Những lời nhận xét của thầy giáo Lý Văn Lược mang theo trong đó một tình cảm quý mến mà hầu hết thầy cô giáo nơi đây đều dành cho em học trò nghèo Nguyễn Chí Tâm. Điều đó có lẽ không có gì là xa lạ khi suốt năm học vừa qua Tâm đã thể hiện được nghị lực phấn đấu cũng như tinh thần ham học giữa bao khó khăn của hoàn cảnh.
Ngôi nhà của gia đình em nằm heo hút trong đồng, cách trường một đoạn đường ngót 10 cây số – một khoảng cách không hề nhỏ cho một học sinh hàng ngày phải vượt qua chặng đường với bốn lượt đi về trên chiếc xe đạp cũ. Vậy mà suốt bao năm qua khoảng cách đó không hề đẩy em ra xa những ước mơ học tập.
Đến ấp Phú Đức – một ấp xa nhất của xã vùng sâu Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, không ai không biết đến gia đình em. Bởi nơi xóm nghèo này, khi không ít gia đình cho con thôi học chỉ vì không lo đủ chuyện áo cơm thì người ta vẫn thấy anh Nguyễn Văn Quy và chị Kim Thị Thu Nga hàng ngày phải làm lụng “đầu tắt mặt tối” trên đồng nuôi con ăn học. Rồi từ lần chị sanh khó, phải nhập viện đôi ba lần, cuộc sống gia đình càng thêm chật vật, nợ nần đến nay vẫn chưa trả nổi. Để rồi mỗi đêm khi các con ngủ, lúc mọi người yên giấc, là lúc anh chị phải mưu sinh.
Không phụ lòng cha mẹ đã vất vả nên suốt bao năm cắp sách đến trường, Tâm luôn đạt được những thành tích cao trong học tập, một góc tươi sáng tràn đầy niềm tin dưới mái nhà nhỏ đơn sơ còn thiếu hụt bộn bề này. Hàng ngày khi về nhà, Tâm vẫn là một cậu bé rất chăm chỉ và hiếu thảo. Những buổi phải cùng cha mẹ ra đồng hay cắm câu giăng lưới kiếm cái ăn, Tâm lại thấy vui khi đôi tay mình có thể cùng cha mẹ gánh vác phần nào cuộc sống, lau bớt những giọt mồ hôi mà gần 20 năm qua, đời cha mẹ đã thấm thía đủ mùi cay mặn.
Quen với cuộc sống tay lấm chân bùn nhưng chuyện nghỉ học chưa hề có trong suy nghĩ. Từ tấm bé, Tâm đã tập quen dần với một cuộc sống gian nan tìm chữ. Mỗi bước đến trường là mỗi vất vả đối với những đứa trẻ vùng sâu như em. Nhưng không có trở lực nào lớn hơn khi với em, tương lai còn ở bên kia ranh giới của cái nghèo. Cậu học trò nghèo, vùng sâu, bước ra trường huyện với biết bao bỡ ngỡ, nhưng sự nhanh nhạy, chịu khó đã giúp em nhanh chóng hòa nhập với bạn bè, trường lớp. Đảm nhận hai vai trò: lớp trưởng và Bí thư Chi đoàn, Tâm luôn dẫn đầu về thành tích học tập, cả sự năng nổ nhiệt tình trong phong trào tập thể. Không quá khó để hiểu được vì sao thầy cô, bạn bè lại tin tưởng nơi em đến vậy. Bởi với cậu học trò này cuộc sống luôn bắt đầu bằng sự gian nan thì sự hết mình trong mọi việc luôn là cách để em phấn đấu.
Tâm luôn là đầu tàu gương mẫu trong học tập và phong trào của lớp
Dưới mái trường yên ả xanh mát những hàng phượng gọi hè, những chiếc áo trắng đang miệt mài bên trang sách. Những con chữ nhỏ nhoi được các em gởi trọn lòng tin bởi nó mang sứ mệnh mở ra những cánh cửa tương lai trên cuộc hành trình thay đổi số phận của những mảnh đời nghèo khó. Ở đó, chắc chắn có ước mơ và một quyết tâm trọn vẹn của cậu học trò nghèo mang tên Nguyễn Chí Tâm.
Xuất thân trong cảnh nghèo, không được học hành như bao người, anh Quy và chị Thu Nga hiểu rằng, tất cả những gì có được đều phải đổi bằng những giọt mồ hôi lao động cật lực. Cho con đến trường, cho con gởi gắm ước mơ bên trang sách là con đường sáng duy nhất anh chị có thể lựa chọn cho đời con sau này. Nhưng khi cuộc sống quá chật vật, thiếu thốn, anh chị đành nuốt nước mắt mà chấp nhận cho cháu Kim Quyên vừa học hết lớp 9 phải nghỉ học. Nhìn cô bé thiết tha với những con chữ, với chiếc áo trắng, chúng ta không khỏi chạnh lòng, vì ước mơ cắp sách sao lại gian nan với những đứa trẻ dưới mái nhà này đến vậy?
Tâm luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè tiến bộ trong học tập
Cái nghề nhổ bồn bồn vất vả và lắm nhọc nhằn. Làm lụng miệt mài có lúc đôi tay rướm máu vì những vết cắt vô tình của loài cây thủy sinh này. Rồi những căn bệnh đau nhức thay nhau hành hạ sau những năm tháng anh Quy – chị Nga phải lao động cật lực, dầm mình dưới nước. Nhưng đôi tay anh chị chẳng thể dừng lại khi chuyện áo cơm còn chật vật trong guồng quay của cuộc sống. Đôi vợ chồng nghèo đồng lòng vượt qua cái khổ bởi anh chị luôn tin rằng tình yêu thương dành cho gia đình vẫn là điều cốt lõi để các thành viên có thể vững lòng vượt qua mọi gian nan.
Anh Quy – chị Thu đeo bám nghề cắt bồn bồn để chăm lo cho gia đình và việc học của Tâm
Mỗi ngày khi trời xế bóng, người ta lại thấy anh quảy gánh đi đặt lươn. Cái nghề này, anh được cha truyền lại từ thời trẻ, nay lại trở thành nghề chính để mưu sinh nuôi sống gia đình. Nhìn anh lam lũ đủ nghề, đôi tay không kịp nghỉ, đôi chân không kịp ráo nhưng luôn dạt dào một ước mơ cho con đi học, chúng ta lại càng thấy quý cho những con người không đầu hàng số phận. Bởi trong gian khó, người ta đâu dễ nuôi lớn những ước mơ, đâu dễ dứt đi cái thiếu thốn đã là cội rễ ăn sâu bao đời.
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:
1/ Em Nguyễn Chí Tâm – lớp 11A6 trường THPT Lương Định Của, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. 2/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin“, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. 3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo – Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long |
Ly Băng