20 giờ ngày 20/10, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Bệnh thận và lọc máu”. Chương trình cung cấp thông tin về bệnh thận, triệu chứng, phương pháp điều trị như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và khuyến cáo của bác sĩ với người bệnh. Chương trình có sự tham gia của 3 chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực Tiết niệu – Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Chương trình tư vấn trực tuyến “Bệnh thận và lọc máu”.
- TTƯT, BS CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM – một trong những “cánh chim đầu đàn” của lĩnh vực nội thận, lọc máu, cấy ghép thận tại Việt Nam với hơn 35 năm cống hiến không ngừng nghỉ. Thương hiệu bác sĩ Tạ Phương Dung đã quá thân thuộc trong cộng đồng người mắc bệnh thận. Với đôi bàn tay vàng trong điều trị, bác sĩ Dung đã giúp hàng ngàn người bệnh thoát cửa tử, để tiếp tục sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Đặc biệt, rất nhiều người trẻ không may mắc bệnh thận, nhờ có sự cứu chữa của bác sĩ Dung đã sớm trở lại cuộc sống bình thường, lập gia đình, sinh con – điều mà trước đó họ chưa từng dám mơ tới.
- BS CKII Võ Thị Kim Thanh, Phó khoa Thận học – Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM. Hơn 20 năm công tác trong nghề, BS.CKII Võ Thị Kim Thanh là một trong những chuyên gia nổi tiếng trên cả nước về chẩn đoán và điều trị các bệnh thận, lọc máu, ghép thận. Với trình độ chuyên môn cao và tâm huyết với nghề, bác sĩ Thanh luôn tận tâm vì người bệnh, nỗ lực tìm ra phương án điều trị tốt nhất, nhằm giảm đau đớn, giảm biến chứng để người bệnh có chất lượng sống tốt nhất. Không những vậy, bác sĩ Thanh còn để lại ấn tượng bởi sự nhẹ nhàng, tận tình và chu đáo trong thăm khám tư vấn và điều trị.
- BS CKII Ngô Đồng Dũng, khoa Thận học – Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Đến nay, bác sĩ Ngô Đồng Dũng có hơn 16 năm kinh nghiệm thăm khám và điều trị các bệnh về nội thận – chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và cấy ghép thận. Chứng kiến nhiều người bệnh không may bị suy thận, bỏ dở công việc, tương lai tươi đẹp phía trước, bác sĩ Ngô Đồng Dũng luôn thôi thúc phải làm sao chữa khỏi cho người bệnh để họ tiếp tục sống một cuộc đời ý nghĩa. Bác sĩ Dũng luôn tâm niệm “Nâng niu bệnh nhân như nâng niu chính bản thân và gia đình”.
Chương trình đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của hàng nghìn khán giả, rất nhiều câu hỏi, thắc mắc liên tục gửi về. Ngay trong chương trình, các bác sĩ đã tư vấn tận tình, giải đáp mọi thắc mắc về bướu thận, các ca bệnh, tình huống cụ thể.
Hiểu đúng về bệnh thận
Bác sĩ Ngô Đồng Dũng cho biết bệnh thận là thuật ngữ chung dùng để chỉ những trường hợp thận bị tổn thương về cấu trúc, suy giảm về chức năng và không thể lọc máu theo cách bình thường. Bệnh thận có thể phân thành nhiều nhóm, theo thời gian, diễn tiến bệnh có bệnh thận cấp tính, bệnh thận mạn tính; hoặc phân loại theo vị trí tổn thương trên thận, như bệnh cầu thận, bệnh mạch máu thận…
Bệnh thận nào cũng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy thận. Suy thận là giai đoạn 5 (giai đoạn cuối) của bệnh thận mạn tính, xảy ra khi độ lọc cầu thận ở mức dưới 15ml/phút. Bệnh nhân suy thận thì chắc chắn có bệnh thận. Còn người có bệnh thận chưa chắc sẽ bị suy thận.
Về nguyên nhân gây suy thận, theo bác sĩ Tạ Phương Dung, hai nguyên nhân hàng đầu là đái tháo đường (tiểu đường) và tăng huyết áp. Ước tính trên 50% bệnh nhân bị suy thận do đái tháo đường, và 30% do tăng huyết áp. Ngoài ra còn bởi các bệnh tại thận, như viêm cầu thận, sỏi thận, nang thận…
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người có hai bệnh trên phải tuân thủ điều trị, dùng thuốc đúng chỉ định và chế độ ăn uống được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, nhằm làm chậm diễn tiến bệnh đến suy thận. Người bệnh được lưu ý không nên tự ý sử dụng thuốc theo hướng dẫn “gia truyền” trên mạng, hoặc dùng theo đơn thuốc của người mắc bệnh tương tự, tránh “lợi bất cập hại”.
Bệnh thận phần lớn phát hiện muộn do diễn tiến âm thầm, triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Rất nhiều trường hợp khi đến bệnh viện khám, thì suy thận đã ở giai đoạn 3, thậm chí giai đoạn cuối, buộc phải điều trị thay thế thận.
TTƯT, BS CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, chia sẻ những thông tin hữu ích suy thận.
Bác sĩ Võ Thị Kim Thanh chỉ ra những dấu hiệu sớm của bệnh thể hiện ở đường tiểu, gồm tiểu lẫn máu, tiểu bọt, hoặc có sự thay đổi về thói quen đi tiểu (đi tiểu nhiều hơn 8 lần mỗi ngày, đi trên 2 lần vào ban đêm, dù lượng nước uống hàng ngày không thay đổi). Bên cạnh đó, khi mệt mỏi, uể oải, phù ở mi mắt, mắt cá chân, phù toàn thân lặp đi lặp lại, người xanh xao, chán ăn, khó ngủ, thiếu máu, ngứa da, khô da … cần nghĩ đến khả năng thận có thể đã bị tổn thương. Lúc này người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán.
Thông thường ban đầu người bệnh sẽ được làm xét nghiệm máu để xem các chỉ số ure, creatinin, xét nghiệm nước tiểu xem có hồng cầu hay không, hoặc siêu âm thận… để đánh giá chức năng thận. Nếu thận được chẩn đoán tổn thương các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn, như MRI, CT, sinh thiết, xạ hình thận… để đánh giá mức độ, nguyên nhân, từ đó tìm ra phác đồ điều trị phù hợp.
Gánh nặng bệnh thận mạn
Hội Thận học Thế giới ước tính khoảng 850 triệu người đang có bệnh mạn tính ở thận, khoảng 3 triệu người bệnh đang phải duy trì sự sống nhờ lọc máu. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính khoảng 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính, mỗi năm có khoảng 8.000 ca mới.
Bác sĩ CKII Võ Thị Kim Thanh, Phó khoa Thận học – Lọc máu thông tin về gánh nặng bệnh thận mạn.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, khoảng 10,1% dân số thế giới có bệnh thận. Tức là cứ 10 người có 1 người mắc bệnh. Tại Việt Nam, tính tới tháng 3/2023, khoảng 800.000 người đang phải lọc máu nhưng chỉ có khoảng 5.500 máy chạy thận nhân tạo, không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Đây là một gánh nặng về chi phí y tế toàn cầu, đồng thời cho thấy, thực tế bệnh thận mạn chưa được quan tâm đúng mức, bác sĩ Thanh cho biết thêm.
Đặc biệt, các bác sĩ nhận định tình trạng người trẻ tuổi suy thận có dấu hiệu gia tăng. Ngoài các nguyên nhân kể trên thì nhịn tiểu, uống ít nước, ăn thừa năng lượng, chuộng thức ăn chế biến sẵn có chất bảo quản, việc tự ý mua và sử dụng thuốc, ít vận động cũng dẫn đến suy thận ở người trẻ. Thêm nữa, 2 nguyên nhân chính gây suy thận là tăng huyết áp và tiểu đường cũng đang trẻ hóa, làm tăng nguy cơ suy thận ở người trẻ.
“Phát hiện sớm và điều trị kịp thời giúp bệnh tiến triển chậm hơn, tránh được nguy cơ chạy thận, giảm gánh nặng điều trị”, bác sĩ Dung nói.
Bệnh thận giai đoạn cuối (giai đoạn 5 hay suy thận mạn) xảy ra khi thận tổn thương rất nặng, mất gần hết hoặc mất hoàn toàn chức năng, không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Độ lọc cầu thận (lượng máu được lọc qua thận trong một đơn vị thời gian, thường tính bằng phút) ở mức kém nhất (dưới 15mL/ph/1,73 m2). Lúc này hai lựa chọn cuối cùng nhằm kéo dài sự sống của bệnh nhân là lọc máu (gồm chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng) và ghép thận. Tùy tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế, bác sĩ đưa ra các phương án phù hợp để người bệnh và thân nhân lựa chọn.
Bác sĩ Dũng cho biết, ghép thận là cách tốt nhất, nhưng không phải ai cũng có thể ghép thận do nguồn thận hiến rất khan hiếm, kinh phí lớn. Còn lọc máu không thể chữa khỏi bệnh nhưng giúp người bệnh duy trì sự sống chờ đợi đến lúc thích hợp để ghép thận, thậm chí đến cuối đời.
Trong đó, chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể bằng một loại máy chuyên dụng. Máy lọc giúp người bệnh kiểm soát huyết áp và duy trì cân nặng bằng chất lỏng, khoáng chất trong cơ thể. Gần đây, kỹ thuật lọc thận HDF online được cải tiến từ chạy thận nhân tạo truyền thống đã được ứng dụng, giải quyết những điểm lọc máu thông thường không làm được. Nhờ đó bệnh nhân giảm bớt các triệu chứng trong lúc chạy thận như ngứa, mệt mỏi, giảm biến chứng tim mạch, ổn định huyết áp…
Lọc màng bụng là phương pháp sử dụng chính màng bụng (phúc mạc) của người bệnh để lọc nước dư thừa và các chất cặn bã vào dịch trong ổ bụng rồi được thải ra ngoài theo một đường ống. Phương pháp này khá đơn giản, nhưng người bệnh cần lọc màng bụng hàng ngày, tự thực hiện tại nhà bằng tay hoặc bằng máy.
Để đạt hiệu quả điều trị cao nhất, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh suy thận tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về sử dụng thuốc, chế độ dinh dưỡng, vận động.
Bác sĩ CKII Ngô Đồng Dũng giải đáp thắc mắc của khán thính giả về bệnh thận.
Gần 2 tiếng chương trình phát sóng trực tiếp, bên cạnh cung cấp những thông tin, giải đáp thắc mắc về bệnh bướu thận, các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã chỉ ra những lưu ý trong chẩn đoán và điều trị bướu thận. Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY
Anh Thư