Trong những năm gần đây, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhằm bảo đảm trật tự an toàn và giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông, nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. An toàn giao thông phải là trách nhiệm của cả cộng đồng.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Bao giờ cũng vậy, tai nạn giao thông để lại những hậu quả khó lường.
Như trường hợp của bị can Nguyễn Thanh Tâm, cư ngụ xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long vừa bị Cơ quan Cảnh Sát Điều tra Công an Thành phố Vĩnh Long khởi tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Qua tìm hiểu được biết, Tâm là lao động chính trong gia đình, hằng ngày phải đi làm thuê làm mướn ở tận Trà Vinh để có tiền gởi về nuôi cha mẹ già tuổi đã ngoài 70. Hôm xảy ra vụ án là ngày Tâm nghỉ làm về quê thăm gia đình. Cả tháng mới về nhà một lần nên mấy anh em cùng nhau lai rai . Do có rượu nên trên đường về Tâm đã đụng phải xe mô tô chạy ngược chiều, gây chết người ngay tại chỗ.
Còn đây là gia đình của anh Lại Văn Tươi, người bị nạn. Anh Tươi cũng là lao động chính trong gia đình. Hôm xảy ra tai nạn , anh đang trên đường chạy xe honda khách. Cũng do có nồng độ cồn trong lúc điều khiển xe, nên xe anh Tươi đã bị anh Tâm chạm phải , gây ra sự việc đáng tiếc.
Tổn thất do tai nạn giao thông gây ra đã trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội. Chính vì vậy, Chính phủ đã quyết định lấy năm 2012 là “Năm an toàn giao thông”, đề ra nhiều biện pháp để tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nhằm thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước.
“Giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta”, đó là thông điệp của “Năm an toàn giao thông” 2012.
Cả nước đã đồng loạt tổ chức ra quân thực hiện kế hoạch “Năm An toàn giao thông 2012” với mục tiêu chung: ”Thiết lập kỷ cương, trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn”. Mục tiêu cụ thể là kéo giảm tai nạn giao thông 10% cho cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương, so với năm 2011.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông có uống rượu, bia.
Việc kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe không chỉ thực hiện trong tháng an toàn giao thông, năm an toàn giao thông mà cần được thực hiện lâu dài, quyết liệt, để tạo ý thức đồng thuận: “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Nhân năm An Toàn giao thông, Công an thành phố Vĩnh Long tổ chức đợt cao điểm ra quân kiểm tra xử lý vi phạm đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, kiểm tra người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt mức quy định.
Việc kiểm tra tập trung cũng là để nhắc nhau ý thức an toàn giao thông. Phía sau các buổi tiệc nhậu quá đà, việc điều khiển xe một cách bất cần đời không phải hiếm thấy và đầy hiểm họa.
Phía sau cuộc vui, không ít hậu quả đáng tiếc đã xảy ra… Nếu may mắn thoát khỏi tử thần, có bao vụ chấn thương sau tai nạn dẫn đến những di chứng đeo đẳng suốt cuộc đời.
Theo chân lực lượng cảnh sát tuần tra trên các tuyến đường nội ô thành phố Vĩnh Long, chỉ hơn tiếng đồng hồ, lực lượng này đã phát hiện hàng chục vụ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trong đó đa phần không giấy phép lái xe, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định…,trong đó những trường hợp người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên, khi bị lực lượng tuần tra phát hiện đo nồng độ cồn thì mỗi người thường có lý lẽ riêng để biện minh.
Tuy ý thức của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, vẫn còn không ít trường hợp người tham gia giao thông thiếu ý thức …
Nếu nhận thức rõ quy định của pháp luật, cũng như để bảo đảm tính mạng ,sức khỏe của chính mình và của cả cộng đồng, những hình ảnh nầy đã không diễn ra. Đáng tiếc, người vi phạm lại có nhiều học sinh sinh viên, có đủ điều kiện về kiến thức cộng đồng.
Hiện nay, vẫn còn không ít trường hợp học sinh các Trường trung học phổ thông điều khiển phương tiện xe gắn máy đến trường khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và phần lớn đều vi phạm luật giao thông.
Theo số liệu thống kê của Công an Thành phố Vĩnh Long, chỉ tính riêng hai điểm Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trung học phổ thông Vĩnh Long, đã có đến hơn trăm em học sinh điều khiển xe gắn máy trên 50 phân khối đến trường và chưa có giấy phép lái xe.
Thực tế cũng cho thấy, tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ của giới trẻ là đáng báo động. Các lỗi vi phạm khá phổ biến như điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, đi dàn hàng ngang, người lái xe không có đăng ký sở hữu xe, không giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm…
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Một số thanh niên mới lớn phóng xe bạt mạng, đèo ba, bốn, lạng lách đánh võng… Đặc biệt vào những lúc tan trường, thường bắt gặp hình ảnh các em học sinh điều khiển xe máy.
Hàng năm, vào đầu năm học, Công an Thành phố Vĩnh Long đã kết hợp với ban giám hiệu các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến luật giao thông đường bộ và các văn bản có liên quan đến trật tự an toàn giao thông cho học sinh.
Học sinh được giới thiệu các kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, các quy tắc khi tham gia giao thông, ý nghĩa tác dụng của đèn tín hiệu và các biển báo hiệu đường bộ, các hành vi vi phạm thường dẫn đến tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã tiến hành cho học sinh ký cam kết không vi phạm luật giao thông.
Dù vậy, không ít học sinh vẫn vi phạm.
Ngoài lỗi của các em, cũng có phần lỗi của các bậc phụ huynh, hầu hết đã không dành nhiều thời gian quan tâm tới việc giáo dục các em có ý thức chấp hành Luật giao thông. Nhiều bậc cha mẹ còn dung túng, chiều chuộng con cái khi mua xe và cho con điều khiển xe máy đến trường khi các em chưa đủ tuổi được phép lái xe.
Điều đáng nói là tình trạng học sinh tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm diễn ra khá phổ biến, dù quy định đội mũ bảo hiểm là bắt buộc đối với những người tham gia giao thông bằng xe gắn máy. Bên cạnh gia đình, việc giáo dục ý thức cho học sinh, sinh viên trong nhà trường cũng cần được quan tâm đúng mức. Các chế tài tại các trường học áp dụng đối với các hành vi vi phạm của các em chưa đủ mạnh để răn đe, việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Một khi bị lực lượng tuần tra phát hiện vi phạm, đa phần các em điện thoại cho phụ huynh đến giải quyết. Khi đến, không ít phụ huynh tỏ thái độ không đồng tình hoặc có ứng xử không đúng mực. Thậm chí có người còn không đồng tình với quy định của pháp luật về lỗi vi phạm, họ quên rằng pháp luật quy định nghiêm khắc cũng nhằm mục đích bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho con em mình. Khi sự việc đáng tiếc xảy ra , hối hận sẽ muộn màng.
Về phần các em, khi bị lực lượng tuần tra phát hiện lập biên bản vi phạm, cũng thường có những lý do để biện minh, không ý thức đầy đủ về hành vi vi phạm.
Bên cạnh các trường hợp trên, cũng có không ít phụ huynh rất quan tâm đến sự an toàn của con em, luôn tự đưa rước con em mình đến trường hay phân công người thân trong gia đình làm công việc nầy.
Để ngăn chặn những hành vi vi phạm trong khi tham gia giao thông của giới trẻ, cần có sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt cần có ý thức tự giác trong đại bộ phận giới trẻ, góp phần làm giảm tai nạn giao thông.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
*Hưởng ứng tích cực “Năm an toàn giao thông 2012”, mọi chúng ta cần phải:
- Hãy nói không với rượu bia khi tham gia giao thông
- Đã uống rượu, bia thì không lái xe
- Uống rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông.
- An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà
- Đội mũ bảo hiểm vì sự an toàn cho trẻ thơ khi tham gia giao thông
Về tiêu chí “Văn hoá giao thông”
* Hiểu biết đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật về trật tự An toàn giao thông;
* Có trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông;
* Có thái độ ứng xử văn minh và cộng đồng khi tham gia giao thông;
* Có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông;
* Chấp hành quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về giao thông.
Hưởng ứng tích cực “Năm an toàn giao thông 2012”, người tham gia giao thông cần nhận thức đúng đắn về việc chấp hành pháp luật, không chỉ bảo vệ chính mình, vì bình yên và hạnh phúc gia đình, mà còn phải xem đây là trách nhiệm xã hội của công dân. An toàn giao thông là ý thức và hành động của tất cả mọi người.
Ngọc Hiếu