Nghề nuôi cá tra, basa khởi phát từ hai tỉnh thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu là An Giang và Đồng Tháp. Dần dần, những người nuôi cá năng động cùa vùng sông nước Cửu Long phát hiện ra rằng đất bãi bồi ven sông lại là nơi nuôi cá tra lý tưởng hơn. Một thị trường xuất khẩu rộng lớn, tăng trưởng mạnh và lợi nhuận cao là lý do khiến cho nghề nuôi cá tra vùng ĐBSCL phát triển chóng mặt. Nhiều tỷ phú cá tra nổi lên, những vùng đất cồn được mệnh danh là cù lao tỷ phú xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là khi cá tra đạt đỉnh vào năm 1997 với giá 18.000 đồng/kg. Vài năm qua, cá tra nguyên liệu xoay quanh mức 1.600 đồng/kg, người nuôi đã không còn lời trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Nhiều hộ nuôi nhỏ cũng đào ao nuôi cá nay đã treo một ao vì không hiệu quả.

Ảnh minh họa

Sau thời kỳ hưng thịnh, người ta lại nghiệm lại cái nghề mà dân gian gọi là “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá.” Vụ kiện bán giá cá tra của Hoa Kỳ khởi phát vào năm 2002 đã làm cho người nuôi cá lao đao. Đến khi mở rộng sang nhiều thị trường mới và thị trường nội địa, cá tra lại hồi sinh. Song, thực tế, trong hơn một thập niên qua, cũng cá tra là mặt hàng xuất khẩu có giá cả lên xuống bất thường nhất, thị trường nhiều bất ổn nhất. Giá xuất khẩu cá tra những năm 1997 – 1998 bình quân 4,93 USD/kg. Nhưng năm 2003, giá cá tra chỉ còn 2,28 USD/kg và hiện nay còn thấp hơn. Giá cá xúât khẩu giảm không xuất phát từ thị trường thế giới mà ngay trong nội tại các doanh nghiệp chế biến.

Tổng diện tích thả nuôi cá tra của 10 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2009 là trên 5.000ha, chỉ đạt 76% kế hoạchĐến nay, diện tích thả nuôi chỉ còn gần 3.750 ha, giảm 12% so với năm trước. Trong khi đó, Quyết định Phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định mục tiêu đến năm 2010 diện tích nuôi cá tra ĐBSCL sẽ là 8.600 ha, với sản lượng 1,25 triệu tấn, chế biến thành phẩm 500.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,3-1,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 200.000 người. Để đạt mục tiêu này cần nhiều việc phải làm, trong đó có sự tác động từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Việc phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra theo định hướng thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến là xu thế tất yếu. Gần đây, xuất hiện các mối liên kết trong qui trình nuôi cá, từ sản xuất giống – thức ăn – nuôi cá với nhà máy tiêu thụ. Công ty cổ phần thủy sản Bình An, gọi tắt là Bianfishco, trong những năm qua theo đuổi mục tiêu này. Công ty hiện có vùng nguyên liệu 50 ha tại tỉnh Vĩnh Long, An Giang; đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản; xây dựng kho lạnh và xưởng chế biến phụ phẩm cá tra. Đặc biệt, vùng nguyên liệu với qui trình nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế, nhà máy hiện đại lên giá bán cá tra của công ty luôn ở mức cao, xuất khẩu sang các thị trường khắt khe về kỹ thuật như châu Âu, Hoa Kỳ.

Chuyện mới của Bianfishco và là niềm tự hào của ngành thủy sản là cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên tại Việt Nam, một Viện nghiên cứu thủy sản tư nhân, mà chủ yếu là cá tra, ra đời do Bianfishco đầu tư. Theo đó, Viện nghiên cứu thuỷ sản Bình An giai đoạn đầu tập trung vào con cá tra như: công nghệ di truyền, sản xuất giống, thuốc phòng trị bệnh cho cá. Viện cũng sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh thuỷ sản, hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng nông ngư dân phát triển thương mại điện tử và tăng cường năng lực quản lý. Các chương trình, đề án từ nguyên liệu đến bảo quản, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cũng được viện tập trung nghiên cứu song song với thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ.

Bianfishco hiện nằm trong tốp 7 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. chỉ sau 5 năm thành lập và đi vào sản xuất, công ty này đã có sự tăng trưởng vượt bật. Năm 2007, năm đầu tiên xuất khẩu doanh số đạt 100 tỷ đồng; năm 2008 tăng lên 400 tỷ đồng; năm 2009 trên 838 tỷ đồng. Trong năm 2010, Bianfishco dự kiến sẽ phấn đấu đạt tổng doanh thu hơn 1.538 tỷ đồng. Viện này mở ra một triển vọng mới cho con cá tra đồng bằng và cũng là thực thi một nghĩa vụ mà người lãnh đạo doanh nghiệp này từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dặn dò.

Nghề nuôi cá tra nay từ chỗ phát triển tự phát nay đang bước vào trang mới để phát triển bền vững. Chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh con cá tra sẽ thực hiện với qui trình HACCP và nhiều tiêu chuẩn khác về truy xuất nguồn gốc. Chuỗi giá trị này được kiểm soát chặt chẽ từ ao nuôi đến bàn ăn là một hướng đi tất yếu phù hợp với xu thế và tập quán quốc tế. Việc liên kết chặt chẽ giữa người nuôi với nhà máy chế biến về hợp đồng bao tiêu sản phẩm sẽ đi vào thực tế hơn. Tín hiệu vui là gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có kế hoạch đầu tư nâng cấp bốn trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao, sạch bệnh thành các trung tâm giống cấp vùng tại An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và Cần Thơ. Ngoài ra, các phòng thí nghiệm kiểm định chất lượng giống, thức ăn và sản phẩm cũng được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố có quy hoạch nuôi cá tra. Đây là hướng phát triển nghề nuôi cá tra bền vững mà người nuôi cá, cộng đồng doanh nghiệp mong đợi.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *