“Từ cù lao muốn sang thị trấn, có nhiều bến phà đều đặn đưa rước khách qua sông nhưng em luôn chọn bến phà này mỗi ngày mấy lượt đi về. Vì nó có ý nghĩa đặc biệt với em: trọn tuổi thơ mình em đã gắn bó với từng chuyến phà với việc bán vé số để mưu sinh và còn vì em vẫn nuôi hy vọng cha mẹ ruột sẽ một lần tìm lại nơi đây để em biết được nguồn cội….”

Video clip chương trình Thắp sáng niềm tin – Kỳ 340: Em Trần Hiếu Phát

Đã mười mấy năm qua, bà con ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ vẫn còn nhớ câu chuyện của một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ lại trên chuyến đò cũ năm nào. Đứa trẻ đó chính là em Trần Hiếu Phát, học sinh lớp 12A1, trường THPT Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Bến đò ngày ấy nay đã không còn và được thay thế bằng những chuyến phà đông đúc người qua lại. Và cũng đã bao năm rồi chẳng có ai trở lại tìm con.

Ngôi nhà nhỏ của một người phụ nữ làm nghề đưa đò là nơi chở che cho Hiếu Phát, một đứa trẻ bất hạnh bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời từ khi còn đỏ hỏn. May mắn thay Phát đã được người phụ nữ hiền lành, nhân hậu nuôi nấng bằng tình thương yêu thiêng liêng nhất – tình mẫu tử.

Hiếu Phát thường giấu kín cảm xúc của mình, nhưng khi kể cho chúng tôi nghe về tình mẹ, Phát luôn nghẹn ngào vì những hy sinh lặng thầm của mẹ dành cho mình. Bởi cho đến năm hơn mười tuổi, trong lúc làm giấy tờ nhập học, Phát mới biết được rằng mình không phải là con ruột của mẹ. Sau cảm giác ngỡ ngàng em càng thấy thương yêu và kính trọng mẹ mình nhiều hơn. Bởi hơn ai hết, Hiếu Phát cảm nhận được tình cảm đong đầy mà mẹ đã dành trọn cho em, chăng khác gì máu mủ ruột thịt.

Cuộc sống của hai mẹ con Hiếu Phát bắt đầu khó khăn hơn khi mẹ của em sức khỏe giảm sút và không còn đưa đò như trước nữa. Gắn với nghề bán vé số đã hơn 5 năm qua, ở cái tuổi ngoài 60, cô Im vẫn một mình gồng gánh nuôi con. Và với người mẹ này những tháng ngày dầm mưa dãi nắng mưu sinh chưa bao giờ là cực nhọc khi nghĩ về con, nghĩ về chặng đường tương lai con đang cần có mẹ dìu dắt từng ngày.

Đã từ lâu, em nuôi dưỡng ước mơ được trở thành bác sĩ cứu người xuất phát từ sự đồng cảm, tình thương yêu với những cảnh đời nghèo khó giống như em. Biết rằng chặng đường này gian khó, Hiếu Phát đề ra cho mình một phương pháp học tập cụ thể. Điều đầu tiên là cách sắp xếp thời khóa biểu của Phát rất khoa học và hợp lý, em luôn tuân theo thời khóa biểu một cách nghiêm túc, ngay cả khi em còn đi bán vé số, Phát vẫn vừa hoàn thành bài vở trên lớp vừa củng cố học tập nhiều kiến thức để đạt được kết quả cao nhất.

Nhiều năm liền, Hiếu Phát là học sinh giỏi, sở trường của em là những môn khoa học tự nhiên, điểm trung bình môn luôn đứng đầu lớp. Ngoài ra, em còn yêu thích môn học Lịch sử, Phát từng đạt được giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp thành phố.  

Một ngày mới lại bắt đầu với hai mẹ con của Phát. Người mẹ vẫn rong ruổi bán từng tờ vé số cho con được cắp sách đến trường. Ngày ngày Phát vẫn qua lại trên chuyến phà quen thuộc nhưng nỗi chờ đợi của đứa trẻ năm nào cũng lặng lẽ trôi theo thời gian, thay vào đó là tấm lòng hiếu thảo của một đứa con dành cho mẹ, là sự phấn đấu nỗ lực học tập để đạt được ước mơ của mình.

Và cho đến hôm nay thì dù cha mẹ Phát có quay lại bến phà tìm con hay không thì câu chuyện về cậu bé bị bỏ lại trên chuyến đò cũ vẫn sẽ kết thúc có hậu bởi những trái tim rộng mở, bao dung và với nghị lực, lối sống tích cực của mình, em xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp ở tương lai.

Minh Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *