Là địa phương đang dần hoàn thành tiêu chí nông thôn mới không còn nhà tạm trong năm 2014, Tân An Luông ngày hôm nay đã có nhiều khởi sắc khi một mùa vụ mới lại về…. Tất bật trong những ngày đầu vụ, những đôi tay lao động cần cù hứa hẹn sẽ đem đến một vụ mùa bội thu. Góp phần chăm lo cho đời sống của bà con hộ nghèo, chương trình Chuyến xe nhân ái mong muốn sau lần dừng chân trở lại này, nơi đây sẽ không còn những ngôi nhà xiêu vẹo.
Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 185: Xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm
Hơn 4 năm nay ông Nguyễn Văn Út Nhỏ ở ấp 7 vẫn từng ngày lặng lẽ nơi không gian chật chội của chái bếp cũ để nấu từng chén thuốc nam mong sao cầm cự được căn bệnh tim của ông và căn bệnh tai biến của vợ. Từ ngày bà Mua – vợ ông mang chứng bệnh tai biến, bao nhiêu đất đai đều lần lượt ra đi, để lại món nợ hơn 6 triệu đồng đến nay vẫn chưa trả được. Để rồi, dẫu sức khỏe không được tốt sau lần sốt não và căn bệnh viêm gan B, nhưng anh Dũng – con trai ông bà – vẫn cố gắng xin vào cơ sở nước để vác thuê, mà thu nhập 50 ngàn mỗi ngày không đủ để trang trải trước sau thì biết đến khi nào gia đình mới sửa sang lại mái nhà đã rệu rã.
Ông Nhỏ – bà Mua chống chọi với bệnh tật và tuổi già bằng những chén thuốc nam cầm chừng
Lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ để bán từng ly kem là hoàn cảnh của anh Trần Văn Luyến, ngụ ấp Rạch Cốc. Mang khiếm khuyết đôi chân sau lần sốt bại liệt, nhưng anh vẫn cố gắng miệt mài bằng đôi tay lao động để có thể mang lại cho vợ con một cuộc sống đủ đầy. Thế nhưng, khi phương tiện buôn bán bằng xe mỗi lúc một nhiều thì chiếc ghe nhỏ của anh mỗi ngày thêm vắng khách. Thương chồng vất vả chạy gạo từng ngày, nên chị Thúy – vợ anh – ngoài việc làm kem còn tranh thủ đan đát để kiếm thêm chút tiền trang trải. Để rồi, dẫu cố gắng thật nhiều nhưng bao nhiêu thu nhập vẫn chưa thể lo nổi chứng bệnh hen của chị và chuyện học của 2 con, thì những chiếc cột đã mục nát bao năm nơi mái nhà này không biết bao giờ sẽ đổ sập.
Anh Luyến lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ đi bán từng ly kem
Tìm đến ấp 3 trong lúc chị Đặng Thị Điểu vẫn loay hoay bên việc gia công bâu áo, chúng tôi hiểu rằng gia đình này vẫn chưa thể thoát nghèo bởi thu nhập bấp bênh mà bệnh tật còn đeo mang dai dẳng. Mang trong người căn bệnh thận ứ nước đã hơn 2 năm và gai cột sống, thế nên vài chục ngàn tiền công từ những chiếc áo như thế này là nguồn thu duy nhất giúp chị lo lắng trước sau. Còn anh Quý – chồng chị – sau lần tai nạn lao động đã không thể làm phụ hồ như trước, nhưng anh vẫn cố gắng chạy thêm vài chuyến xe ôm mà bao nhiêu tiền công đều đổ vào thang thuốc cho cả 2 vợ chồng. Vì thế mà bao năm nay, đứa con gái duy nhất phải xa mẹ sang sống nhờ nhà dì ruột. Giờ đây, nơi tá túc của các thành viên đã không thể chở che trong những ngày mưa gió thì mơ ước sum vầy ấm áp cùng con còn quá xa xôi…
Nếu nỗi ray rứt của của chị Điểu là chưa thể chăm lo tốt cho con có được một nơi ở đàng hoàng thì nỗi xót xa của anh Nguyễn Thanh Liêm ở ấp 5 là tương lai con không được tròn con chữ. Sau 4 lần mổ hạch ác tính, sức khỏe anh giờ đây chỉ biết nương nhờ vào những lần hóa trị tại thành phố Hồ Chí Minh, mà bao nhiêu chi phí thuốc thang đều trong chờ vào việc làm thuê của chị Loan – vợ anh, và vay mượn từ bà con lối xóm. Thương cha bệnh tật, nên Hoài Lanh – con trai anh – đã sớm nghỉ học để gánh vác gia đình. Để rồi, với công việc phụ hồ đầy vất vả, nhưng em vẫn cố gắng từng ngày chỉ mong sao một ngày không xa những cơn đau của cha có thể vơi dần và đôi tay em sẽ thay cha sửa sang lại mái nhà nhiều năm hư hỏng.
Chị Loan – vợ anh Liêm loay hoay với công việc làm thuê mướn lo cho bệnh tật của chồng
Ngôi nhà trống trước hở sau chỉ có duy nhất chiếc giường, là nơi tá túc của các thành viên trong gia đình anh Nguyễn Văn Thảo, ở ấp Bờ Sao. Không được lanh lẹ như bao người, nhưng vợ chồng anh Thảo vẫn chăm chút bên mớ hạt điều để kiếm tiền lo cho Thảo Trân – con gái anh chị – được học hành đến nơi đến chốn. Không đất đai canh tác, căn bệnh khớp lại hoành hành khiến chị Út Chị – vợ anh – người trụ cột gia đình đến nay đã không thể lao động nặng. Thế nên, với hoàn cảnh của anh chị như hiện nay thì một mái nhà vững vàng là sự hỗ trợ kịp thời giúp gia đình vượt qua những khó khăn trước mắt.
Xuôi ngược trên các cánh đồng để làm thêm công việc dọn đất khi những lúc không đi phụ hồ, anh Đỗ Văn Dũng ở ấp 4 lại tranh thủ thời gian để có thêm chút tiền xoay sở. Ra riêng với đôi tay cần cù lao động, anh luôn chăm chỉ siêng năng để dựng xây một mái gia đình. Thế nhưng, khi công việc vẫn mãi loay hoay chờ người thuê mướn thì bệnh tật của vợ và chi phí học hành của các con mỗi lúc một nặng dần. Công việc làm sên lộn không mấy nặng nhọc, nhưng phải ngồi hàng giờ mới có được vài chục ngàn tiền công với một người mang chứng bệnh thoái hóa cột sống, viêm xoang, bao tử,.. như chị Bé Hai – vợ anh, thì đó là sự cố gắng thật nhiều. Mặc cho những lần mệt mỏi vì bệnh tật, nhưng điều chị lo lắng không phải là sức khỏe của chính mình mà đó là một chỗ ở vững vàng để các con có được chỗ học đàng hoàng không bị dột ướt những lúc mưa về.
Anh Dũng – chị Bé Hai nhọc nhằn với những công việc làm thuê để lo cho cả gia đình
Khi câu chuyện áo cơm cùng nỗi lo bệnh tật vẫn còn ghì chặt trên vai những người lao động nghèo thì mơ ước có được một chốn an cư sẽ còn xa lắm. Vì vậy, trong lần trở lại này, hy vọng những ngôi nhà tạm cuối cùng của địa phương sẽ được thay bằng những ngôi nhà tường kiên cố, và từ đây một diện mạo mới sẽ được hình thành để cuộc sống của các hộ gia đình nghèo sẽ thêm phần tươm tất…
Hồng Châu