Tỉ lệ người bị đột quỵ tăng cao vào thời điểm giao mùa và thời tiết lạnh, khoảng 20-30% so với những ngày thời tiết bình thường.

Thông tin trên được các chuyên gia về thần kinh – đột quỵ cho biết trong chương trình Tư vấn trực tuyến: “Đột quỵ mùa lạnh – Cảnh báo & Tầm soát hiệu quả bằng công nghệ cao” được tổ chức bởi Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), diễn ra vào tối 19/12/2023.

Chương trình thu hút gần 70 nghìn lượt xem trực tiếp và xem lại trên các nền tảng số. Đồng thời, hàng trăm câu hỏi của khán giả đã gửi về, được các chuyên gia, bác sĩ giải đáp kịp thời.

Chương trình Tư vấn trực tuyến

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đột quỵ hiện nay là vấn đề rất lớn được nhiều người quan tâm. Số người mắc ngày càng gia tăng và trẻ hóa, tỉ lệ mắc khoảng gần 300 người/100.000 dân. Theo tỉ lệ trên, Việt Nam có khoảng 300-400.000 người bị đột quỵ. Tỉ lệ mắc mới hàng năm cũng ngày càng gia tăng. Đột quỵ để lại gánh nặng cho xã hội, cuộc sống tàn phế, giảm khả năng lao động, thích nghi với xã hội và tỷ lệ tử vong rất cao.

Mùa lạnh ở miền Bắc hay thời điểm giao mùa ở miền Nam từ mùa mưa sang mùa khô hanh, nắng gắt, lạnh về chiều tối và đêm, làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não và nhồi máu não. Thời điểm lạnh nhiều, thường rơi vào các tháng 11, 12, và tháng 1, 2 năm mới, tỷ lệ đột quỵ có thể tăng 20-30% so với những ngày thời tiết bình thường. Khi thời tiết lạnh, cơ thể có những phản ứng mang tính tự vệ như tiết ra nhiều hóc môn catecholamine – làm co mạch nội biên, dồn áp lực mạch máu trung tâm tăng lên, gây tăng huyết áp.

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh hay mùa thời tiết thay đổi thất thường có xu hướng cao hơn ở những người lớn tuổi, mắc sẵn các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì, cao cholesterol… Những người đang có yếu tố tiềm ẩn phình mạch, thành mạch ở não đã bị tổn thương… rất dễ vỡ mạch gây xuất huyết não.

Vào mùa đông, mọi người cũng thường ăn uống nhiều hơn, đặc biệt là chất béo để dự trữ năng lượng nhiều hơn. Vận động ít hơn và uống nước ít hơn trong mùa đông cũng dễ làm tăng huyết áp, độ nhớt (quánh) của máu, tuần hoàn máu kém và tăng nguy cơ đột quỵ.

Trả lời cho câu hỏi: “Thời tiết lạnh, giao mùa có ảnh hưởng đến sức khỏe và tình trạng đột quỵ của giới trẻ không?”, ThS.BS. Lê Thế Phi, Khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, tình trạng đột quỵ đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa, không loại trừ bất kỳ ai, từ trẻ em đến người già.

Nếu như đột quỵ ở người già thường do xơ vữa mạch, các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao… thì ở người trẻ, các yếu tố nguy cơ đến từ lối sống nhiều hơn như ngồi nhiều, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, mất ngủ… Bên cạnh đó, một số bệnh lý hiếm được phát hiện gần đây gây ra đột quỵ ở người trẻ như động mạch cổ có túi phình bị bóc tách, bệnh lý van tim, rung nhĩ, bất thường trong cấu trúc buồng tim, gen di truyền, bệnh lý chuyển hóa, nhiễm trùng.

Đối với nữ giới bị đau đầu migraine, lạm dụng thuốc tránh thai đường uống cũng có thể gây ra các hiện tượng đông máu, tổn thương trong lòng mạch, gây tổn thương mạch máu não.

Để phòng tránh đột quỵ xảy ra trong mùa đông, thời điểm giao mùa, TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, việc tầm soát đột quỵ đóng vai trò quan trọng. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ mà người bệnh không tự mình phát hiện ra được. Chủ động tầm soát sẽ giúp mỗi người kịp thời phát hiện những yếu tố bất thường có thể gây ra đột quỵ tiềm ẩn trong cơ thể.

Ví dụ, đa số những người tăng huyết áp ban đầu không biết mình tăng huyết áp. Khi bị suy thận, suy tim, đột quỵ não rồi mới biết bị tăng huyết áp. Người bị đái tháo đường tuýp 2 cũng không có triệu chứng rầm rộ như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều hay sụt cân để phát hiện sớm. Nhiều người đến bệnh viện khi có những biến chứng nhiễm trùng, vết thương nhiễm trùng lâu lành hoặc đột quỵ mới biết nguyên nhân do tiểu đường. Theo thống kê, có khoảng 15-30% bệnh nhân đái tháo đường khi đến bệnh viện cấp cứu, điều trị vì đột quỵ mới được chẩn đoán ra tiểu đường.

Chỉ cần một xét nghiệm máu, chúng ta có thể phát hiện một người có mắc bệnh tiểu đường hay các bệnh lý tim mạch gây tắc mạch máu não (thông liên nhĩ) hay không. Hoặc, chỉ cần siêu âm tim bác sĩ có thể chẩn đoán người bệnh có nguy cơ đột quỵ hay không. Đơn giản hơn, thông qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể phát hiện người bệnh có bị hồi hộp, đánh trống ngực không, để có thể hỏi tiền sử bệnh, cho bệnh nhân đo huyết áp, đếm mạch, điện tim, gắn máy theo dõi nhịp tim trong 24 giờ…

Một người dân chụp MRI 3 Tesla tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM

Cùng với xét nghiệm máu, siêu âm tim và đo điện tim, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp người bệnh tầm soát có túi phình hay dị dạng mạch máu não hay không. Nếu có, dựa vào kích thước túi phình, các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, độ tuổi… bác sĩ sẽ đánh giá, lên phương án can thiệp tắc mạch hoặc phẫu thuật cắt túi phình. Hoặc, người bệnh cần theo dõi túi phình định kỳ bằng chụp mạch máu não.

TS.BS Lê Văn Tuấn nhấn mạnh, những người có càng nhiều yếu tố nguy cơ càng dễ bị đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ về độ tuổi, máu nhiễm mỡ, huyết áp, tiểu đường… dưới 5% thường sẽ không có nguy cơ đột quỵ, từ 5-7% cần cân nhắc; từ 7,5-20% phải tích cực điều trị, trên 20% phải theo sát điều trị.

Phòng ngừa đột quỵ là vấn đề rất quan trọng, nhưng nhận biết được các dấu hiệu sớm của đột quỵ để tới bệnh viện gần nhất có chuyên môn để can thiệp và điều trị trong “thời gian vàng” cứu não cũng quan trọng không kém.

Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là khoảng 3 – 4,5 giờ và với đột quỵ xuất huyết não là trong vòng 8 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên như nói đớ, nói ngọng, khó nói, yếu liệt chi, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng,… Tùy trường hợp, thời gian vàng cấp cứu đột quỵ có thể kéo dài đến 24 giờ hoặc hơn. Tuy nhiên, người bệnh nên được can thiệp càng sớm càng tốt.

Minh Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *