Bên cạnh cây lúa, ĐBSCL nói chung và Vĩnh long nói riêng còn có thế mạnh về kinh tế vườn, với nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái trù phú. Tuy trình độ thâm canh cây ăn trái của bà con ngày càng cao, nhưng trước những chuyển biết bất thường của tình hình khí trượng thủy văn, bà con cũng phải gặp nhiều rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là trong mùa mưa lũ.

 

ĐBSCL có mùa mưa lũ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Trong đó đỉnh lũ ở vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10. Lúc đó nước lũ dâng cao làm ngập nhiều vườn tượt,  làm cho rễ cây bị hư  do thiếu oxy, ngộ độc axit hữu cơ …Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm cho sức khỏe của cây suy giảm nghiêm trọng và chết hàng loạt. 

Theo dự báo cua ngành khí tượng thủy văn, mùa lũ năm 2012 ở ĐBSCL  có khả năng sẽ về sớm hơn các năm trước, và đĩnh lũ cao nhất  trên sông Cửu long có thể lên đến mức báo động 3, và cao hơn trung bình nhiều năm. Với mực nước lũ cao, kết hợp với  điều kiện canh tác trên những vùng đất thấp, nên phần lớn diện tích vườn cây ăn trái của vùng ĐBSCL đều rất dễ bị ngập, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn. Để vườn cây ăn trái khỏi bị ngập khi mùa mưa lũ về, điều cần làm trước tiên là phải xây dựng hệ thống đê bao, bờ vùng vững chắc, để ngăn nước lũ tràn vào. Đồng thời cần nạo vét kênh rạch, duy tu, sửa chữa cống đập, để khi cần thiết sẽ dễ dàng tiêu thoát nước, cứu vườn cây.

Trong từng khu vườn cần đào rãnh phụ trên liếp, và nạo vét mương vườn thông thoáng để giúp thoát nước nhanh khi có mưa to, đảm bảo mực nước trong mương vườn luôn thấp hơn mặt liếp  0,6 m. Có thể để cỏ trong vườn trong thời điểm này để khi mưa nhiều đất không bị xói mòn, đóng váng. Chuẩn bị máy bơm để sẵn sàng chống ngập cho vườn cây khi bị ngập sâu.

Ngoài ra nên cắt tỉa bớt  các cành vô hiệu , chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng. Không nên bón nhiều phân đạm  sẽ dễ kích thích cây ra đọt non, và khi vườn cây bị ngập úng sẽ tiêu hao nhiều dinh dưỡn, làm cho cây dễ bị suy yếu, và có thể dẫn đến chết cây.  Mặt khác, cũng không nên bón phân hữu cơ  cho vườn cây, vì  phân hữu cơ sẽ làm cho các vi sinh vật trong đất hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy và khi  đất bị  ngập úng trong tình trạng yếm khí, thì rễ cây sẽ không có đủ oxy  để hô hấp

Nếu gặp mưa lũ kéo dài, vườn cây bị  ngập úng, thì nên khắc phục bằng cách nhanh chóng bơm tháo hết nước trong vườn ra ngoài bờ bao, để tránh không cho vườn cây bị ngập kéo dài nhiều ngày. Hạn chế đi lại nhiều trong vườn,  vừa không làm cho cây bị lay động gốc, vừa làm cho đất ít kết chặt lại . Tiến hành điều hòa dòng chảy của nước trong vườn, để cung cấp oxy giúp rễ cây dễ dàng hô hấp .

Đối với  những loại cây  mẫn cảm với ngập úng, quang hợp của cây sẽ giảm rất nhanh sau 2-3 ngày bị ngập. Vì vậy, có thể phun thêm dung dịch đường Gluco qua lá, nhằm cung cấp thêm năng lượng cho cây hoặc các chất có chứa Cy-to-ky- nin  để ngăn cản quá trình tổng hợp Ê- ty- len  và sự oxy hóa diệp lục tố, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu với ngập úng. 

Nếu vườn cây ăn trái  bị  ngập sẽ làm cho những lỗ nhỏ trong đất chứa đầy nước, kém thoáng khí,  thiếu oxy cung cấp cho rễ cây hô hấp, đất trở nên bão hòa và rễ dễ bị hủy hoại.. Ngoài ra trong quá trình bị ngập nước rễ cây còn sản sinh ra  Ê- ty- len làm kích thích ra rễ mới; nhưng với hàm lượng lớn  thì sẽ gây ngộ độc cho cây, làm cho lá bị vàng và rụng nhiều. Tùy theo giống cây, tuổi cây và khả năng chống chịu ngập của các loài cây ăn quả khác nhau; nếu bị ngập nước nhẹ thì cây vẫn sống, nhưng phát triển chậm lại, cây bị  suy kiệt , cằn cỗi, chất lượng và hiệu quả của hoa và trái kém. Còn bị ngập nặng, độ ẩm trong đất  cao vượt quá nhu cầu của cây, thì rễ sẽ bị nghẹt, kém phát triển , thậm chí bị thối và chết , không có khả năng phục hồi  trở lại .

 

Cần xới nhẹ để phá lớp  đất váng ở trên bề mặt, giúp đất thông thoáng,  tạo sự trao đổi khí vùng bên trên và xung quanh rễ. Ngoài ra có thể phun thuốc gốc đồng để phòng chống các bệnh trên chồi non, phun các loại phân bón qua lá có chứa N, P, K và thuốc đặc trị các loại bệnh gây hại ở vùng đất và rễ.  Bón thêm vôi với liều lượng 500kg / ha để vừa giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, hóa giải các độc tố trong đất , mà còn  cung cấp Can-xi trực tiếp cho cây  để cây sinh trưởng khỏe hơn.

Nói chung để bảo vệ và chăm sóc tốt vườn cây ăn trái trong mùa mưa lũ, bà con nên tuân thủ nhiều biện pháp kỹ thuật. Trong đó vấn đề xây dựng bờ bao bảo vệ vườn cây chắc chắn là cần phải làm trước tiên, để giúp  cây trồng không bị ngập úng kéo dài. Ngoài ra còn phải thực hiện chăm sóc vườn đúng qui trình kỹ thuật, nhằm giúp cho cây trồng phát triển khỏe. Tất nhiên, việc chăm sóc mỗi loại cây đều có những cách làm khác nhau, tùy theo giống, điều kiện canh tác và tuổi thọ của cây trồng. Nhưng điều quan trọng là làm sao bảo vệ cho bộ rễ của cây ít bị tổn thương nhất, giúp cây trồng có khả năng chống chịu với những khó khăn, bất lợi trong suốt thời gian mưa lũ, và sẽ phục hồi trở lại sau khi nước lũ rút .

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *