thêm chồng chất, khi đứa con đầu lòng của anh chị mới 9 tháng tuổi lại bị bệnh động kinh, chi phí điều trị không nhỏ, đúng lúc cơ quan chị phải giảm biên chế . Gia đình rơi vào cảnh túng quẩn, anh phải nghỉ việc nhà nước đi làm thêm nhiều nghề để nuôi con. Chị tuy không lành lặn, đi lại khó khăn nhưng cũng cố đi tìm những việc phù hợp để làm cùng chồng chăm lo cho cuộc sống. Dù cuộc sống có nghèo về vật chất nhưng trong mái gia đình nầy, tình thương yêu vẫn đong đầy và đó cũng chính là động lực để anh Tâm và chị Tơ xây dựng gia đình no ấm.
Nhọc nhằn, vất vả, thiếu thốn dễ ảnh hưởng tâm lý con người và làm phát sinh mâu thuẫn, nhưng trong gia đình này , tình thương và trách nhiệm đã kết chặt họ với nhau và cùng nhau vượt qua những thăng trầm. Từ hai bàn tay trắng, anh Tâm và chị Tơ đã có cuộc sống khá giả, có điều kiện chăm lo tốt cho con cái học hành.
Dựa trên nền tảng của sự yêu thương mà chị Phạm Thị Tơ và anh Cao Minh Tâm đã xây dựng một gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Cũng chính tình yêu thương và sự hiếu hạnh của các con mà gia đình bà Trần Thị Hoa ở xã Bình Hoà Phước, huyện Long Hồ đã sống hoà thuận và phát huy được giá trị truyền thống của gia đình.
Bản lĩnh của người phụ nữ trong nuôi dạy con , cũng như trong cư xử, xây dựng tốt các mối quan hệ gia đình , đã xây đắp tình yêu thương và nể trọng trong lòng các con. Và cũng từ bà Hoa, đã có thêm những gia đình nhỏ hạnh phúc, được xây đắp từ những con người biết giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Những người nhiều trải nghiệm trong cuộc sống sẽ nghiệm ra rằng : mỗi con người chỉ thật sự hạnh phúc khi tìm được sự yên ấm trong mái gia đình của mình. Ơ góc độ xã hội, gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Vì vậy, xây dựng gia đình tiến bộ là nhiệm vụ của toàn xã hội, không còn là vấn đề riêng trong các gia đình, mà còn có sự can thiệp của nhiều cơ quan, tổ chức, nhất là các tổ chức đoàn thể ở từng địa phương, đơn vị. Và hàng năm, gia đình Việt Nam có riêng một ngày để tôn vinh.
Với chủ đề “Kết nối yêu thương”, năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ chọn là năm gia đình Việt Nam, với mong muốn thực hiện tốt hơn công tác xây dựng gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Cùng với cả nước , tỉnh Vĩnh Long cũng đã có kế hoạch với nhiều hoạt hoạt động hưởng ứng nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng gia đình.
Nhân dịp kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam, tỉnh đã tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa , văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi bổ ích cho các gia đình văn hoá. Đặc biệt, liên hoan văn nghệ lần này tập trung vào những nội dung gắn liền với đời sống gia đình Việt Nam như các thể loại kể chuyện cổ tích, hát dân ca, hát ru,… Các hoạt động được tổ chức đều hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn thể xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.
Phụ nữ là nhân tố đặc biệt quan trọng trong xây dựng gia đình. Trong phong trào xây dựng gia đình văn hoá, Hội phụ nữ cấp cơ sở thường xuyên tuyên truyền, giáo dục lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt Hội. Trong đó, hình thức sinh hoạt theo chuyên đề qua các tổ, nhóm, câu lạc bộ “xây dựng gia đình hạnh phúc văn hóa”, “gia đình 5 không, ba sạch”, có tác dụng giáo dục quan trọng, giúp chị em phụ nữ thể hiện tốt hơn vai trò của mình trong việc khuyến khích, động viên các thành viên trong gia đình sống và làm việc theo pháp luật, không mắc tệ nạn, tích cực xây dựng các mối quan hệ trong gia đình cũng như mối quan hệ giữa gia đình với cộng đồng. Qua đó, người phụ nữ góp phần cùng các thành viên xây dựng gia đình đat các tiêu chuẩn văn hóa.
Hưởng ứng Năm gia đình Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng đã đẩy mạnh các hoạt động giúp chị em phát triển kinh tế, ổn định đời sống.Hội triển khai thực hiện đợt thi đua thực hành tiết kiệm với chủ đề Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững trong các hộ gia đình. Các phong trào “phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” cũng được đẩy mạnh, đã giúp cho chị em phụ nữ có điều kiện chăm lo xây dựng gia đình. Cùng với chính quyền và các ban ngành đoàn thể, Hội phụ nữ đã có nhiều mô hình sinh hoạt nhằm giúp đoàn viên, hội viên nhận thức tốt về những giá trị gia đình, từ đó xây dựng gia đình phát triển theo nhịp độ của xã hội hiện đại nhưng cũng giữ gìn tốt những nét đẹp văn hóa của gia đình truyền thống Việt Nam.
Từ thực tế xây dựng gia đình, một lần nữa cho thấy, trong một gia đình mà các thành viên yêu thương, kính trọng lẫn nhau, cũng như đoàn kết để cùng nhau phát triển, thì họ sẽ vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống. Các hoạt động hướng ứng năm gia đình ở Vĩnh Long đã thúc đẩy mỗi thành viên trong gia đình ý thức được vai trò, trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình, cùng chung tay xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Cẩm Âu