Nhiệt độ tăng cao dễ dẫn đến sốc nhiệt, kích hoạt hoặc làm nặng thêm các bệnh lý nền có thể dẫn đến đột quỵ.
Cảnh báo trên được TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức – Trưởng khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết trong chương trình tư vấn trực tuyến “Cảnh báo sốc nhiệt và đột quỵ do nắng nóng”. Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tổ chức vào ngày 13/4 vừa qua, thu hút hơn 30.000 lượt xem trực tiếp, xem lại cùng hàng trăm câu hỏi gửi về.
Chương trình tư vấn trực tuyến “Cảnh báo sốc nhiệt và đột quỵ do nắng nóng” thu hút hơn 30.000 lượt xem trực tiếp, xem lại
Phần lớn thắc mắc của khán giả gửi về có liên quan đến cách nhận biết những dấu hiệu khi bị sốc nhiệt, đột quỵ, đặc biệt là cách sơ cứu, phòng tránh, tầm soát, cấp cứu nếu không may xảy ra.
Khán giả Thành Nguyễn hỏi: “Những đối tượng nào có nguy cơ cao bị sốc nhiệt, đột quỵ khi nắng nóng?”. TS.BS Minh Đức cho biết: Sốc nhiệt là vấn đề dễ mắc phải trong thời điểm có nhiệt độ tăng cao. Điều này làm diễn biến của các bệnh lý nền, nhất là bệnh thần kinh thêm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ. Người lớn tuổi, người có bệnh nền về mạch máu não, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, cao cholesterol, cao mỡ máu… thường thích ứng chậm với sự thay đổi nhiệt độ, vì thế càng dễ bị sốc nhiệt, đột quỵ. Ngoài ra, những người từng có tiền sử bị đột quỵ hay phải di chuyển, làm việc ngoài trời nắng thường xuyên cũng cần thận trọng.
Với thắc mắc “Vì sao nắng nóng có thể gây ra đột quỵ?” của rất đông khán giả gửi về, ThS.BS.CKII Phạm Ngọc Danh Khoa giải đáp: Khi trời nắng nóng, trung tâm điều nhiệt của cơ thể sẽ tăng tiết mồ hôi để làm giảm nhiệt độ cơ thể xuống. Quá trình này khiến cơ thể bị mất nước, kết cấu máu dễ kết dính, máu lưu thông kém đi, gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, cao huyết áp và gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến đột quỵ.
Người lớn tuổi, có bệnh nền về mạch máu não, tăng huyết áp… có nguy cơ bị sốc nhiệt, đột quỵ khi trời nắng nóng
Khán giả Tú Nguyễn gửi thắc mắc: “Tôi có ông anh đang khỏe mạnh tự dưng bị đột quỵ, giờ nằm một chỗ. Mấy hôm nay tôi cứ bị ám ảnh chuyện đó, dù trước giờ tôi hay chủ quan bản thân khỏe mạnh. Tôi nay 43 tuổi, đang bị mỡ máu cao, tiểu đường nên rất lo. Xin bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa đột quỵ từ sớm?”.
Khán giả Cô hai sầu riêng cũng có thắc mắc tương tự về cách phòng tránh đột quỵ mùa nóng: “Em đọc thông tin thấy cả nhà em hình như ai cũng có nguy cơ đột quỵ mà em lo quá. Ông bà thì bị tăng huyết áp, tiểu đường, chồng em thì uống bia rượu hàng ngày, gan nhiễm mỡ độ 2, 3. Em thì thừa cân. Vậy nhà em có nên đi tầm soát đột quỵ không?”.
BS.CKI Nguyễn Phương Trang cho biết có rất nhiều người bệnh trung niên, thậm chí ở độ tuổi còn trẻ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đột quỵ. Phần lớn các trường hợp trên đều có bệnh nền mạn tính không được theo dõi, điều trị từ sớm. Thế nhưng, những nguy cơ này vốn dĩ có thể được phát hiện khi tầm soát sức khỏe định kỳ. Qua đó, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình kiểm soát bệnh hiệu quả, hạn chế nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Giải đáp câu hỏi của bạn Hữu Đức: “Tôi nghe bệnh viện Tâm Anh có Trung tâm tầm soát, cấp cứu đột quỵ, tôi rất quan tâm vì gia đình tôi có ba mẹ đang mắc nhiều bệnh nền, nguy cơ đột quỵ không lường trước được. Tôi muốn hỏi tầm soát đột quỵ và cấp cứu đột quỵ ở Bệnh viện Tâm Anh như thế nào, có ưu điểm gì?”, TS.BS Minh Đức cho biết người bệnh khi đến tầm soát đột quỵ sẽ được thăm khám sàng lọc, hỏi về tiền sử, bệnh cảnh, tiên lượng bệnh,… cũng như thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết. Điển hình là chụp MRI 3 Tesla kỹ thuật cao cho phép quan sát rõ cục máu đông, các dị dạng mạch máu, tĩnh mạch, túi phình mạch máu, huyết khối tĩnh mạch,… mà những phương pháp chẩn đoán thông thường không phát hiện được.
Hoặc, kỹ thuật chụp CT thế hệ mới 768 lát cắt giúp bác sĩ phát hiện, chẩn đoán đột quỵ từ những tổn thương nhỏ nhất, có thể tầm soát tình trạng phình mạch máu, dị dạng mạch máu, xuất huyết não,… Tầm soát đột quỵ thông qua các xét nghiệm chuyên sâu còn giúp người bệnh kiểm tra, đánh giá những yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, mỡ trong máu, tiểu đường, hẹp động mạch cảnh,…
TS.BS Minh Đức cho biết thêm, nếu đột quỵ không may xảy ra, não sẽ bị thiếu oxy, dinh dưỡng, các tế bào não sẽ chết hàng loạt. Cứ một phút trôi qua, cơn đột quỵ sẽ khiến gần 2 triệu tế bào thần kinh chết đi. Do đó, càng để lâu thì nguy cơ tàn phế, tử vong của người bệnh càng cao.
Khi có người bệnh đột quỵ cần cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ kích hoạt y lệnh khẩn “Code stroke”. Y lệnh khẩn này sẽ kết nối các liên chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh,… mở lối đi riêng cho người bệnh. Người bệnh sẽ được đánh giá ngay tại phòng cấp cứu với các máy móc di động và chụp CT hoặc MRI theo luồng ưu tiên. Bác sĩ sẽ đọc kết quả trên màn hình, hội chẩn và xử lý can thiệp dùng thuốc tiêu sợi huyết ngay tại phòng chụp.
Một ca cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM
“Giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ là 3 đến 4,5 hoặc mở rộng lên 6 giờ đầu kể từ khi bệnh khởi phát. “Tiêu chuẩn kim cương” trong cấp cứu đột quỵ cấp từ lúc người bệnh nhập viện đến khi được can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết (gọi là cửa sổ cửa kim) của Tổ chức WSO Angels Awards (Mỹ) là dưới 45 phút. Với quy trình “Code stroke”, bệnh viện có thể xử lý rút ngắn thời gian cấp cứu xuống dưới 30 phút. Tùy từng trường hợp, thời gian này có thể giảm còn hơn 20 phút, hạn chế tối đa di chứng cho nhiều người bệnh.
Ngoài ra, tùy thời gian, mức độ và thể loại đột quỵ, người bệnh cũng có thể được cấp cứu bằng kỹ thuật hiện đại như can thiệp nội mạch lấy cục máu đông hoặc bít tắc mạch máu đang bị vỡ với máy chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA hiện đại, phẫu thuật với robot giúp tiếp cận vị trí tổn thương chính xác, tránh phạm phải các bó sợi thần kinh và các mô não lành…
Kim Thành