Trà Vinh với mô hình thâm canh những vườn cây ăn trái trĩu quả, Đồng Tháp với những làng sen mùa nước nổi và Sóc Trăng được nhớ đến bởi những kiến trúc chùa Khmer độc đáo. Ở mỗi nơi đi qua không chỉ có những đặc trưng tạo nên nét riêng biệt của mỗi địa phương mà Chuyến xe nhân ái còn tìm thấy những mảnh đời biết vượt lên trên biến cố, số phận và xứng đáng được tiếp sức để vượt qua khó khăn
Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 289: Đồng Tháp, Trà Vinh và Sóc Trăng
Gia đình chị Lê Thị Cẩm Nhung (1975), ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp
Chị Lê Thị Cẩm Nhung ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp bị khuyết tật tay và chân bẩm sinh. Chồng là chỗ dựa duy nhất nhưng cũng đã bỏ đi cách đây 10 năm. Trong nhà còn lại 3 mẹ con nương tựa nhau trong cảnh khốn khó.
Mười mấy ngàn tiền công mỗi ngày từ công việc thắt chổi làm sao đủ xoay sở trong nhà, nên chị Nhung, dù khiếm khuyết, vẫn tranh thủ nhận giữ trẻ thuê kiếm thêm tiền lo cho 2 con ăn học.
Mong muốn duy nhất của chị lúc này là có tiền mua nguyên liệu để tiếp tục công việc thắt chổi, kiếm đồng lời nuôi con, hay mua đồ ra bán tiệm tạp hóa.
Gia đình chị Trần Minh Trọng, ấp Tịnh Long, xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Hoàn cảnh thứ 2 hết sức khó khăn là gia đình anh Trần Minh Trọng đến từ thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Vợ chồng anh có 3 đứa con nhưng cả 3 đều mắc bệnh hiểm nghèo mà anh chị vẫn chưa có tiền đưa các con đi khám chữa tới nơi tới chốn.
Con bệnh, vợ phải ở nhà lo, chỉ còn một mình anh Trọng gồng gánh gia đình với công việc ráp rạp đám cưới thuê, bấp bênh ngày có ngày không.
Mong muốn lớn nhất là có tiền sắm sửa phương tiện làm ăn và đưa con đi tầm soát bệnh tim, hy vọng đó sẽ là nguồn động lực giúp anh Trọng thêm cố gắng và tự tin trong cuộc sống.
Gia đình Chung Thế Qui, Ấp Xẻo Cạn, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh
Hoàn cảnh thứ 3 mà chương trình tìm đến là vợ chồng anh Qui – chị Ánh, ngụ xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Vợ bị khuyết tật 2 tay bẩm sinh không làm được việc nặng, anh Quy trước đây sửa xe đạp tại nhà nhưng cũng đành bỏ nghề vì thiếu vốn, phải đi sửa ghe thuê để lo cho vợ bị bệnh gan và con gái.
Đau bệnh vẫn gắng sức làm lụng lo cho con nhưng công việc đan len gia công bấp bênh không đủ xoay sở trong nhà, có lẽ một định hướng làm ăn ổn định hơn là điều mà vợ chồng anh Qui mong mỏi nhất lúc này.
Tiệm và dụng cụ sửa xe cũ qua nhiều năm đã không còn, nhưng anh Quy vẫn luôn ấp ủ ước mơ được làm lại nghề, lo cho vợ con cuộc sống ổn định. Hy vọng qua 3 vòng tranh tài hôm nay, anh Qui sẽ mang về số vốn cao nhất để tiệm sửa xe của mình trở thành sự thật.
Gia đình Trần Thị Ngọc, ấp Chùa Ông, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng
Hoàn cảnh cuối cùng là câu chuyện của vợ chồng chị Ngọc đến từ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Chị bị bại não bẩm sinh, tay chân yếu ớt không làm lụng được nhiều, chỉ có chồng chị là trụ cột gia đình với những công việc làm mướn ruộng rẫy bấp bênh.
Khởi nghiệp đã khó khăn vì không có vốn liếng, lại thêm chăn nuôi heo gặp trở ngại, nên đến nay vợ chồng anh Đức vẫn chưa đủ tiền sửa lại mái nhà đã nhiều năm cũ mục.
Lợp lại mái nhà để có nơi an cư và phát triển kinh tế gia đình bằng công việc chăn nuôi là sự tính toán hợp lí nhất của gia đình lúc này.
Hồng Ngân