Rung nhĩ làm tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ, 2 lần nguy cơ suy tim và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến “Rung nhĩ và rối loạn nhịp tim: Điều trị nội khoa hay can thiệp?” vào 20h tối 07/09/2023. Kính mời quý độc giả xem lại chương trình tại đây
Từ trái qua: ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh và MC Hà Thu Nga trong chương trình tư vấn trực tuyến ngày 07/09.
30% ca đột quỵ liên quan đến rung nhĩ
Rung nhĩ là một rối loạn nhịp nhĩ nhanh và không đều. Các triệu chứng điển hình của rung nhĩ bao gồm: đánh trống ngực, mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, khó thở, đau tức ngực và choáng ngất. Rung nhĩ làm tăng khả năng hình thành các huyết khối trong tâm nhĩ, gây đột quỵ não nếu máu tống huyết khối vào động mạch não, tắc mạch thận, tắc mạch chi… gây tàn phế hoặc rối loạn chức năng các cơ quan. PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh (Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM) lý giải rung nhĩ cũng có thể là mầm bệnh lý đơn thuần do các bất thường trong tim nhưng cũng có thể là hệ quả của một số bệnh lý khác như cường giáp, di truyền gia đình… Đáng lo ngại, hội chứng rung nhĩ có xu hướng ngày càng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thay đổi lối sống sinh hoạt của nhiều người.
ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao (Phó khoa Loạn nhịp – Điện sinh lý, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM) cảnh báo khoảng 30% trường hợp đột quỵ do rung nhĩ gây ra. Các triệu chứng ban đầu của rung nhĩ xuất hiện không rõ ràng, thậm chí không có dấu hiệu cảnh báo rung nhĩ điển hình. Đột quỵ não do rung nhĩ hình thành bởi cơ chế tim tống huyết khối đến động mạch não, gây tắc nghẽn hoặc xuất huyết não dẫn đến đột quỵ và đột tử ở người bệnh. Cách tốt nhất để phát hiện rung nhĩ là thực hiện các nghiệm pháp đo lường nhịp tim bằng các dụng cụ, nghiệm pháp chuyên biệt và theo dõi thường xuyên.
Rung nhĩ có thể được điều trị từ gốc
Ba yếu tố quyết định đến điều trị nội khoa (uống thuốc) hoặc can thiệp điều trị loạn nhịp tim bao gồm: loại rối loạn nhịp, mức độ triệu chứng rối loạn nhịp và các bệnh lý nền kèm theo ảnh hưởng như thế nào đến rối loạn nhịp. TS.BSCC Trần Văn Đồng Lý giải việc lựa chọn phương pháp điều trị nội khoa hay can thiệp phụ thuộc vào từng trường hợp. Phác đồ điều trị phải đảm bảo cân bằng giữa các triệu chứng rối loạn nhịp với tác dụng phụ của các loại thuốc chống loạn nhịp, sự ảnh hưởng của thuốc điều trị dùng lâu dài đối với các cơ quan ngoại tim.
ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao nhấn mạnh rung nhĩ không phải là một bệnh lý mạn tính, tuy nhiên một số trường hợp rung nhĩ có thể theo người bệnh suốt đời. Phương pháp điều trị rung nhĩ tùy thuộc vào cơ chế gây bệnh. Trong đó nếu nguyên nhân gây rung nhĩ do đường dẫn phụ AV trong tim gây ra, bác sĩ có thể chỉ định triệt đốt nút AV. Thống kê cho thấy 90-95% bệnh nhân rung nhĩ có liên quan đến đường dẫn truyền phụ có thể được điều trị triệt căn.
Tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, hầu hết tất cả các phương tiện máy móc hiện đại có thể chẩn đoán, đánh giá và phân tầng mức độ loạn nhịp trên từng bệnh nhân. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của bản đồ điện học 3D (giải phẫu cấu trúc buồng tim trong không gian 3 chiều), hệ thống triệt đốt rung nhĩ và các dạng rối loạn nhịp tim hiện đại sử dụng nguồn năng lượng xung điện từ, rút ngắn thời gian đốt rung nhĩ còn 2-2,5 tiếng thay vì kéo dài 6-7 tiếng như phương pháp điều trị triệt đốt truyền thống. Đây được xem là một trong những bước tiến quan trọng trong điều trị hội chứng loạn nhịp tim, mở ra cơ hội sống khỏe mạnh cho nhiều người bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh triệt đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần với sự hỗ trợ của bản đồ điện học 3D. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết, nếu nguyên nhân rung nhĩ liên quan đến cường giáp hoặc các tật về tim, rung nhĩ kèm suy tim…, bác sĩ cần căn cứ vào các kết quả kiểm tra cận lâm sàng và hội chẩn liên chuyên khoa nhằm tìm ra hướng điều trị bệnh lý ban đầu gây rung nhĩ. Với các trường hợp rung nhĩ cơn với tần suất thấp, điều trị kiểm soát tần số tim và dự phòng tắc mạch máu bằng thuốc chống đông có thể được chỉ định. Liều lượng và thời gian sử dụng thuốc điều trị rung nhĩ phụ thuộc vào khả năng đáp ứng thuốc, tuổi tác và toàn trạng sức khỏe của người bệnh.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến tư vấn trong chương trình
Hiện nay, không có biện pháp phòng ngừa triệt để nguy cơ mắc rung nhĩ. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến (Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội) chia sẻ một số cách giúp giảm thiểu nguy cơ mắc chứng rung tâm nhĩ như hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, các loại đồ uống chứa caffeine; Ngưng hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc lá; duy trì tập thể dục, thể thao đều đặn; Giảm áp lực, căng thẳng, lo âu kéo dài; Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh; Kiểm soát cân nặng cơ thể, tránh tình trạng thừa cân, béo phì… Đối với những người bệnh có bệnh lý nền, cần tuân theo phác đồ điều trị kết hợp tái khám định kỳ nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm. Trường hợp rung nhĩ gây rối loạn nhịp nhanh, người bệnh nên tham khảo tư vấn từ các bác sĩ tim mạch để lựa chọn môn thể thao phù hợp, tránh các môn đòi hỏi gắng sức cường độ cao.
TS.BSCC Trần Văn Đồng là một trong những chuyên gia đầu tiên triển khai kỹ thuật thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp tim bằng năng lượng sóng tần số Radio tại Việt Nam
TS.BSCC Trần Văn Đồng (Khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội) khuyến nghị mọi người, đặc biệt là những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao mắc rung nhĩ nên đến các bệnh viện đa khoa, trong đó có chuyên khoa tim mạch để khám tầm soát dự phòng, điều trị hiệu quả. Hiện nay tại hệ thống BVĐK Tâm Anh, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán rung nhĩ bằng đo điện tâm đồ ECG, đeo máy Holter ECG 24h/48h/72h, 14 ngày, điện tâm đồ thảm lăn gắng sức, xe đạp bàn nghiêng gắng sức… nhằm tìm kiếm các dấu hiệu bất thường nhịp xoang tim ở người bệnh. Đồng thời các bác sĩ liên chuyên khoa sẽ hội chẩn và xây dựng phác đồ điều trị nếu căn nguyên rung nhĩ là hệ quả của các bệnh lý khác, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho bệnh nhân.
Tuệ Trâm