Những năm gần đây, mỗi khi nói đến vùng khoai lang tại huyện Bình Tân của Vĩnh Long thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến giống khoai lang tím Nhật cũng như những “thăng trầm” của những bà con nông dân theo đuổi giống khoai này. Năm 2012 này , câu chuyện tại vùng khoai lang Bình Tân lại có thêm nhiều “tình tiết” mới. Đó là diện tích tăng đột biến, giá cả rớt xuống mức thấp nhất trong 02 năm qua, “sâu lạ” xuất hiện gây thiệt hại lớn về năng suất. Những sự kiện nầy liên tục diễn ra không theo bất cứ quy luật nào đã làm tan biến giấc mơ đổi đời từ cây khoai lang tím Nhật. Những hệ lụy từ việc nông dân chạy theo phong trào, phá vỡ quy hoạch sản xuất dẫn đến bị bị thị trường thao túng đang hiện hữu rõ nét trên vùng chuyên canh khoai lang lớn bậc nhất ở ĐBSCL này!

 

 

Đây là một củ khoai lang tím Nhật được cho là bị “sâu lạ” tấn công. Không giống như sùng khoai lang, loài sâu chỉ tấn công phần vỏ củ khoai. Do quy cách thu mua của giống khoai xuất khẩu đòi hỏi củ phải nhẵn bóng nên dù chỉ một vết cắn của sâu là bị dạt, thương lái không mua, hoặc mua rẻ như bèo.

Cũng như nhiều nông hộ khác ở ấp Tân Cương xã Tân Thành, gia đình ông Nguyễn Văn Bình cũng dành toàn bộ 01ha đất để trồng giống khoai tím Nhật trong vụ khoai năm nay. Theo như hàng năm , đối tượng dịch hại mà ông quan tâm nhất vẫn là đối phó với sùng khoai lang và các loại côn trùng cắn vỏ củ như dế, sâu đất. Đến khi thấy nhiều người bị thiệt hại do loài “sâu lạ” tấn công thì ông mới bắt đầu kiểm tra rẫy khoai. Lúc này thì mọi chuyện đã quá muộn, vụ khoai vừa rồi thu hoạch chỉ còn 50% năng suất. Khó chồng thêm khó khi thời điểm thu hoạch lại rơi ngay đúng vào lúc giá khoai chỉ còn 200 ngàn đồng/tạ.

Do mới xuất hiện và gây hại trên diện rộng lần đầu tiên nên hiện nay bà con nông dân rất lúng túng trong việc đối phó với loại sâu này. Cái khó nhất hiện nay là không xác định được đây là chủng loại sâu gì, chúng xâm nhập vào rẫy khoai bằng cách nào, ở những điều kiện nào thì chúng phát triển mạnh. Hơn nữa, do cách tấn công của loài sâu này là gây vết thương ở phần vỏ , nên một khi phát hiện thì  thiệt hại đã xảy ra, không có khả năng phục hồi.

Từ thực trạng này, biện pháp đối phó chủ yếu của bà con nông dân chỉ là sử dụng thuốc hóa học để phun ngừa, không cần biết là rẫy khoai của mình có bị nhiễm loại sâu này hay chưa. Đặc biệt là mỗi người có một cách nghĩ khác nhau nên việc chọn lựa và sử dụng thuốc hóa học cũng chẳng ai giống ai.

 
 

Qua những ghi nhận trên cho thấy tuy chỉ mới vụ đầu tiên xuất hiện nhưng thiệt hại do loài “sâu lạ” này gây ra là rất lớn. Trước tình hình này, Trung Tâm bảo vệ thực vật phía Nam đã kết hợp với Chi cục BVTV Vĩnh Long tiến hành thu thập mẫu để phân định chính xác loài gây hại. Tuy nhiên, do loài sâu này sinh sống và gây hại phần bên dưới đất, và có nhiều đối tượng gây ra cùng một triệu chứng nên công tác lấy mẫu, phân tích rất mất thời gian.

 Hiện Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam đang phối hợp với các nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ để định danh loài chính xác. Khi làm xong công tác này thì việc đưa ra quy trình kiểm soát mới thật sự mang lại hiệu quả. Tạm thời vẫn chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan chuyên môn.

Do chưa định danh được chính xác là loài dịch hại nào đang tấn công củ khoai nên cũng sẽ rất khó xác định được nguyên nhân vì sao loài sâu này bộc phát mạnh trong vụ khoai năm nay. Gọi là “sâu lạ” vì chúng chưa có tên. Tuy nhiên, với những nhà quản lý và bà con nông dân có nhiều kinh nghiệm thì loài sâu này thật sự không lạ, thậm chí chúng đã có dấu hiệu gây hại cách đây khoảng 03 năm trước. Và với những gì đang diễn ra ở Bình Tân cho thấy có quá nhiều yếu tố thuận lợi để loài dịch hại này gây hại trên diện rộng như ngày hôm nay.

Cây khoai lang tím Nhật đã có mặt ở Bình Tân cách đây hàng chục năm. Do được đẩy mạnh xuất khẩu nên khoảng 03 năm trở lại đây, giá cả khá ổn định, bà con nông dân bắt đầu phát triển diện tích. Không giống như các giống khoai tiêu thụ nội địa, khoai tím Nhật xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đòi hỏi phải có hình dáng củ đẹp, vỏ không tỳ vết. Do đó, những bà con trồng giống khoai tím Nhật luôn chú trọng các biện pháp nhằm bảo vệ củ để bán được giá cao. Để phát huy thế mạnh về giống khoai này, ngành nông nghiệp huyện Bình Tân cũng đã chú ý đến những đối tượng dịch hại làm mất giá trị củ khoai, trong đó có đối tượng biểu hiện triệu chứng giống như “sâu lạ” này.

Phát hiện sớm nhưng không có giải pháp để chủ động đối phó nên những thiệt hại đã và đang diễn ra cho vùng khoai Bình Tân là khó tránh khỏi. Và thật sự là không riêng gì loài “sâu lạ” này, rất nhiều vấn đề khác liên quan đến canh tác, cụ thể là giống khoai lang tím Nhật, cũng chưa có được quan tâm đầu tư đúng mức. Phát triển diện tích nhưng thiếu biện pháp bảo vệ thì những hệ lụy phát sinh là điều tất yếu.

Giá khoai lang tím Nhật rất hấp dẫn trong vài năm trở lại đây nên diện tích trồng giống khoai này không ngừng mở rộng. Sự gia tăng diện tích ở đây có một phần là do một số địa phương bắt đầu chọn cây khoai lang để thay thế cây trồng khác. Tuy nhiên, tại những địa phương có truyền thống canh tác khoai lang như Tân Thành, Thành Đông, Thành Trung thì phần lớn diện tích trồng trong năm tăng lên là do tăng vụ. Thay vì thực hiện mô hình truyền thống là một vụ lúa – vụ khoai, thì nhiều nơi đã chuyển hẳn sang canh tác 02 vụ khoai trong năm. Hay nói cách khác, chính bản thân người nông dân đã phá vỡ quy hoạch sản xuất vốn là một lợi thế có từ lâu đời của địa phương mình.

Như trường hợp tại ấp Tân Biên xã Tân Thành. Toàn ấp có trên 140 ha đất canh tác, trước kia mỗi năm chỉ làm 01 vụ lúa – 01 vụ khoai. Khoảng 03 năm trở lại đây, giá cây khoai lang tím Nhật hấp dẫn nên đã có khoảng 100ha chuyển sang canh tác 02 vụ khoai trong năm. Đứng về góc độ hiệu quả kinh tế thì việc làm nầy trước mắt đã góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Tuy nhiên, nếu xét về tính bền vững trong canh tác khoai lang thì  có nhiều vấn đề đáng quan tâm. Thiệt hại do loài “sâu lạ” gây ra lần này là một cảnh báo cụ thể.

 

Chưa định danh được loài sâu gây hại nên gọi là “sâu lạ”. Nhưng chưa hẳn chúng đã lạ với bà con nông dân và ngành chức năng của huyện Bình Tân. Việc xác đinh đây là loài sâu gì, từ đó đưa ra quy trình phòng trừ hiệu quả là vấn đề mà bà con nông dân trồng khoai ở Bình Tân đang hết sức  quan tâm. Tuy nhiên, qua thực tế đồng khoaicũng cho thấy có quá nhiều yếu tố thuận lợi để loài sâu này phát triển. Khi mà những thông tin từ thực tế sản xuất chưa được cập nhật và xử lý kịp thời, vấn đề cơ cấu mùa vụ không đảm bảo thì những thiệt hại như vừa qua là khó tránh khỏi. Sâu lạ – chính là hậu quả của việc trồng khoai tự phát, không tôn trọng quy hoạch sản xuất của phía nông dân. Từ chuyện sâu lạ, một lần nữa câu hỏi về quản lý tổ chức sản xuất lại đặt lên bàn những người có trách nhiệm về đời sống nông dân.

Giá cả khoai lang đang ở mức không cao, năng suất sụt giảm do sâu hại tấn công, khâu tiêu thụ và sản xuất ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề có chiều hướng phức tạp hơn. Thực trạng này làm cho nhiều người đặt câu hỏi : Giá trị thật sự của cây khoai lang tím Nhật là ở mức nào? Người nông dân nên đầu tư cho đồng khoai như thế nào là tốt nhất? Đâu là những hạn chế cần khắc phục ở vùng có truyền thống trồng khoai lang lâu đời này?

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *