Trong chương trình Chuyến xe nhân ái kỳ này, câu chuyện thương tâm của gia đình chị Trần Thị Mỹ Ngân, ngụ ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Năm 2014, hai mắt của anh Đặng Công Quận – chồng chị Ngân – cứ mờ dần không rõ nguyên nhân. Những tưởng đây chỉ là ảnh hưởng nhỏ từ nghề phụ hồ khi anh phải thường xuyên tiếp xúc với cát bụi công trình, đôi vợ chồng nghèo đâu ngờ rằng tương lai phía trước của gia đình mình rồi đây cũng sẽ mờ mịt như đôi mắt của anh Quận…
Có lẽ, chính sự an ủi động viên của vợ con đã vực dậy anh Quận khỏi mặc cảm tăm tối để bắt đầu lại cuộc sống. Thế nhưng, trong lúc khó khăn ấy, mái lá liêu xiêu bên bờ sông sạt lở cũng không còn đủ sức chống chịu nắng mưa, cuộc đời như một lần nữa thử thách ý chí vượt lên nghịch cảnh của đôi vợ chồng nghèo.
Vơi bớt nỗi lo an cư, nhưng gánh mưu sinh thì vẫn đang oằn nặng trên đôi vai của chị Ngân – người trụ cột duy nhất trong nhà. Tất bật suốt ngày với công việc hái ớt, hái mồng tơi, số tiền công 120 ngàn nhận được chị mua gạo, mua đồ ăn trong nhà, phần còn lại để dành đóng tiền học cho con, chưa lúc nào chị nghĩ cho bản thân mình. Niềm vui của người vợ, người mẹ này chỉ đơn giản là ngày nào cũng có việc làm, để chị không còn âu lo những khi hết vụ không ai thuê mướn.
Giữa cảnh sống chật vật với muôn vàn nỗi lo, điều giúp chị Ngân anh Quận vẫn còn hy vọng ở ngày mai chính là nhìn thấy 2 con ngày một lớn khôn và luôn chăm ngoan học giỏi. Nhất là Tố Như – con gái lớn của anh chị, với thành tích 10 năm liền là học sinh giỏi của trường, cô trò nhỏ không chỉ là niềm tự hào của mẹ cha mà còn là tia sáng đầy hy vọng soi đường cho gia đình mình hướng tới tương lai.
Dáng người nhỏ bé, chị Nguyễn Thị Mén ngụ ấp Phước Tiền, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang hằng ngày vẫn một mình chèo chống trên sông. Nước ròng thì xuôi chèo mát mái, nhưng mỗi khi nước lớn, con sóng ngấp nghé tràn vào chiếc vỏ lãi cũ đã nhiều chỗ chắp vá, mới thấy cái nghề vớt củi này của chị Mén cũng rình rập bao nhiêu hiểm nguy. Nhưng rồi chị cũng phải ráng, bởi từ khi anh Trần Ngọc Sinh – chồng chị Mén – mất đi ánh sáng không thể đi làm được, trên mỗi chuyến mưu sinh, người phụ nữ này không chỉ kiếm cái ăn cái mặc cho cả gia đình mà còn chở theo ước mơ đèn sách cho 3 đứa con thơ…
Từ ngày một mình gánh vác gia đình, chị Mén cũng làm lụng đầu tắt mặt tối. Vừa buông mái dầm trên tay đã thấy chị ngoài đồng, cố gắng kiếm thêm chút tiền công để lo cho chồng và các con ăn học. Thắm, Đủ, Ngọt, những cái tên đặt cho 3 đứa con gái cũng chân chất, mộc mạc như chính con người của anh Sinh chị Mén. Dẫu không nhiều chữ nghĩa nhưng anh chị đã gửi gắm vào đó tất cả tấm lòng của người làm cha làm mẹ, mong cuộc đời con đủ đầy, suôn sẻ và tươi sáng hơn đời mình.
Bù lại cho đôi vợ chồng không mấy lanh lẹ như anh Sinh chị Mén là 3 cô con gái càng lớn khôn càng hiểu chuyện. Ngoài giờ học, cháu Trần Thị Thắm – con gái lớn của anh chị – còn đi dặm lúa phụ mẹ, con gái thứ ba là cháu Trần Thị Đủ thì ban đêm đi soi nhái để kiếm cái ăn trong nhà. Đối với các em, nét hồn nhiên vô lo vô nghĩ của lứa tuổi 15 từ lâu đã nhường chỗ cho những lo toan bộn bề của cuộc sống vì thương cha mẹ quá đỗi nhọc nhằn.
Chúng ta không thể lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng có thể lựa chọn cách ta sống cuộc đời này! Câu nói ấy cũng là điều mà chúng tôi cảm nhận được ở các em. Và tin rằng, với sự nỗ lực vượt qua số phận vô cùng mạnh mẽ của các em, cùng với sự chí thú làm lụng của vợ chồng anh Sinh chị Mén thì một ngày mai tươi sáng hơn đang đón đợi gia đình ở phía trước!
Hồng Ngân