Cá thể hóa điều trị thừa cân béo phì để bác sĩ có giải pháp phù hợp với từng người bệnh; kết hợp điều trị nội khoa, chế độ dinh dưỡng, vận động, công nghệ cao nhằm tăng hiệu quả điều trị.

Chương trình Tư vấn trực tuyến “Cá thể hóa điều trị thừa cân béo phì: Hiệu quả, an toàn, dễ thực hiện” diễn ra tối 4/10.

20 giờ tối 4.10, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Cá thể hóa điều trị thừa cân béo phì: Hiệu quả, an toàn, dễ thực hiện” với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm:

  • BS Lâm Văn Hoàng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, Trưởng đơn vị Nội tiết – Đái tháo đường, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, Tổng Thư ký Hội Đái tháo đường và Nội tiết TP.HCM, Nguyên Tổng Thư ký Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, Nguyên Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Chợ Rẫy.
  • BS Lê Bá Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
  • CKI Võ Trần Nguyên Duy, Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì.
  • ThS Phạm Thanh Chính – Trưởng đơn vị Vận động thể chất, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì.
  • ThS Trần Quyền An – Chuyên gia dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì.

Chương trình đã thu hút hàng chục nghìn khán giả theo dõi. Hàng loạt câu hỏi xoay quanh các vấn đề về tình trạng thừa cân béo phì hiện nay ở Việt Nam, thừa cân béo phì gây nên những bệnh gì, nguyên nhân điều trị thừa cân béo phì, điều trị cá thể hóa thừa cân béo phì như thế nào, điều trị thừa cân béo phì đa mô thức tại Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có gì khác biệt?… đã được các chuyên gia giải đáp, tư vấn tận tình, dễ hiểu.

Béo phì là bệnh mạn tính, là vấn đề toàn cầu

TS.BS Lâm Văn Hoàng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, trước đây, béo phì chỉ được xem là nguy cơ gây nên nhiều bệnh nhưng hiện nay, béo phì đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận béo phì là một bệnh mạn tính. Bác sĩ có trách nhiệm trong điều trị bệnh mạn tính và tham gia vào chương trình phòng chống béo phì trên toàn thế giới.

TS.BS Lâm Văn Hoàng cho biết tốc độ gia tăng béo phì tại Việt Nam tăng nhanh.

Thống kê năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 2,5 tỷ người trên thế giới thừa cân béo phì. Cứ 8 người thì có 1 người thừa cân béo phì. Đây là con số khá lớn. Béo phì đã trở thành một vấn đề trên toàn thế giới. Hiện nay, thừa cân béo phì không chỉ phổ biến ở người lớn mà còn nhiều ở trẻ em. Tỷ lệ mắc béo phì của Việt Nam không cao so với các nước trên thế giới nhưng tốc độ tăng nhanh, ở khoảng từ 34-38%.

Theo bác sĩ Hoàng, có nhiều nguyên nhân gây béo phì như chế độ dinh dưỡng thay đổi (Năm 1989, năng lượng cung cấp cho một người trung bình là 1.500 calo/ngày nhưng hiện nay đã tăng lên là 3.200 calo/ngày), ăn nhiều thức ăn nhanh, ít vận động, các yếu tố tác động như môi trường sống, stress…

“Thói quen ăn uống ngày càng thay đổi theo hướng nhanh, tiện lợi cùng với sự phát triển ngành thức ăn nhanh (fastfood). Nhu cầu phát triển kinh tế xã hội là tất yếu nhưng chúng ta cần hiểu và có các chương trình phòng chống thừa cân béo phì ngay từ đầu hoặc các chương trình hỗ trợ điều trị sớm căn bệnh này”, bác sĩ Hoàng nói.

TS.BS. Lê Bá Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết thêm, thừa cân béo phì không chỉ là vấn đề vóc dáng hình thể mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh: tiểu đường, các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, mạch vành; gây nhiều biến chứng như ngưng thở khi ngủ, vô sinh, trầm cảm, rối loạn lo âu…

“Nếu không kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, ngành y tế nói riêng và xã hội nói chung phải chịu nhiều gánh nặng. Theo một thống kê, chi phí điều trị béo phì và biến chứng của béo phì ước tính 3.000 tỷ USD vào năm 2030 và lên đến 18.000 tỷ USD vào năm 2060”, bác sĩ Ngọc nói.

BS CKI Võ Trần Nguyên Duy, cho biết những tiêu chuẩn chẩn đoán thừa cân béo phì.

Theo BS CKI Võ Trần Nguyên Duy, tiêu chuẩn để chẩn đoán thừa cân béo phì là chỉ số khối cơ thể (BMI – cân nặng chia bình phương chiều cao) và chỉ số vòng eo. Với người châu Á, chỉ số BMI từ 23 là thừa cân, từ 25 là béo phì. BMI từ 25 đến dưới 30 là béo phì độ 1, BMI từ 30 đến dưới 40 là béo phì độ 2, BMI trên 40 là béo phì độ 3. Với một người có chỉ số BMI dưới 23 mà vòng eo ở nam hơn 90 cm, ở nữ hơn 80 cm thì cũng được chẩn đoán béo phì.

“Việt Nam hiện có sự thay đổi kinh tế vượt bậc, có nhiều mô hình quán ăn nhanh từ các nước nên nhiều người có sự thay đổi về thói quen ăn uống, đặc biệt là ở giới trẻ. Chế độ ăn truyền thống với phần lớn là rau, củ, quả hoặc ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít chất béo tốt cho sức khỏe được thay thế bằng chế độ ăn thiên về các thực phẩm giàu chất béo, chế biến sẵn”, ThS Trần Quyền An nói.

Còn về thói quen tập luyện, ThS Phạm Thanh Chính chia sẻ, nhiều người thường xuyên sử dụng điện thoại, ít vận động, hoặc có tập cũng thường chọn các hoạt động đơn giản, dễ thực hiện ít có tác dụng giảm mỡ, tăng cơ.

Không chỉ do chế độ dinh dưỡng, vận động, còn nhiều nguyên nhân gây thừa cân béo phì như: gene di truyền, mắc các bệnh nội tiết, hội chứng buồng trứng đa nang suy giáp, tiết quá mức hormon tuyến thượng thận…

Thành công khi điều trị cá thể hóa, đa mô thức

Chính vì thừa cân béo phì do nhiều nguyên nhân, nhiều người bệnh thừa cân béo phì từng thất bại trong điều trị nếu chưa xác định đúng nguyên nhân gây bệnh, chưa có chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp nên các bác sĩ hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh xây dựng Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì cá thể hóa, đa mô thức.

Có nhiều người bệnh vừa mắc các bệnh nội tiết vừa do di truyền, áp dụng nhiều phương pháp giảm cân nhưng thất bại liên tục, điều trị không hết do không điều trị “gốc rễ” của bệnh, chỉ tác động một nguyên nhân gây bệnh. Mô hình điều trị tại Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì không chỉ đơn thuần tập trung điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động mà đây là mô hình đa mô thức, dựa trên mô hình điều trị béo phì trên thế giới. Bác sĩ cần hiểu rõ về vấn đề tâm lý, cuộc sống, lịch sinh hoạt làm việc, nguy cơ bệnh, nguyên nhân bệnh, các bệnh đang mắc, sự quyết tâm của người bệnh… để có giải pháp điều trị hợp lý, người bệnh dễ tuân thủ, dễ thành công. Mô hình đơn giản để người bệnh hiểu rằng, điều trị béo phì là chuyện phải làm, làm rất dễ, không khó.

ThS Phạm Thanh Chính tư vấn cho một người bệnh béo phì bài tập phù hợp với tình trạng đau khớp gối.

“Điều trị cá thể hóa giúp bác sĩ tìm ‘chìa khóa’, thấu hiểu người bệnh, tiếp cận từng người bệnh để tìm ra giải pháp phù hợp với người đó. Bác sĩ chỉ hiệu chỉnh trên chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống của người bệnh, không thay đổi hoàn toàn, không làm đảo lộn sinh hoạt, cuộc sống người bệnh. Như vậy, tỉ lệ thành công mới cao. Không có công thức chung cho tất cả người bệnh”, bác sĩ Nguyên Duy nói.

Hiện, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh áp dụng các công nghệ hiện đại giúp giảm mỡ dưới da như: công nghệ đông hủy mỡ, công nghệ dùng laser và công nghệ RF… Các công nghệ này dùng nhiệt lạnh để áp vào vị trí mỡ thừa dưới da như vùng bụng, eo, đùi, cằm, cánh tay… làm chết tế bào mỡ, tự đào thải ra khỏi cơ thể theo thời gian, không gây ra tăng mỡ máu hay tắc mạch. Đây là biện pháp không xâm nhập, giúp giảm mỡ dưới da, không giúp giảm mỡ nội tạng.

TS.BS Lâm Văn Hoàng chia sẻ, bác sĩ điều trị béo phì trước, thừa cân cho người bệnh trước; sau đó, sẽ giúp cải thiện vóc dáng bằng công nghệ hiện đại. “Điều trị thừa cân béo phì để khỏe hơn, hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bệnh, cần điều trị bệnh lý mạn tính trước, sau đó mới giúp người bệnh có vóc dáng đẹp”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì đã điều trị thành công cho nhiều người bệnh, giúp người bệnh giảm mỡ nội tạng, giảm cân về mức cân nặng lý tưởng và tạo được vóc dáng đẹp.

“Điều trị béo phì nên đi từng bước. Nhiều bệnh nhân muốn nhanh giảm cân. Đó là khát vọng chính đáng nhưng cần thời gian, cần sự phối hợp từ người bệnh và bác sĩ. Đây là con thuyền, bác sĩ và người bệnh cùng đi về một hướng thì sẽ thành công”, bác sĩ Hoàng nói.

Cùng quan điểm, TS.BS Lê Bá Ngọc chia sẻ, điều trị thừa cân béo phì như một cánh cửa có nhiều ổ khóa, mỗi một chuyên gia có vai trò khác nhau. Do đó, điều trị béo phì đa mô thức giúp điều trị hiệu quả hơn. Cùng với bác sĩ điều trị thì người bệnh cần hợp tác, tuân thủ liệu trình để việc điều trị được tốt hơn. Người bệnh nên tìm đến Trung tâm điều trị béo phì bài bản, khoa học tại bệnh viện như tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có đầy đủ chuyên khoa như nội tiết, dinh dưỡng, vận động để lộ trình điều trị an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện, dễ thành công.

Trong thời lượng gần 2 tiếng chương trình phát sóng trực tiếp, ngoài cung cấp thông tin về thực trạng béo phì, nguyên nhân gây béo phì, các chuyên gia cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về điều trị béo phì cá thể hóa, đa mô thức; sự phối hợp của người bệnh và bác sĩ để điều trị bệnh béo phì thành công tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY hoặc liên hệ đến Hotline của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để trực tiếp đặt câu hỏi với các chuyên gia.

Uyên Trinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *