Chuyến xe nhân ái trở lại xã Hậu Lộc của huyện Tam Bình khi bà con đang chuẩn bị một mùa vụ mới. Thế nhưng, cuộc sống của các hộ nghèo không đất canh tác vẫn còn lắm gian truân…

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 183: Xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình

Cố gắng chắt chiu từng đồng tiền công ít ỏi từ công việc phụ hồ ở xứ người để gửi về cho gia đình, thế nhưng anh Phan Minh Luân ngụ ấp Danh Tấm vẫn chưa yên lòng vì nơi quê nhà, vợ anh – chị Trần Thị Tuyết Sương, phải vất vả lo cho hai đứa con thơ, càng xót xa hơn khi đứa con trai lớn chẳng được bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa vì bị thiểu năng trí tuệ. Những đêm xa quê lòng anh càng trăn trở khi nghĩ về mái nhà xiêu vẹo, dột nát… không biết có đủ chở che cho 3 mẹ con khi mưa về.

Anh Luân và chị Sương vẫn còn phải sống trong cảnh nhà chật vật bởi tiền công làm phụ hồ

của anh chẳng thấm vào đâu so với chi phí cho cả gia đình 

Cha mẹ hai bên đều nghèo khó nên vợ chồng anh Phạm Văn Chính ở ấp 3 ra riêng với đôi bàn tay trắng. Siêng năng làm lụng để vun vén cho hạnh phúc gia đình, anh đi theo máy cắt, chị ở nhà đan thảm lát, nhưng công việc lại bấp bênh theo thời vụ nên cuộc sống gia đình đến nay vẫn khó khăn, càng chật vật hơn khi hai đứa con của anh chị đến tuổi ăn tuổi học. Vậy nên, căn nhà mái lá xập xệ, nền gạch tàu sụt lún chỉ có thể che chắn tạm bợ bằng những tấm cao su qua ngày.

Vợ anh Chính ở nhà đan thảm lát, vừa trông chừng 2 con

Không có người chung vai gánh vác, chị Trần Thị Đào ở ấp 6 phải một mình bươn chải nuôi con trong cảnh khó nghèo. Bốn năm chồng mất vì bệnh tai biến là ngần ấy thời gian chị xa quê đi nấu cơm mướn cho các công trình để lo cho hai đứa con được học hành tới nơi tới chốn. Cuộc sống rày đây mai đó, công việc thu nhập chẳng là bao, phần sức khỏe suy giảm vì bệnh thần kinh tọa và viêm đại tràng nên cuộc sống của 3 mẹ con chị vẫn muôn phần chật vật. Căn nhà mái lá đã xác xơ, cột kèo mục nát… mà đến giờ chị chưa thể sửa sang.

Chị Trần Thị Đào

Kể từ ngày ông Võ Văn Phát ngụ ấp 4 phát bệnh ung thư hạch, bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên đôi vai của bà Huỳnh Thị Ba – vợ ông. Tiền công từ công việc gia công thảm lát vẫn chẳng đủ để bà trang trải cuộc sống gia đình khi tiền thuốc thang hàng ngày cho ông còn thiếu hụt. Có 6 người con nhưng tất cả đều lần lượt ra riêng và còn nghèo khó nên không giúp được gì hơn, giờ đây ông bà nương tựa nhau trong căn nhà dựng tạm trên nền đất của người bà con… đến nay đã rách nát, trống trước hở sau.

Dẫu tay chân yếu dần không còn đi làm thuê như trước vì bệnh khớp và thần kinh tọa gần chục năm nay nhưng ông Võ Văn Lợi ngụ ấp 4 vẫn cùng với vợ – bà Nguyễn Thị Lý bươn chải từ công việc đan lát gia công tại nhà. Thu nhập bấp bênh vì nguồn hàng không ổn định nên ông bà vẫn không đủ trang trải chi phí hàng ngày khi phải cưu mang thêm đứa cháu ngoại vì các con phải đi làm ăn xa xứ… Căn nhà mái lá cũ kĩ, rách nát đến giờ ông bà chưa thể sửa sang lại cho lành lặn.

Vợ chồng ông Lợi và bà Nguyễn Thị Lý hàng ngày đan thảm kiếm sống

Đến thăm gia đình bà Võ Thị Lùng ngụ ấp 5, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy căn nhà lá xác xơ, nền đất ẩm thấp lại là nơi trú ngụ của 6 thành viên. Là người trụ cột gia đình, anh Lê Văn Giàu – con trai bà Lùng, quanh năm quần quật với những việc làm thuê nặng nhọc ngoài đồng: hết vác lúa, móc đất, đấp bờ lại quay sang làm hồ ở công trình để cùng với vợ – chị Nguyễn Thị Hợp lo cho ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Công việc làm thuê thu nhập không nhiều mà chi phí sinh hoạt lại cao, thế nên ước mơ có một mái nhà vững chắc với cả gia đình vẫn còn xa xôi.

Trở lại xã Hậu Lộc sẻ chia với những câu chuyện đời còn nặng gánh lo toan với bệnh tật nặng oằn, với khó nghèo chật vật vây quanh, những người thực hiện chương trình Chuyến Xe Nhân Ái không khỏi trăn trở khi mái nhà của các hộ nghèo vẫn còn xiêu vẹo trước bao mưa gió. Mong rằng một căn nhà chắc chắn sẽ là nền tảng để bà con an cư, vững tâm lạc nghiệp, sớm vươn lên thoát nghèo.

Tấn Đạt – Phúc Như

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *