Chương trình Chuyến xe nhân ái đã có chuyến khởi hành đầu năm 2015 đến với xã Phước Hậu, huyện Long Hồ – một xã có diện tích trồng rau màu khá lớn. Tuy giáp ranh với TP Vĩnh Long nhưng xã vẫn còn lắm những hộ nghèo khó, một phần vì bệnh tật, một phần vì không có đất đai canh tác….
Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 188: Xã Phước Hậu, huyện Long Hồ
Hoàn cảnh đầu tiên là gia đình của ông Nguyễn Văn Hải ngụ ấp Phước Hanh B. Trong căn nhà nhỏ liêu xiêu, vách lá rách nát không có vật dụng gì đáng giá ngoài cây đờn là dụng cụ mưu sinh mấy chục năm qua… Không người chung vai gánh vác, một mình ông nuôi con khôn lớn từ ngày vợ bỏ đi hơn 20 năm bằng nghề đờn dạo. Công việc thu nhập chẳng là bao nhưng cũng đủ để hai cha con đắp đổi qua ngày. Thế nhưng, căn bệnh tai biến mạch máu não và tai nạn xe khiến thị lực và thính giác của ông kém hẳn, vậy nên cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào tiền công phụ hồ bấp bênh của người con trai. Ước mơ về một nơi an cư của hai cha con vẫn còn xa lắm…
Ông Nguyễn Văn Hải
Hơn 18 năm chồng bỏ ra đi là ngần ấy thời gian chị Nguyễn Thị Khá ở ấp Phước Hanh B phải một mình bươn chải lo cho hai đứa con trong cảnh nhà thiếu trước hụt sau. Dẫu có nhọc nhằn trên bước đường mưu sinh nhưng người mẹ này chưa cho phép đôi chân ngơi nghỉ, những ngày không đi bán vé số, chị tranh thủ đi giúp việc nhà, gia công thêm túi xách để kiếm thêm chút tiền mua cho đứa con trai bị bệnh bại não vài viên thuốc. Lòng người mẹ này càng xót xa hơn khi đứa con trai nhỏ phải dỡ dang chuyện học hành đi làm thuê ở cửa hàng sắt phụ mẹ lo cho người anh bệnh tật. Căn nhà được địa phương hỗ trợ mười mấy năm qua đã dột nát, vá víu bằng những tấm cao su qua ngày.
Chị Nguyễn Thị Khá
Xuất thân đi lập nghiệp nơi xứ người từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng ông Đoàn Văn Chiếu ngụ ấp Phước Hanh B miệt mài cày xới, trồng trọt trên những mảnh đất thuê mong cố gắng làm lụng rồi gia đình sẽ thoát nghèo. Ấy mà, số tiền tích cóp bao năm của hai vợ chồng chẳng còn khi vợ phát bệnh ung thư rồi qua đời, một mình ông phải lo cho 4 đứa con còn thơ dại bằng công việc làm thuê làm mướn theo mùa vụ hơn 5 năm qua. Càng chật vật hơn khi hai đứa con trai đầu lòng chẳng được bình thường vì căn bệnh thần kinh còn hai đứa con gái nhỏ đang trong tuổi ăn tuổi học mà công việc của gia đình cứ bấp bênh. Thế nên, căn nhà được bà con thương tình cho cây lá dựng tạm giờ lụp xụp, mái tol loang lổ mà gia đình chưa có điều kiện sửa sang.
Ông Đoàn Văn Chiếu
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hiền ngụ ấp Phước Lợi C những người thực hiện chương trình không khỏi xót xa khi thấy mái nhà vách lá rách nát, cột kèo gãy mục là nơi trú ngụ của hai mảnh đời bất hạnh. Cha mẹ mất sớm, nhà có 3 anh em nhưng người anh lập gia đình rồi ra riêng đi làm ăn xa nên không giúp được gì, một mình anh Hiền phải chăm sóc cho đứa em gái bị bệnh tâm thần hơn mười năm nay. Công việc phụ hồ, vác lúa thuê theo mùa chỉ đủ để anh trang trải cuộc sống qua ngày, thế nên ước mơ có ngôi nhà lành lặn che nắng che mưa để an tâm mỗi bận đi làm xa với anh đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Anh Nguyễn Văn Hiền
Gia đình đổ vỡ, người con gái của bà Thân Thị Bé ở ấp Phước Lợi C đành gửi 3 đứa con cho mẹ rồi lên thành phố phụ quán cơm với vài chục ngàn tiền công. Thương con hạnh phúc dở dang, các cháu sớm xa vòng tay chăm sóc của mẹ nên bà chẳng ngại tuổi già đi bán vé số để phụ con lo cho các cháu. Gia đình càng khốn khó khi đứa cháu lớn – Nguyễn Minh Tâm, bị bệnh thần kinh gần 5 năm qua không có điều kiện đi chạy chữa. Xót lòng cho hai đứa cháu không được học hành tới nơi tới chốn vì cảnh nhà nghèo khó, bà Bé lại tranh thủ đi hái rau, mò ốc lo cho bữa cơm của 3 bà cháu được no lòng. Người mẹ, người bà này càng trăn trở hơn khi căn nhà cất trên nền đất công sắp đến hạn thu hồi, dù được địa phương hỗ trợ 1 nền nhà trong khu tái định cư nhưng không biết lấy tiền đâu xây cất?
Bà Thân Thị Bé
Hạnh phúc gia đình không trọn vẹn, người con gái của bà Nguyễn Thị Thà ở ấp Phước Hanh B đem 2 đứa con về nương nhờ nhà mẹ nhiều năm qua. Không nghề nghiệp ổn định, không vốn liếng trong tay, chị Dương đành chấp nhận đi làm công nhân với đồng lương bấp bênh hàng tháng. Dù cố gắng tăng ca đêm, ngày nghỉ chị lại tranh thủ đi làm cỏ thuê kiếm thêm vài đồng tiền công trang trải cuộc sống nhưng chi phí sinh hoạt, tiền thuốc thang cho mẹ, tiền cho các con học hành lại cao nên gia đình chưa thể thoát khỏi cảnh thiếu hụt. Căn nhà nhỏ nằm sâu trong ruộng được địa phương hỗ trợ gần chục năm giờ vách lá tả tơi, mái tol rỉ sét mà gia đình chưa thể sửa sang.
Chị Dương – con gái bà Thà
Tấn Đạt