Bệnh thận và tăng huyết áp có mối quan hệ chặt chẽ, tình trạng này không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi mà đang có xu hướng trẻ hóa.
Tối ngày 18/5/2023, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã phối hợp cùng Đài truyền hình Vĩnh Long thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến: “Điều trị tăng huyết áp và tăng huyết áp ở bệnh nhân suy thận”. Chương trình được thực hiện nhằm giúp người dân hiểu rõ về mối liên hệ giữa bệnh tăng huyết áp và suy thận, dấu hiệu nhận biết bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị bệnh toàn diện theo phương pháp hiện đại, tránh những biến chứng thường gặp và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực thận học: TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; TS.BSCC Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu Nam học và Thận học, BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến (giữa) và TS.BSCC Mai Thị Hiền (trái) chia sẻ những vấn đề cần lưu ý về thận, huyết áp. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Trong 120 phút diễn ra chương trình, một trong những vấn đề được nhiều người xem quan tâm và đặt câu hỏi nhất đó là: dấu hiệu nhận biết tăng huyết áp và suy thận. Về vấn đề này, TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến cho biết, tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì đa số trường hợp người bệnh không có triệu chứng rõ rệt, nếu có thì những dấu hiệu cũng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như đau đầu, chóng mặt… Do đó, phương pháp hữu hiệu nhất để xác định tình trạng huyết áp là đo huyết áp định kỳ.
Đối với bệnh thận, TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung chia sẻ, ở 3 giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ rệt. Khi bệnh thận tiến triển đến giai đoạn 4 và 5, người bệnh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, ngứa ngáy do chất độc không thể đào thải ra ngoài và ứ đọng trong cơ thể; thiếu máu, huyết áp cao dẫn đến suy tim… Vì vậy, để phát hiện sớm và kịp thời điều trị bệnh thận, người dân nên tầm soát chức năng thận, đặc biệt là ở những người bệnh cao huyết áp và tiểu đường.
TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung trong chương trình. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Đối với những người bệnh suy thận hoặc bệnh thận mạn, việc uống thuốc thường xuyên để kiểm soát huyết áp có làm gia tăng áp lực lên thận hay không cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. TS.BSCC Mai Thị Hiền chia sẻ, tăng huyết áp làm tăng áp lực lên các mạch máu của cầu thận, dẫn đến suy thận. Đó chính là cơ chế gây ra bệnh thận do tăng huyết áp. Lúc này, người bệnh uống thuốc huyết áp thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ không những không làm tăng gánh nặng cho thận mà ngược lại còn giúp giảm áp lực lên cầu thận, bảo vệ thận.
Bệnh thận là một bệnh lý không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh phát triển, người bệnh phải dùng thuốc suốt đời, kết hợp với điều trị các nguyên nhân gây suy thận và thực hiện lối sống khoa học. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần được lọc thận để duy trì sự sống. Hiện, có 3 phương pháp điều trị cho người suy thận mạn là chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Trong đó, HDF online là phương pháp chạy thận nhân tạo được ưa dùng và đang triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. HDF online (thẩm tách siêu lọc) là phương pháp lọc máu hiện đại, hiệu quả, có chức năng gần với thận tự nhiên nhất. Phương pháp kết hợp giữa khuếch tán và đối lưu giúp đào thải cả những độc tố có trọng lượng phân tử trung bình và cao, từ đó khắc phục những nhược điểm mà các phương pháp lọc máu thông thường không thực hiện được. Để nâng cao khả năng đào thải độc tố, người bệnh có thể được lọc HDF online xen kẽ với các phương pháp khác.
Theo các chuyên gia, những vấn đề về tăng huyết áp, suy thận không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà còn gặp phải ở không ít người trẻ và nhiều nhóm đối tượng. Vì vậy, người dân nên khám sức khỏe định kỳ ngay từ khi còn trẻ để kịp thời phát hiện tình trạng tăng huyết áp cũng như tầm soát bệnh thận. Đối với những người đã mắc bệnh, cần uống thuốc theo hướng dẫn, không tự ý bỏ thuốc và tuân thủ các chỉ định khác của bác sĩ.
Ngoài ra, để ngăn ngừa biến chứng của huyết áp cao và kéo dài tuổi thọ, cần phát hiện sớm tăng huyết áp bằng cách đo huyết áp mỗi ngày; cần biết số đo huyết áp như biết tuổi của mình. Đó cũng là thông điệp của ngày Tăng huyết áp thế giới 17/5 năm nay: “Đo huyết áp đúng – Kiểm soát huyết áp tốt – Sống khỏe”.
Phi Hồng