Theo Cục BVTV, thời gian qua trên địa bàn các tỉnh phía Nam đã xuất hiện nhiều đối tượng dịch hại mới trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau. Đáng chú ý là rệp sáp hồng hại khoai mì ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, sâu đục trái trên cây có múi, loài sâu lạ hại khoai lang, bệnh đốm trắng trên cây thanh long, một số đối tượng mới nổi trên cây dừa như bọ vòi voi, sâu đục trái và nhện gây hại trên bông. Do là các đối tượng mới nên các công trình nghiên cứu khoa học trong nước về các loài dịch hại này còn khá hạn chế, từ đó biện pháp quản lý chúng cũng gặp nhiều khó khăn.
![]() |
![]() |
![]() |
Từ khi được ghi nhận vào cuối năm 2011 tại huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng, đến đầu năm 2013 diện tích bưởi bị gây hại ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ đã lên đến 13 ngàn ha, chiếm đến 48% trên tổng diện tích khảo sát.Mức độ gây hại từ nhẹ – khoảng 5%, cho đến rất nặng. Có nơi 100% số trái trên vườn đều bị nhiễm sâu. Các nhà chuyên môn nhận định, đâylà đối tượng gây hại nguy hiểm trên bưởi với tốc độ phát triển rất nhanh.
Loài sâu đục trái còn được ghi nhận gây hại ở các tỉnh Khánh Hòa và Bình Phước.Bên cạnh trái bưởi, chúng còn được ghi nhận là đối tượng gây hại quan trọng trên trái cam mật, cam sành, quít đường, chanh.
Tổng hợp từ các công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy, loài sâu này đã được ghi nhận là đối tượng gây hại quan trọng trên cây có múi ở khu vực Đông Nam Á từ năm 1993. Riêng ở nước ta, sự bùng phát mật số của chúng trong năm 2012 đã gây bối rối cho bà con nông dân và cả các cơ quan chuyên môn. Đặc biệt là bà con nông dân rất lúng túng trong việc đối phó loài sâu hại này. Biện pháp chủ yếu là phun thuốc hoá học một cách tự phát.
Cùng với việc gia tăng diện tích, thâm canh, tăng vụ, tình hình sâu bệnh trên cây thanh long ngày càng trở nên phức tạp hơn. Trong những năm qua nhiều đối tượng dịch hại đã có xu hướng phát triển và gây hại ngày càng nặng hơn trên cây thanh long như bệnh thán thư, đốm đồng tiền, thối trái… Đặc biệt là bệnh đốm trắng hay nhiều nơi bà con còn gọi là bệnh “đốm nâu” trên cành và trái đã làm thiệt hại nghiêm trọng về năng suất cũng như chất lượng trái thanh long.
Bệnh “đốm trắng” hay bệnh "đốm nâu" được ghi nhận xuất hiện năm 2009 tại tỉnh Bình Thuận với tỷ lệ thấp. Đến đầu mùa mưa năm 2012, đã có 827 ha trên tổng số hơn 19 ngàn ha thanh long ở Bình Thuận bị nhiễm bệnh đốm trắng với tỷ lệ từ 10% trở lên. Còn tại tỉnh Long An, cũng đã có khoảng 860 ha trên tổng số 2.200ha thanh long bị bệnh trên thân với tỷ lệ bệnh từ 5-10%, trên trái có 107 ha bị bệnh với tỷ lệ bệnh từ 1-5%.
Vết bệnh ban đầu là những đốm màu trắng, kích thước nhỏ, tròn, lõm; bệnh xuất hiện đầu tiên trên cành non. Về sau bệnh phát triển có màu vàng cam và khi vết bệnh phát triển thành loét có màu nâu, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Kết quả khảo sát bước đầu tại tỉnh Long An cho thấy bệnh tấn công và gây hại chủ yếu trên cành non và trái sắp thu hoạch, những vườn bón phân gà tươi và bón phân có hàm lượng đạm cao để thúc cành thì bệnh phát sinh gây hại nặng hơn.
Ngoài Bình Thuận và Long An thì bệnh “đốm trắng” cũng đã xuất hiện và gây hại ở nhiều vùng trồng thanh long khác ở các tỉnh phía Nam. Do mới xuất hiện nên hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra phương thức lây lan cũng như loại thuốc đặc trị với bệnh. Nhà vườn trồng thanh long đang rất lo lắng trước đối tượng dịch hại mới này.
Sự gia tăng mật số và diện tích gây hại của một số đối tượng dịch hại mà trước đây ít được ghi nhận trên cây dừa cũng là một diễn biến đáng chú ý. Theo tổng hợp của Cục BVTV thì bọ vòi voi, sâu đục trái dừa và nhện gây hại trên bông dừa là những đối tượng mới nổi trong vài năm lại đây. Loài sâu đục trái đã được ghi nhận xuất hiện trên vùng chuyên canh dừa ở tỉnh Bến Tre.
Riêng đối tượng bọ vòi voi đã được ghi nhận hầu hết ở các vùng trồng dừa các tỉnh phía Nam. Do có thể gây hại trên trái non, thân và cả rễ cây dừa nên đây là đối tượng rất khó phòng trừ. Hiện nay tìm hiểu sâu về đối tượng này chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu bước đầu và tham khảo các tài liệu nghiên cứu khoa học trên thế giới. Theo nhiều bà con nông dân thì thời gian gần đây các đối tượng dịch hại trên cây dừa ngày càng có xu hướng phát triển mạnh hơn, ảnh hưởng đến năng suất và tuổi thọ vườn dừa.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Ngoài các đối tượng dịch hại xuất hiện trên cây có múi, thanh long và dừa thì trên một số loại cây trồng khác cũng đã bắt đầu ghi nhận sự hiện diện và gây hại của các đối tượng dịch hại mới với tốc độ lây lan rất nhanh. Đáng chú ý là rệp sáp hồng gây bệnh chổi rồng trên cây khoai mì ở tỉnh Tây Ninh, bệnh chổi rồng trên nhãn, loài sâu lạ đục củ khoai lang ở Vĩnh Long, bọ phấn trắng, muỗi hành gây hại trên lúa, bọ đục cành tấn công sầu riêng …
Tuy mức độ gây hại khác nhau nhưng đây đều là những đối tượng dịch hại mới nên các công trình nghiên cứu khoa học về các giải pháp quản lý chúng còn rất hạn chế. Do đó, công tác trọng tâm hiện nay là ngành BVTV nhanh chóng tổng hợp các kết quả nghiên cứu để đưa ra quy trình quản lý tạm thời, giúp bà con nông dân giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
Dù còn gặp nhiều khó khăn trước các đối tượng dịch hại mới nhưng nhờ nổ lực của các địa phương, nhà khoa học và Cục BVTV đã giúp bà con nông dân ổn định sản xuất. Đặc biệt là các địa phương đã nhanh chóng phát hiện, đẩy mạnh các nghiên cứu từ thực tế và đưa ra các quy trình phòng trừ tạm thời trước các đối tượng dịch hại mới.
Cụ thể như trường hợp của loài sâu đục trái trên cây có múi. Chính nhờ sự vào cuộc kịp thời của tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, trường Đại học Cần Thơ, Viện cây ăn quả miền Nam đã giúp cục BVTV định danh được loài sâu mới, từ đó đưa ra các giải pháp đối phó hiệu quả. Đặc biệt là đẩy mạnh áp dụng biện pháp bao trái đã cho kết quả rất khả quan, mang lại hiệu quả trên 90% cho nhà vườn trồng bưởi. Tương tự thì loài sâu lạ trên cây khoai lang, rệp sáp bột hồng trên cây mì cũng đã được kiểm soát một số khá tốt chỉ sau một vụ bùng phát mật số.
Theo nhận định của Cục BVTV, có rất nhiều nguyên nhân để các loại dịch hại mới gia tăng khả năng gây hại trên cây trồng. Những yếu tố cần phải xét đến như mở rộng diện tích, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, biến đổi khí hậu, quá trình hội nhập. Nhưng qua đây cũng cần nhìn nhận rằng chính những hạn chế trong quá trình sản xuất của bà con nông dân cũng là một yếu tố góp phần làm cho áp lực dịch hại ngày cành nặng nề hơn.
Cụ thể như trường hợp trong việc đối phó với loài sâu đục trái trên cây có múi. Hiện nay khi áp lực sâu đã giảm, giá bưởi đang ở mức cao nên nhiều nhà vườn bắt đầu ít chú trọng áp dụng các giải pháp theo khuyến cáo.
Trước sự xuất hiện của nhiều đối tượng dịch hại mới, trong thời gian tới Cục bảo vệ thực vật sẽ tập trung xây dựng các đề tài nghiên cứu về các đối tượng dịch hại mới, từ đó đưa ra quy trình quản lý chúng hiệu quả. Đồng thời qua đây cũng thấy rằng nếu bà con nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng sẽ góp phần hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra. Các giải pháp đối phó với dịch hại mới cần tập trung vào mục tiêu quản lý dịch hại hiệu quả đồng thời phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng./
Trung Hiếu