Kỹ thuật Tim mạch Can thiệp được biết đến như một cuộc cách mạng trong y học, mang đến phương pháp điều trị nhanh chóng, ít xâm lấn, giảm đau đớn và đặc biệt phù hợp với các bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, hở van tim, loạn nhịp tim…

Đó là khẳng định của TTND.GS.TS.BS Võ Thành Nhân – Giám đốc Trung tâm Tim mạch Can thiệp, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tại buổi tư vấn “Cách mạng công nghệ Chẩn đoán & Can thiệp bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, hở van tim, loạn nhịp tim” diễn ra ngày 25/12.

Từ trái sang: BS.CKI Lê Minh Quân, TTND.GS.TS.BS Võ Thành Nhân và MC Thanh Phương tại buổi tư vấn.

Giáo sư Nhân cho biết, bệnh tim mạch là tên gọi chung cho các bệnh của tim và mạch máu, bao gồm: bệnh động mạch vành, các bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh động mạch chủ, suy tim, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim… Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 17,9 triệu người mỗi năm, chiếm 32% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phác đồ là yếu tố quan trọng hàng đầu, giúp điều trị hiệu quả bệnh tim mạch và ngăn ngừa biến chứng. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến như Holter điện tâm đồ, siêu âm tim Doppler, siêu âm tim qua thực quản, phòng DSA với máy chụp mạch vành cánh tay robot xoay 360 độ, máy CT 1975 lát cắt, MRI tim… giúp tầm soát sớm bệnh mạch vành, bệnh van tim, loạn nhịp tim cùng các bệnh lý tim mạch khác.

Theo BS.CKI Lê Minh Quân, Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bên cạnh hai phương pháp điều trị bệnh tim mạch quen thuộc là dùng thuốc (nội khoa) và phẫu thuật (ngoại khoa), hiện kỹ thuật tim mạch can thiệp ngày càng trở nên phổ biến nhờ ưu điểm ít xâm lấn, giảm đau, giảm nguy cơ mất máu và nhiễm trùng, nhanh hồi phục. Kỹ thuật này được ưu tiên lựa chọn cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim, hẹp mạch vành, rối loạn nhịp tim, hở van tim.

Là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Tim mạch Can thiệp, Giáo sư Võ Thành Nhân đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật phức tạp như cấy van động mạch chủ qua ống thông (TAVI), đặt máy tạo nhịp không dây, nong và đặt stent mạch vành, sửa van hai lá qua đường ống thông, đặt stent graft động mạch chủ, bít thông liên thất bằng dụng cụ… Trong đó, Giáo sư được ghi nhận là chuyên gia Việt Nam đầu tiên làm chủ kỹ thuật cấy van động mạch chủ qua ống thông. Đây là một trong những kỹ thuật can thiệp tim mạch phức tạp nhất trên thế giới, áp dụng cho bệnh hẹp van động mạch chủ nặng mà không cần phẫu thuật. TAVI là cứu cánh cho những bệnh nhân không thể chịu đựng phẫu thuật vì tuổi già sức yếu hoặc có kèm bệnh lý mạn tính nhờ đem lại nhiều ưu điểm: ít xâm lấn, không cần chẻ dọc xương ức, không phải chạy máy tim phổi nhân tạo tuần hoàn ngoài cơ thể, không gây mê toàn thân, nhanh hồi phục, tỷ lệ thành công cao.

TTND.GS.TS.BS Võ Thành Nhân cho biết, thời gian tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ triển khai rộng rãi kỹ thuật cấy van động mạch chủ qua ống thông (TAVI) bên cạnh phương pháp đặt máy tạo nhịp không dây, chụp cắt lớp kết quang nội mạch (OCT)…

Bên cạnh TAVI, Giáo sư Võ Thành Nhân còn là bác sĩ Việt Nam đầu tiên được trao chứng chỉ chuyên gia độc lập (Solo Operator) và chuyên gia huấn luyện (Proctor) cấy máy tạo nhịp không dây tại Việt Nam. Đây là kỹ thuật khó, không cần rạch da, mở ngực nên tránh được nguy cơ nhiễm trùng, tụ máu, tràn máu màng phổi so với đặt máy tạo nhịp có dây. Máy tạo nhịp không dây có kích thước nhỏ như viên thuốc con nhộng, chỉ bằng 1/10 máy tạo nhịp có dây, giúp điều chỉnh sự co bóp của cơ tim để duy trì nhịp tim và cung lượng tim phù hợp. Phương pháp này được chỉ định cho các bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nguy hiểm, cũng như có thể cứu sống người bệnh trong trường hợp cấp cứu ngưng tim.

Để thực hiện thành công các kỹ thuật hiện đại trên, bên cạnh tay nghề cao của bác sĩ Tim mạch Can thiệp, phòng DSA Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được trang bị hệ thống máy móc tiên tiến như chụp mạch vành tối thiểu thuốc cản quang (Cardiac Swing), “mắt thần” siêu âm lòng mạch (IVUS), khoan cắt mảng xơ vữa bằng mũi khoan kim cương (Rotablator), đánh giá sinh lý lòng mạch (iFR/FFR)… Đây được xem là “bộ tứ” trí tuệ nhân tạo (AI) giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán và can thiệp, tăng hiệu quả điều trị cho hàng ngàn ca nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim nghiêm trọng.

Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đưa vào sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp kết quang nội mạch (OCT) – kỹ thuật mới nhất được ứng dụng trong quá trình can thiệp mạch vành, giúp bác sĩ thu được kết quả chuẩn xác của chiều đài đoạn mạch hẹp, đường kính lòng mạch, đồng thời kiểm tra sau đặt stent bệnh nhân có bị bóc tách mạch máu hay không. “OCT là bước tiến lớn trong lĩnh vực Tim mạch Can thiệp, giúp tối ưu hiệu quả điều trị đồng thời giảm tối đa nguy cơ tái hẹp sau đặt stent”, Giáo sư Nhân cho biết.

BS.CKI Lê Minh Quân khuyến cáo, bệnh nhân sau đặt stent mạch vành cần kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, mỡ máu để ngăn ngừa xơ vữa động mạch

Ai cũng có thể bị bệnh tim mạch, tuy nhiên một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm tăng huyết áp, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, ít hoạt động thể chất, thừa cân béo phì, tiền sử gia đình. Vì thế để phòng bệnh, mỗi người cần tuân thủ lối sống khoa học: duy trì cân nặng ổn định (BMI < 23), không hút thuốc lá, tránh xa stress, thường xuyên tập luyện các bài tập phù hợp thể trạng, kiểm soát huyết áp, đường huyết và mỡ máu, kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ.

“Ngoài ra, các biểu hiện của bệnh tim ban đầu thường không rõ ràng. Đôi khi chỉ một số dấu hiệu rất nhỏ lại chính là tín hiệu cảnh báo triệu chứng tim mạch có nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi nhận thấy những triệu chứng bất thường, cần đến bệnh viện ngay để được can thiệp đúng cách và kịp thời”, bác sĩ Quân khuyến cáo.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *