“Nghèo lắm, nhiều lần thấy chạy đi mượn từng lon gạo mà không hiểu sao vẫn cho bốn đứa con đi học”; “Không hiểu sao nhà nghèo vậy không cho con nghỉ học lên thành phố làm”.
Không chỉ một vài người mà rất nhiều người ở ấp Hóa Thành 1, xã Đông Thành, huyện Bình Minh đã đặt ra những câu hỏi tương tự như thế với gia đình của anh Thạch Tượng và chị Thạch Thị Nga. Phải làm lụng rất vất vả, thậm chí gấp đôi, gấp ba người khác, nhưng mặc cho căn nhà rách nát mưa tạt gió lùa, mặc cho bữa cơm thiếu thốn, anh chị luôn dồn tất cả số tiền kiếm được để chăm lo việc học cho bốn đứa con gái của mình. Có ai hiểu được nỗi lòng của bậc làm cha làm mẹ, nặng gánh lo toan khi cảnh nhà túng quẫn, có lúc tưởng chừng như không thể gắng gượng. Nhưng nhìn những giọt nước mắt của các con mỗi khi nhắc đến việc nghỉ học giữa chừng, anh chị chỉ còn biết làm tất cả để các con được tiếp tục đến trường. Bởi những đứa con của anh chị, nhất là em Thạch Thị Hậu, đều rất hiếu học.
Căn nhà tạm bợ, vách lá rách nát và bên trong trống rỗng này là nơi ở của sáu thành viên trong gia đình.
“Học giỏi và rất đa tài” là một trong nhiều nhận xét của tất cả giáo viên trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long dành cho em Thạch Thị Hậu trong lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc và hỏi han về cô học trò nghèo này. Lời khen tặng của thầy cô quả là xứng đáng với những thành tích học tập, hoạt động phong trào mà Hậu đã gặt hái được, và sẽ càng thấy quý cô học trò nghèo này hơn khi chứng kiến những nỗ lực vượt khó của Hậu trong suốt khoảng thời gian qua.
Gia đình của Hậu thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Cả gia đình gồm sáu thành viên hiện sống trong căn nhà tạm bợ, vách lá rách nát và bên trong trống rỗng, không có một thứ tài sản nào có giá trị. Từ nhỏ, Thạch Thị Hậu chứng kiến biết bao nỗi cơ cực của cha mẹ. Không ruộng đất nên công việc hằng ngày của ba mẹ Hậu là làm thuê. Mùa lúa thì đi cắt lúa, hết cắt lúa lại quay sang giũ rơm, gom nhặt từng hạt lúa mà sau khi người ta suốt lúa còn rơi rớt lại để nuôi sống gia đình. Tối đến, ba mẹ em lại tiếp tục đi giăng lưới, cắm câu kiếm cá, rồi tranh thủ lội xuống dòng nước lạnh tái da hái rau bắt ốc để sáng sớm đem ra chợ bán, chắt chiu từng đồng như thế mà lo cho các con ăn học. Cũng từ những hình ảnh đó, Hậu luôn tự nhủ: chỉ có việc học mới hy vọng thay đổi số phận nghèo khổ. Em thấm thía nỗi nhọc nhằn của những con người suốt ngày chỉ biết “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” mà tương lai của mấy chị em Hậu sẽ chẳng khác nào cuộc sống mà ba mẹ đã trải qua, nếu như bản thân mình không cố gắng học tập.
Gom nhặt từng hạt lúa mà sau khi người ta suốt lúa còn rơi rớt lại để nuôi sống gia đình.
Muốn học được cái chữ như bạn bè, Hậu đã phải vượt qua biết bao vất vả và thiệt thòi: ngoài giờ học phải làm lụng cùng cha mẹ để kiếm thêm cái ăn cái mặc cho gia đình, đường đến trường thì xa xôi trắc trở, điều kiện học tập thiếu thốn, nhất là nỗi trăn trở trước những khó khăn vất vả của ba mẹ, và cả những lời nói đắng cay vô tình khi phải chạy vạy vay mượn tiền để kịp lo cho các con tiền học phí và sắm sửa tập sách đến trường. Nhưng giữa vô vàn khó khăn, Hậu vẫn quyết tâm bám giữ lấy con chữ với ước mong sao cho bằng chính con đường học tập của bản thân, sẽ giúp cho gia đình thoát được đời nghèo khó.
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Thạch Thị Hậu đã đậu thủ khoa vào trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long như bước đầu khẳng định ý chí phấn đấu mạnh mẽ đó. Sống và học tập ở đây, em nhận được sự quan tâm chỉ bảo tận tình của thầy cô. Có được điều kiện học tập tốt, Thạch Thị hậu đã phát huy hết năng khiếu sở trường của mình: liên tục giữ vững thành tích học sinh giỏi, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường, đạt giải 3 học sinh giỏi môn văn cấp tỉnh 2010-2011, đạt giải khuyến khích học sinh giỏi khối 11 cấp tỉnh môn Địa lí năm học 2012-2013, đạt giải khuyến khích học sinh giỏi khối 12 cấp tỉnh môn Địa lí năm học 2012-2013, là học sinh tiêu biểu được bình chọn là học sinh nghèo vượt khó học giỏi của trường năm học 2011-2012, và hiện em đang được thầy cô tiếp tục bồi dưỡng để tham dự kỳ thi học sinh giỏi sắp tới.
Hậu đóng vai trò hạt nhân trong nhiều phong trào văn nghệ, thể thao.
Được thầy cô đã tin tưởng giao cho nhiều trọng trách trong công tác đoàn, Hậu vừa là Bí thư chi đoàn lớp, vừa nằm trong Ban chấp hành đoàn trường với vai trò hạt nhân trong nhiều phong trào văn nghệ, thể thao và gặt hái nhiều thành tích tiêu biểu cho cá nhân và tập thể, điển hình là giải Thí sinh xuất sắc Hội thi “Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông” 2011-2012, giải A liên hoan tiếng hát thanh niên dân tộc tỉnh Vĩnh Long năm 2012… và em được chọn là thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác năm 2013 của tỉnh Vĩnh Long. Với thành tích học tập xuất sắc, lại rất năng động trong các phong trào đoàn thể, Thạch Thị Hậu xứng đáng là một học sinh đầy triển vọng, dù cho con đường phía trước của em vẫn chưa hết những gian nan, thử thách.
Chỉ có ánh sáng của tri thức mới xóa hết được bóng tối của lạc hậu, thay đổi số phận.
“Chỉ có ánh sáng của tri thức mới xóa hết được bóng tối của lạc hậu, thay đổi số phận ”câu nói mà Hậu vừa chia sẻ với chương trình cũng là phương châm sống của cô học trò nghèo đầy nghị lực này. Chính quyết tâm mạnh mẽ đó đã không ngừng giúp Hậu bước qua thử thách và mở ra những con đường để đi đến thành công. Phía sau con đường mà em đang đi, còn có sự hy sinh thầm lặng của cha và sự vun đắp của mẹ hôm sớm tảo tần. Dẫu phải gánh trên vai nhiều vất vả, nhưng cha mẹ em vẫn gắng sức bước qua thử thách để cho các con của mình có được ánh sáng – ánh sáng của tri thức, của niềm tin sẽ biến ước mơ, hoài bão thành hiện thực ngày mai…
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ: 1/ Em Thạch Thị Hậu – học sinh lớp 12B, trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long 2/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin“, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. 3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo – Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long |
Minh Trang