Cách đây 5 năm, tại hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết về “ Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước”. Thực hiện Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính. Qua 5 năm triển khai thực hiện, việc đẩy mạnh cải cách hành chính đã đem lại kết quả đáng phấn khởi. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp từng bước nâng cao đã góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của tỉnh nhà.

 Đối với người dân xã Tân An Hội- huyện Mang Thít, trước đây để làm được một giấy khai sinh cho trẻ sơ sinh, giấy khai tử cho người quá cố, hay giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai, bà con phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần nên mất rất nhiều thời gian. Nhưng kể từ khi triển khai thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính do Ủy ban tỉnh ban hành thì người dân không còn phải mất nhiều thời gian mỗi khi đến đây làm hồ sơ giấy tờ.

 

 

 Lịch tiếp dân, nội quy tiếp dân, các quy định về những việc cán bộ, công chức không được làm, cùng với các quy chế về thực hiện dân chủ nơi cơ quan được công khai tại trụ sở ủy ban xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân đến làm hồ sơ, giấy tờ. Các kế hoạch về quy hoạch đất đến năm 2020, kế hoạch phân bố các công trình sử dụng đất chi tiết cũng được công khai niêm yết để mọi người dân được biết, được bàn, được kiểm tra. 

 Để tạo sự tiện ích cho người dân, đến nay tất cả 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh Vĩnh Long đều thực hiện cải cách hành chính thông qua mô hình một “một cửa ”.Nhiều địa phương còn áp dụng tiêu chuẩn ISO vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho dân như ở phường 1-thành phố Vĩnh Long. Các loại thủ tục hành chính, trình tự giải quyết và thời gian giải quyết cũng như các khoản phí, lệ phí phải nộp, các khoản phí, lệ phí được miễn theo quy định đều được công khai niêm yết tại phòng tiếp dân. 

 Số cán bộ, công chức thông thạo về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất và năng lực đã được phường bố trí làm việc tại bộ phận tiếp nhận và giao trả hồ sơ cho dân. Trong quá trình thực thi công vụ, họ không gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân.

 

 

 Nhiều địa phương, đơn vị còn áp dụng mô hình “ Một cửa liên thông” để giải quyết hồ sơ, giấy tờ cho dân, như Sở Tư Pháp Vĩnh Long. Đây là một trong những đơn vị điểm thực hiện mô hình này. Tổ tiếp nhận và giao trả kết quả hồ sơ được thành lập hoạt động có hiệu quả. Cụ thể, như trước đây, muốn làm thủ tục đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực hay làm lý lịch tư pháp, người dân phải liên hệ với nhiều cơ quan nên phải đi lại nhiều lần. Còn hiện nay, khi làm các loại thủ tục này, bà con chỉ việc đến đây hai lần. Một lần đến nộp hồ sơ và một lần đến nhận lại kết quả. Điều đáng ghi nhận là so với quy định pháp luật hiện hành thì thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đã được rút ngắn đáng kể. 

 Việc thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “ Một cửa liên thông” không chỉ tạo sự chuyển biến cơ bản trong mối quan hệ giữa cơ quan tư pháp với công dân mà còn nâng cao được hiệu quả hoạt động tư pháp, giúp cho việc chỉ đạo điều hành của lãnh đạo đơn vị sâu sát hơn. Trong quá trình hoạt động, đơn vị này chưa nhận được sự phản ánh nào của dân về đạo đức tác phong, thái độ phục vụ, sự chậm trễ về thời gian, cũng như không có sai sót trong giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức. Đây cũng là một trong rất ít đơn vị được Văn phòng Chính Phủ đánh giá thực hiện tốt công tác kiểm soát, công bố, niêm yết công khai thủ tục hành chính kịp thời, đúng quy định.

Qua 5 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Vĩnh Long đã đơn giản hóa được 80% các quy định hiện hành. Cơ chế “Một cửa-Một cửa liên thông” được duy trì và mở rộng ở cả 3 cấp : Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã phường. Thực hiện cơ chế này không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp.

 

 

Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Tỉnh ủy Vĩnh Long phát động đã góp phần làm chuyển biến lề lối làm việc của các cơ quan quản lý Nhà nước. Tình trạng cán bộ, công chức đi trễ về sớm, chơi game trong giờ làm việc, uống rượu bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa đã được hạn chế. Phần lớn cán bộ, công chức đều thực hiện đúng các chuẩn mực đạo đức do các cơ quan, đơn vị quy định. Phong cách phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức có sự tiến bộ rõ rệt không chỉ làm giảm bớt phiền hà cho dân, hạn chế được tình trạng sách nhiễu dân mà còn cải tiến và nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của chính quyền các cấp.

 Để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, hàng năm tỉnh Vĩnh Long đã cử trên 5.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức dự các lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng cả về lý luận chính trị lẫn nghiệp vụ chuyên môn trong ngoài nước. Ngoài việc đào tạo chuẩn hóa theo chức vụ, chức danh, tỉnh còn quan tâm đào tạo kỹ năng, đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở tất cả các ngành, các lĩnh vực. Nhờ vậy mà trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã được nâng lên đáng kể. Đến nay, tỷ lệ cán bộ công chức cấp tỉnh và cấp huyện đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ chiếm trên 93%. Còn tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã phường đạt chuẩn cũng chiếm trên 85%. 

 Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng, trong 5 năm qua tỉnh Vĩnh Long còn tuyển dụng trên 500 công chức để bổ sung cho các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và trên 10.000 viên chức bổ sung cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được trẻ hóa, trình độ mọi mặt, nhất là trình độ nghiệp vụ chuyên môn được nâng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. 

 Riêng đối với cấp xã, phường, thị trấn, để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, Tỉnh đã ban hành chính sách trợ cấp thôi việc. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho cấp xã, phường sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn, một người đảm trách nhiều việc nhưng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn theo chức vụ, chức danh quy định. Nhờ vậy mà phần lớn cán bộ, công chức đã giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân.

 Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta đã thật sự đi vào cuộc sống của các tầng lớp nhân dân. Các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh hàng năm đều hoàn thành. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của việc đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong quá trình cải cách hành chính, chính quyền các cấp luôn tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhờ vậy mà tỉnh Vĩnh Long đã huy động được nguồn lực to lớn trong dân cùng chung tay góp sức xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, nhiều nhất là ở khu vực nông thôn. 

 Đẩy mạnh cải cách hành chính là một trong các nội dung  quan trọng trong nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương. Bởi chỉ có đẩy mạnh cải cách hành chính thì mới nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp. Vì vậy, tiếp tục nâng cao nhận thức sao cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức có ý thức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, tích cực thực thi công vụ, là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương, đơn vị của tỉnh Vĩnh Long. 

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế-xã hội của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Vĩnh Long đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính và tổ chức bộ máy Nhà nước, phấn đấu xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh. Trước hết là tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất và năng lực, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn./.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *