Theo Nghị định 41 vừa được Chính phủ ban hành, kể từ ngày 1.6.2010, cá nhân, hộ sản xuất nông – lâm – ngư – diêm nghiệp được xét cho vay, không cần bảo đảm bằng tài sản, tối đa đến 50 triệu đồng. Đây thật sự là thông tin tốt lành cho nhà nông khi nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất không ngừng tăng lên.

Tuỳ theo qui mô sản xuất nông nghiệp là cá nhân, hộ gia đình hay hợp tác xã mà hình thức cho vay không cần thế chấp tài sản sẽ được xét cho vay từ 50 triệu đồng đến tối đa là 500 triệu đồng. Ngân hàng sẽ cho vay tín chấp đối với cá nhân, hộ gia đình trên cơ sở có bảo đảm của các tổ chức chính trị – xã hội ở nông thôn như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh v.v…

Trước khi Nghị định 41 được ban hành, cho vay nông nghiệp không đảm bảo bằng tài sản được thực hiện theo Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, qua 11 năm thực hiện, chính sách này hiện không còn phù hợp. Nếu duy trì mức cho vay cũ sẽ không khuyến khích các tổ chức kinh tế nông nghiệp mở rộng kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Thống kê cho thấy, chỉ riêng tại ĐBSCL, có khoảng 80% nông dân phải vay vốn sản xuất từ tín dụng đen để sản xuất.

Chỉ với 30 triệu đồng được ngân hàng Agribank đầu tư, sau 12 tháng thả nuôi 1.000 con ba ba thịt, tỉ lệ lãi được ông Nguyễn Văn Mum (xã Long An, huyện Long Hồ) ước tính là gần 60%. Đây là lý do khiến ông quyết định đầu tư mở rộng thêm một ao nuôi ba ba mới với diện tích 450 mét vuông. Còn đối với ông Trần Văn Thập (xã Long An, Long Hồ), số vốn mà ngân hàng cho vay chỉ 20 triệu đồng được ông sử dụng cho mô hình tổng hợp, gồm nuôi bò, heo và canh tác gần 1 ha đất lúa…

Chỉ riêng huyện Long Hồ, hiện nay, trong số 373 tỷ đồng dư nợ của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì đã có gần 30% được đầu tư cho nông dân vay tín chấp. Còn trên bình diện cả nước, dư nợ cho vay nông nghiệp – nông thôn khoảng 231.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% – 18% tổng dư nợ toàn ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn vay nông nghiệp – nông thôn vẫn còn rất lớn. Thực tế thời gian qua cho thấy, cho vay nông nghiệp – nông thôn khá an toàn nhờ tỉ lệ rủi ro thấp và phân tán.

Đối tượng của chương trình là hộ nông dân, chủ trang trại, các hợp tác xã ở nông thôn, tổ chức và cá nhân cung ứng dịch vụ phục vụ nông nghiệp, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tín dụng sẽ được cấp trực tiếp tới các hộ nông dân, doanh nghiệp, hoặc cấp tín dụng thông qua tổ vay vốn. Ngoài Agribank, sẽ có thêm các ngân hàng khác cùng tham gia như Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Liên Việt.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *