Đột quỵ và nhồi máu cơ tim là hai bệnh lý nguy hiểm, đồng thời cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hoặc tàn phế. Bệnh có những triệu chứng đặc thù, tuy nhiên nhiều trường hợp diễn tiến âm thầm hoặc có những dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với các cơn đau thông thường khiến phát hiện muộn gây hậu quả đáng tiếc.

Thông tin được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến: Sơ cứu, cấp cứu đột quỵ, nhồi máu cơ tim & các tai nạn thường gặp – Những điều cần thiết để cứu sống người bệnh” vào 20h ngày 8/8/2024 với sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP.HCM: TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh; ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, TT Tim mạch; BS.CKI Hồng Văn In, Phó khoa Cấp cứu. Kính mời quý độc giả xem lại chương trình tại đây.

Các bác sĩ tham gia tư vấn trực tiếp trong chương trình, giải đáp thắc mắc của khán giả về cấp cứu đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Phân biệt nhồi máu cơ tim điển hình và thầm lặng

ThS.BS.CKII Võ Anh Minh cho biết nhồi máu cơ tim diễn tiến rất nhanh, nếu không nhận biết và xử lý kịp thời có thể gây ngừng tuần hoàn, ngừng thở, não thiếu oxy, giảm ý thức, hôn mê và thậm chí tử vong. Bệnh có triệu chứng điển hình là tức ngực, khó thở, đè nặng, vã mồ hôi, tê mỏi cánh tay… Một số người có cảm giác đau ở vùng thượng vị, buồn nôn nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa.

Ngoài ra, có những trường hợp không có yếu tố nguy cơ vẫn có thể gây nhồi máu cơ tim điển hình với các triệu chứng xuất hiện trong khoảng 5 – 10 phút, thậm chí đến 1 tiếng. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo khi có những dấu hiệu kể trên nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

ThS.BS.CKII Võ Anh Minh cảnh báo những triệu chứng nhồi máu cơ tim thầm lặng

Đặc biệt, bác sĩ Anh Minh nhấn mạnh trên thực tế có những trường hợp thầm lặng, mơ hồ hoặc không có triệu chứng. “Nhồi máu cơ tim thầm lặng là nhóm rất đáng sợ, nó không biểu hiện ra ngoài nhưng khiến tim suy yếu và tử vong rất nhanh. Đôi khi triệu chứng gây ra trong nháy mắt khiến bệnh nhân ngã xuống và ngưng tim, ngưng thở. Có những trường hợp đo điện tâm đồ phát hiện thiếu máu cơ tim nguy kịch mà bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện trước đó”, bác sĩ cho biết.

Vì vậy, để phòng ngừa và phát hiện bệnh kịp thời, người dân cần chủ động tầm soát sức khỏe bằng siêu âm tim, điện tâm đồ, chụp cắt lớp vi tính CT để phát hiện sớm các vấn đề của tim, từ đó có phương án điều trị tốt hơn.

Thông tin thêm, BS.CKI Hồng Văn In cho biết những cơn đau do nhồi máu cơ tim cũng dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý khác. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngất xỉu, gia đình tưởng bị nhồi máu cơ tim và tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực nhưng không hiệu quả.

BS.CKI Hồng Văn In khuyến cáo những cơn đau do nhồi máu cơ tim dễ bị nhầm lẫn

Ngất xỉu là tình trạng lượng máu lên não không đủ khiến người bệnh rơi vào trạng thái mất ý thức đột ngột. Nguyên nhân có thể do tim, não, hạ đường huyết hoặc những rối loạn điện giải nào đó. Để phân biệt ngất do tim hay do não, cần có những xét nghiệm cơ bản hoặc đánh giá ban đầu của chuyên gia y tế.

“Nếu ngất do nhồi máu cơ tim có thể phải đo điện tim hoặc xét nghiệm men tim. Còn ngất do não phải chụp CT hoặc MRI, hạ đường huyết thì phải kiểm tra đường huyết hoặc xét nghiệm điện giải đồ, xét nghiệm máu…”, bác sĩ In lý giải, đồng thời khuyến cáo khi có người thân xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, người nhà cần bình tĩnh gọi cấp cứu để được hỗ trợ nhanh nhất, đồng thời hướng dẫn sơ cứu trong lúc chờ xe cứu thương.

Dấu hiệu đột quỵ dễ bị nhầm lẫn với trúng gió

Theo quan niệm dân gian, mọi người thường nhầm tưởng đột quỵ với trúng gió dẫn đến cấp cứu sai cách. TS.BS Lê Văn Tuấn cho biết cả hai bệnh lý này đều xảy ra đột ngột. Tuy nhiên khi bị trúng gió, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi và cho rằng bị các bệnh lý thông thường như cảm. Hay một số trường hợp người bệnh bị choáng, xỉu, thở mệt do hạ đường huyết cũng được gọi là trúng gió.

Ngược lại, có những lúc người bệnh chỉ có biểu hiện thoáng qua, vẫn cảm thấy bình thường nhưng lại bị đột quỵ. Một số người trúng gió bị méo miệng, liệt cơ thể, đây chính là biểu hiện của đột quỵ. Vì vậy trong một số trường hợp hai bệnh lý này là một và cần phát hiện sớm để cấp cứu kịp thời.

TS.BS Lê Văn Tuấn cho biết đột quỵ cần phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời để gia tăng cơ hội sống cho người bệnh

“Chúng ta có từ ‘đột quỵ’, đột là đột ngột, quỵ là ngã quỵ xuống. Một người bình thường đột ngột xuất hiện triệu chứng, sau đó có thể tử vong rất nhanh hoặc có thể vượt qua giai đoạn cấp cứu nhưng để lại di chứng là tàn phế nặng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống”, bác sĩ Tuấn lý giải. Để phân biệt được đột quỵ và trúng gió, người bệnh phải đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kỹ hơn.

Bổ sung thêm, bác sĩ Hồng Văn In khuyến cáo dù trúng gió hay đột quỵ, nếu thấy có người bị ngất xỉu, ngã quỵ, người thân cần xem tình trạng nặng hay không, bình tĩnh kiểm tra đường thở, tuần hoàn, nhịp tim, nếu có máy huyết áp thì tiến hành kiểm tra ngay, đồng thời gọi đến bệnh viện hoặc đưa người thân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh mà còn là gánh nặng cho cả gia đình. Do đó, giải pháp tốt nhất là tầm soát và phòng ngừa bệnh từ sớm, đồng thời mỗi người dân cần chủ động cập nhất các kiến thức về cấp cứu, trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu của bệnh cần bình tĩnh thực hiện theo khuyến cáo với tiêu chí “đúng, nhanh và tốc độ” để gia tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Đình Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *