Y văn thế giới từng ghi nhận các ca phát bệnh dại chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần sau khi bị cắn và có ca ủ bệnh lên đến 19 năm. Vị trí vết cắn càng gần não bộ như đầu, mặt, cổ có thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Hầu hết các trường hợp đều sơ cứu không đúng cách và không tiêm ngừa khi bị cắn, cào.

Trong buổi livestream tối 15/3 chủ đề: “Tiêm vắc xin phòng bệnh dại do chó, mèo và vật nuôi cắn, cào”, các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm và cấp cứu, chống độc đã thông tin chi tiết tình hình dịch bệnh dại hiện nay và các cách phòng ngừa hiệu quả.

Bên cạnh đó, các thắc mắc về các vắc xin phòng ngừa cũng như cách sơ cứu chống dại ngay sau khi bị cắn, cào đã được BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKII Nguyễn Thành Nguyên, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải đáp. Bạn đọc quan tâm xem lại buổi tư vấn tại đây

Buổi tư vấn cập nhật tình hình dại và các biện pháp phòng ngừa diễn ra tối 15/3.

Mở đầu buổi tư vấn, BS.CKII Nguyễn Thành Nguyên đã nhấn mạnh sự nguy hiểm của bệnh dại. Theo đó, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương. Virus có trong nước bọt của chó, mèo nhiễm bệnh, lây nhiễm vào cơ thể người thông qua các vết cào, cắn, liếm vào vết thương hở, không phân biệt vết thương lớn hay nhỏ, có chảy máu hay không. Trong đó, bác sĩ Nguyên lưu ý bên cạnh chó mèo, các động vật có vú máu nóng khác vẫn có khả năng lây truyền dại như dơi, khỉ, thỏ, chuột…

Thời gian ủ bệnh dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể trạng, tình trạng vết cắn và tải lượng virus dại tại vết cắn, cào, liếm trên vết thương hở. Các vị trí vết cắn càng gần não bộ như đầu, mặt, cổ hoặc các đầu mút thần kinh như ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục, thời gian ủ bệnh càng ngắn. Lý do là sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus dại sẽ di chuyển mỗi ngày từ 12-24mm dọc theo các dây thần kinh để đi lên não bộ gây ra bệnh dại. Nếu vị trí cắn càng gần não, virus dại càng lên đến nơi sớm hơn.

Theo bác sĩ Nguyên, y văn thế giới từng ghi nhận các ca phát bệnh dại chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần sau khi bị cắn và ca ủ bệnh lên đến 19 năm.

Dại hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tỷ lệ tử vong 100% khi phát bệnh. Do đó khi bị động vật, thú nuôi cắn, cào, liếm vào vết thương hở, cần chú ý sơ cứu đúng cách và tiêm ngừa đầy đủ để phòng dại.

BS.CKII Nguyễn Thành Nguyên tư vấn tại chương trình.

Bác sĩ Nguyên hướng dẫn với vết thương nghi nhiễm dại, cần rửa ngay dưới vòi nước sạch trong ít nhất 15 phút với xà phòng hoặc các sản phẩm tẩy rửa thông thường. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn i ốt và đến ngay các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn.

“Việc rửa vết thương sẽ giúp rửa trôi một phần virus dại có lớp màng bọc lipid bên ngoài, hạn chế virus xâm nhập vào cơ thể”, bác sĩ Nguyên lý giải.

Bác sĩ Nguyên cũng chỉ ra những cách vệ sinh và chữa trị vết thương dại không đúng cách như băng kín, buộc chặt vết thương, đắp lá theo bài thuốc dân gian, nặn máu ra có thể làm virus dại đi vào cơ thể nhanh hơn thậm chí gây nhiễm trùng.

Chia sẻ về giải pháp phòng dại, bác sĩ Bùi Thanh Phong nhấn mạnh, vắc xin và huyết thanh kháng dại là biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện có. Tùy vào lịch sử tiêm chủng, tình trạng và vị trí vết thương, bác sĩ tiêm chủng sẽ tư vấn tiêm huyết thanh kháng dại hay không. Huyết thanh giúp sinh kháng thể nhanh trong 24 giờ sau tiêm, giúp chống lại virus dại trong lúc chờ vắc xin sinh kháng thể lâu dài với bệnh. Phác đồ tiêm vắc xin cho người lần đầu chủng ngừa gồm 5 mũi, các lần bị cắn, cào sau đó chỉ cần bổ sung thêm 2 mũi, không cần huyết thanh.

“100% trường hợp phơi nhiễm bệnh dại cần tiêm ngừa vắc xin. Các vắc xin khác có thể chờ hoặc dời lịch tiêm nhưng với sự nguy hiểm của bệnh dại, cần tiêm đúng và đủ phác đồ, không nên chờ đợi”, bác sĩ Phong cho biết và gợi ý có thể tiêm ngừa dại trước khi bị cắn, cào để phòng bệnh. Theo đó, phác đồ ngừa dại trước khi bị cắn, cào gồm 3 mũi. Nếu có vết thương sau đó, chỉ cần bổ sung 2 mũi, không cần tiêm huyết thanh dù vết thương lớn. Đây là cách dự phòng cho các trường hợp thường xuyên tiếp xúc với động vật, ở xa cơ sở y tế khi có sự cố hoặc ngành nghề như thú y, kiểm lâm. Cách dự phòng này không chỉ giúp giảm số mũi tiêm sau khi bị cắn mà còn tránh được các phản ứng do tiêm huyết thanh có thể để lại như lở loét, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề.

Tiêm dự phòng trước khi bị cắn còn là cách phòng bệnh cho trẻ nhỏ vốn hiếu động, thích chơi đùa cùng động vật và chưa có ý thức phòng bệnh. Trẻ có thể bị thương do chó mèo nuôi trong nhà nhưng chưa biết nói để thông báo với bố mẹ hoặc sợ người lớn la rầy mà không chia sẻ tình trạng vết thương, dẫn đến mắc bệnh dại cao hơn.

BS Bùi Thanh Phong tư vấn tại chương trình.

Bác sĩ Phong còn cho biết thêm, trước đây nhiều người lo lắng vắc xin ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và chức năng thần kinh nên ngần ngại tiêm chủng. Trên thực tế, hiện Việt Nam đã không còn sử dụng vắc xin thế hệ cũ nữa. Các vắc xin thế hệ mới đang được sử dụng không chứa tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng thần kinh và trí nhớ, an toàn cho cả phụ nữ mang thai và cho con bú.

Khi đã tiêm phòng dại, người dân lưu ý tiêm đúng và đủ phác đồ, đảm bảo khả năng bảo vệ của vắc xin, đặc biệt trong các trường hợp không thể theo dõi tình trạng con vật sau khi bị cắn.

Hiện Việt Nam đang có 2 loại vắc xin ngừa dại thế hệ mới là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Vắc xin đang có đầy đủ tại gần 170 trung tâm VNVC đã có mặt ở hơn 50 tỉnh thành trên cả nước. Tất cả vắc xin đều được bảo quản an toàn, chất lượng trong hệ thống kho lạnh, dây chuyền lạnh đạt chuẩn quốc tế.

Mai Lộc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *