Trẻ mắc tay chân miệng, sởi, thủy đậu có thể gặp các biến chứng về thần kinh, tim mạch, viêm phổi, viêm màng não… nếu không được điều trị kịp thời.

Thông tin trên được các bác sĩ đưa ra tại buổi tư vấn trực tuyến “Tay chân miệng, sởi, thủy đậu: Dấu hiệu, điều trị & cách phòng ngừa hiệu quả” diễn ra tối 14/3. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia: TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM; Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Độc giả quan tâm, xem lại chương trình tại đây.

Chương trình tư vấn diễn ra tối 14/3. 

Mở đầu chương trình, TS.BS Nguyễn An Nghĩa đề cập đến bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Đây là bệnh truyền nhiễm phổ biến, đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nguyên nhân gây ra bệnh chủ yếu do siêu vi Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71), trong đó EV71 được xem là tác nhân nguy hiểm hơn. Bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa, phân – miệng, miệng – miệng. Virus có thể bám trên bề mặt đồ vật và nếu người chăm sóc hoặc trẻ khác không vệ sinh tay sạch, sẽ tạo ra nguồn lây.

Dấu hiệu điển hình của bệnh bao gồm loét trong miệng, mụn nước ở tay, chân, và có thể xuất hiện hồng ban ở các vùng khó nhìn thấy như kẽ ngón tay, chân. Bệnh có thể điều trị tại nhà nếu ở thể nhẹ, chỉ có các vết loét ngoài da hoặc miệng, không có sốt kéo dài. Ba mẹ cần giữ vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ, tránh thoa các sản phẩm không cần thiết. Đối với loét miệng, có thể dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc trung hòa axit giúp trẻ bớt đau.

Mặc dù hầu hết các trường hợp sẽ tự hồi phục trong vòng 5-7 ngày, nhưng bệnh vẫn có thể gây biến chứng nghiêm trọng như tổn thương tim mạch, hệ hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm gồm sốt cao, ói nhiều, run tay, run chân, đi loạng choạng. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 3 tuổi thuộc đối tượng dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất.

TS.BS. Nguyễn An Nghĩa tại buổi tư vấn tối 14/3.

BS An Nghĩa cho biết từng gặp nhiều trường hợp tái nhiễm tay chân miệng nhiều lần vì bệnh có đến 20 loại siêu vi khác nhau gây bệnh. Mỗi lần mắc bệnh, cơ thể chỉ tạo ra miễn dịch đối với loại siêu vi đó, do đó trẻ vẫn có thể mắc lại nếu bị nhiễm siêu vi khác. BS An Nghĩa khuyên khi trẻ bị sốt cao trên 39 độ C, ói liên tục, có dấu hiệu thở mệt, yếu chân tay, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp hoặc tổn thương hệ thần kinh.

Bên cạnh đó, BS An Nghĩa cũng cảnh báo về tình hình dịch sởi đang bùng phát. Sởi cũng không chỉ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ dưới 5 tuổi mà người lớn vẫn có thể gặp biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não. Thời gian gần đây, dịch sởi đã bùng phát mạnh mẽ, một phần do tỷ lệ tiêm vắc xin sởi giảm sau đại dịch Covid-19. Vắc xin sởi đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Tỷ lệ tiêm vắc xin trong cộng đồng đạt từ 92-95% sẽ giúp bảo vệ cả những người chưa tiêm ngừa.

BS. Bùi Thanh Phong tại buổi tư vấn tối 14/3.

Tiếp nối chương trình, BS. Bùi Thanh Phong cho biết thời tiết mùa đông xuân lạnh, độ ẩm cao, kèm mưa phùn, nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm. Điều này làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc gần, đặc biệt trong các dịp lễ hội khi mọi người tụ tập đông đúc. Hơn nữa, trong mùa này, nhiều gia đình lại trì hoãn việc tiêm chủng, dẫn đến giảm hiệu quả phòng ngừa, tạo cơ hội cho các bệnh như cúm, sởi, thủy đậu, ho gà và thậm chí bệnh dại lây lan mạnh mẽ hơn.

Trong chương trình, nhiều độc giả đặt câu hỏi về vắc xin phòng sởi, thủy đậu và tay chân miệng, tiêm gộp cũng được các bác sĩ trả lời đầy đủ.

Với bệnh sởi, vắc xin có dạng đơn và dạng phối hợp (sởi, quai bị, rubella). Trẻ cần tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi để có khả năng phòng bệnh hiệu quả. Mũi tiêm đầu tiên thường được thực hiện khi trẻ được 9 tháng tuổi và mũi thứ hai vào khoảng 18 tháng. Nếu bé đã tiêm một mũi, khả năng bảo vệ là khoảng 90-93%, nhưng tiêm đủ hai mũi sẽ nâng cao khả năng phòng bệnh lên đến 98%. Nếu bé đi học và có bạn cùng lớp mắc sởi, phụ huynh nên đưa bé đi tiêm mũi vắc xin sởi thứ hai để bảo vệ tốt nhất. Đối với phụ nữ mang thai, việc tiêm vắc xin sởi không được khuyến khích trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, nếu gia đình có miễn dịch cộng đồng cao (trên 95%), mẹ bầu sẽ được bảo vệ thông qua sự tiêm phòng của những người xung quanh.

Với bệnh thủy đậu thường gia tăng vào mùa xuân, BS Phong cho biết người nhiễm bệnh này có nguy cơ mắc zona thần kinh do cùng loại virus varicella zoster gây ra, do đó, cần phòng ngừa cả hai bệnh. Hiện vắc xin thủy đậu được tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và cả người lớn chưa từng mắc bệnh. Trong khi đó, vắc xin zona thần kinh được dùng để phòng ngừa zona, đặc biệt là cho người từ 50 tuổi trở lên hoặc những người từ 18 tuổi có nguy cơ cao. Mặc dù tiêm vắc xin thủy đậu có thể bảo vệ cơ thể khỏi bệnh thủy đậu, nhưng khi tuổi tác tăng lên hoặc khi có tình trạng suy giảm miễn dịch, virus có thể tái hoạt động gây zona, do đó người đã tiêm thủy đậu vẫn cần tiêm vắc xin zona để bảo vệ thêm.

Với vắc xin phòng tay chân miệng, BS Phong chia sẻ tin vui là VNVC đã ký kết hợp tác với Công ty dược phẩm Substipharm Biologics để đưa vắc xin tay chân miệng về Việt Nam. Vắc xin sẽ được tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi, với độ an toàn và hiệu quả rất cao trong việc phòng ngừa bệnh. Khi vắc xin có mặt tại Việt Nam, ba mẹ có thể đăng ký và nhận lịch tiêm sớm nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Giải đáp thắc mắc của nhiều khán giả về việc có nên tiêm gộp nhiều loại vắc xin, các chuyên gia cho biết hệ miễn dịch của trẻ có khả năng nhận diện hàng trăm kháng nguyên cùng một lúc mà không gặp vấn đề gì nên tiêm nhiều vắc xin cùng lúc không làm quá tải hệ miễn dịch. Trong khi đó, tiêm gộp giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ trẻ sớm khỏi nhiều bệnh nguy hiểm, nhất là trong điều kiện thời tiết dễ gây ra các bệnh truyền nhiễm.

Diệu Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *