Cận thị xuất hiện càng sớm, nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm tại mắt càng cao, gây suy giảm thị lực ở trẻ, thậm chí dẫn tới mù lòa.

Trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Những điều cần lưu ý về Cận thị: Học sinh không tăng độ cận – Sinh viên xoá cận an toàn”, các chuyên gia tại Trung tâm Mắt Công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về tật khúc xạ cận thị ở lứa tuổi học đường.

Chương trình tư vấn có sự tham dự của hai chuyên gia: TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhãn khoa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Mắt công nghệ cao, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ và Kiểm soát cận thị, Trung tâm Mắt công nghệ cao, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

Chương trình tư vấn “Những điều cần lưu ý về Cận thị: Học sinh không tăng độ cận – Sinh viên xoá cận an toàn”

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2050, khoảng 80 – 90% trẻ em châu Á sẽ bị cận thị, trong đó có Việt Nam. Không chỉ gia tăng về số lượng, độ tuổi xuất hiện cận thị có xu hướng trẻ hóa do trẻ em tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử.

Cận thị khiến mắt nhìn kém, giảm sự tập trung, ảnh hưởng hiệu quả học tập, cũng đồng thời hạn chế trẻ tham gia một số hoạt động thể chất rèn luyện sức khỏe. Bên cạnh đó, cận thị cũng có thể gây ra các biến chứng thoái hóa bán phần sau nhãn cầu, nhược thị, lác mắt…, đặc biệt khi cận thị nặng và độ cận và trục nhãn cầu bị kéo dài ra với tốc độ nhanh chóng.

Theo PGS Thu Hiền, có hai nhóm phương pháp quang học và phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ. Quang học là phương pháp sử dụng kính gọng hoặc kính tiếp xúc. Phương pháp này an toàn, tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả mang tính tạm thời. Còn đối với phương pháp phẫu thuật sẽ áp dụng cho những trường hợp trên 18 tuổi, độ khúc xạ trong khoảng 6 tháng – 1 năm không thay đổi.

Trẻ dưới 18 tuổi chưa đủ tuổi phẫu thuật tật khúc xạ và cận thị luôn có xu hướng gia tăng, không giảm độ cận. Do đó, phụ huynh cần chú ý kiểm soát quá trình tiến triển của cận thị ở trẻ để hạn chế nguy cơ phát triển các bệnh lý mắt do cận thị. Trẻ mắc cận thị được khuyến cáo nên khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng để xác định tật khúc xạ (cận thị) và các bệnh về mắt khác sớm. Cần lưu ý việc khám nên thực hiện ở các cơ sở bệnh viện chuyên khoa mắt nhằm đánh giá toàn diện về độ khúc xạ, trục nhãn cầu, mức độ khô mắt, kiểm tra đáy mắt…

PGS Thu Hiền nhấn mạnh vai trò của việc kiểm soát cận thị ở trẻ em

Theo PGS Hiền, phụ huynh nên tạo môi trường học tập và sinh hoạt có điều kiện tối ưu nhằm hạn chế nguy cơ tiến triển cận thị như: đảm bảo góc học tập đủ ánh sáng và ngồi học đúng tư thế; hạn chế thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử; tăng cường hoạt động ngoài trời…

Nhiều phụ huynh đặt vấn đề có nên đeo kính khi trẻ cận thị, bày tỏ thái độ lo lắng nếu con đeo kính quá nhiều sẽ bị phụ thuộc và làm tăng độ cận. Trả lời về vấn đề này, PGS Thu Hiền chia sẻ, việc đeo kính nên thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, mắt phải điều tiết nhiều hơn khi không có kính và có thể dẫn tới nguy cơ tăng độ cận thị.

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp – Giám đốc Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh cho biết khi đủ 18 tuổi và kiểm tra tình trạng tật khúc xạ ổn định, người mắc cận thị có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật để đảm bảo hiệu quả điều trị cận thị bền vững hơn. Hiện nay, với các công nghệ laser hiện đại, những phương pháp phẫu thuật như SMILE Pro, Femto LASIK, Phakic… cho hiệu quả điều trị cao, hồi phục thị lực nhanh chóng, an toàn.

PGS Nguyễn Xuân Hiệp khẳng định mổ cận công nghệ mới cho hiệu quả điều trị an toàn, bền vững cho người bệnh

Việc kiểm soát cận thị tốt ở độ tuổi học đường cũng có lợi hơn với người mắc cận thị khi có quyết định mổ cận. Nhiều người cận quá nặng, buộc phải lựa chọn các phương pháp mổ cận cao cấp, chi phí cao như Phakic, thậm chí phải thay thủy tinh thể.

Về chủ đề mổ cận có đau không và nguy cơ tái cận, PGS trả lời như sau, trước khi thực hiện phẫu thuật cận thị, người bệnh sẽ được gây tê bề mặt do đó sẽ không có cảm giác đau trong khi mổ. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể sẽ cảm giác nhức, cộm ở mắt do quá trình phẫu thuật có tác động lên giác mạc, nhưng nhìn chung cảm giác không quá khó chịu.

Phẫu thuật cận thị thực hiện khi độ khúc xạ ổn định và người bệnh đủ 18 tuổi. Ở giai đoạn này, trục nhãn cầu không dài ra, do đó mổ cận sẽ đảm bảo triệt tiêu được độ cận và duy trì hiệu quả bền vững. Tuy nhiên, cận thị do nhiều yếu tố tác động, người bệnh sau khi mổ cận thị vẫn được các bác sĩ lưu ý về chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt và nhắc lịch tái khám nhằm theo dõi hiệu quả sau mổ cận.

Khuê Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *