Còn đó những mảnh đời cơ cực, những câu chuyện xót xa đắng lòng dưới mái nhà cũ nát. Một ngôi nhà tường khang trang vẫn là ước vọng thiết tha của những người lao động nghèo và chương trình Chuyến xe nhân ái hi vọng rằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố sẽ giúp các hộ gia đình vượt qua nhọc nhằn để vươn đến cuộc sống sung túc hơn trong tương lai…
Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 182: Xã Long An, huyện Long Hồ
Chương trình Chuyến xe nhân ái tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa ấp Long Hiệp, xã Long An, huyện Long Hồ. Nhưng cơn mưa cuối mùa làm cho những tấm lá úa màu càng xác xơ hơn, vài tấm cao su cũ không còn khả năng chống chọi với mưa nắng. Sau thời gian dài điều trị căn bệnh lao phổi, sức khoẻ ông suy yếu nhiều, mớ cá mà ông dốc sức bắt mỗi ngày chỉ đủ bữa cơm cho gia đình. Còn vợ ông miệt mài hàng giờ ở cơ sở gia công quần áo số tiền kiếm được cũng không là bao. Đã vậy ông bà còn phải cưu mang thêm 2 cháu cha mẹ bỏ đi làm xa, còn số tiền mà con trai út đi làm xa chắt chiu gởi về cũng không thấm vào đâu, cuộc sống nhiều chật vật không biết đến bao giờ mái nhà lành lặn với gia đình mới thành hiện thực.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa mắc bệnh lao phổi gần 5 năm nay nên sức khỏe yếu, chỉ có thể đi giăng lưới, cắm câu
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Chính ngụ ấp Bà Lang, cặm cụi trên những cánh đồng sau mùa gặt, mớ ốc ông Chính bắt được mỗi ngày cũng chỉ vài chục ngàn nhưng đó là sự cố gắng rất nhiều của ông khi căn bệnh cao huyết áp khiến nhiều lần ông ngất xỉu. Nhà có 4 thành viên, ông bà lớn tuổi phải cưu mang đứa cháu cha mẹ bỏ từ lúc lọt lòng, cuộc sống chủ yếu dựa vào tiền làm thuê của con trai. Cái nghèo đeo đẳng từ thời trẻ, đến lúc mái đầu điểm bạc ông vẫn cần cù dãi nắng dầm sương để kiếm miếng cơm manh áo qua ngày nên mái nhà xác xơ theo nắm tháng ông vẫn chưa thể sửa sang.
Dù tuổi cao nhưng hằng ngày ông Chính phải đi giăng lưới, bắt ốc để kiếm cái ăn
Cùng ngụ tại ấp Bà Lang là hoàn cảnh ông Cao Văn Mười, 6 năm vợ bỏ ra đi để lại cho ông đứa con thơ dại. Công việc hái dừa thuê không thể đem lại bữa cơm no lòng, ông càng xót xa hơn khi con trai phải dang dở học hành để phụ cha những công việc trong nhà. Nợ nần túng thiếu, công việc bấp bênh nên mấy năm nay căn chòi nhỏ cất tạm là chổ che mưa tránh nắng cho 2 cha con vẫn chưa thể sửa sang cho vững chãi.
Ông Mười làm nghề hái dừa mướn, mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn nhưng không đều
Giống hoàn cảnh ông Mười, vợ bỏ đi cách đây 10 năm khi con gái mới chập chững bước đi, anh Phan Thành Lập ngụ ấp Long Tân phải cố gắng rất nhiều để lo cho hai con từng miếng ăn giấc ngủ. Sức khoẻ suy yếu nhiều sau lần tai nạn lao động làm cụp xương sống, anh Lập chuyển sang công việc đặt lờ tép để có tiền lo cho 2 con. Cuộc mưu sinh nhiều nhọc nhằn cơ cực, căn nhà lá cũ thấm dột nhiều nơi, nền đất ẩm thấp nhưng anh vẫn chưa có điều kiện để dựng xây một mái nhà chắc chắn hơn.
Chị Mỹ Trang nhận làm gia công thảm lát nhưng thu nhập bấp bênh
Căn nhà lá nhỏ nằm khuất sau những tán cây là nơi trú ngụ của gia đình chị Phạm Thị Mỹ Trang ở ấp Long Tân, vách lá tả tơi, những tấm ván, cột kèo mục nát mà anh chị chưa một lần sửa cho lành lặn vì cái nghèo đeo đẳng. Chị Trang nhận gia công thảm lát ở nhà, nhưng cũng chỉ vài ngàn mỗi ngày. Còn chồng chị Trang rong ruỗi theo những công trình hồ xa nhà, hay vất vả với những buổi làm thuê đến cháy da, nhưng thu nhập cũng không là bao.. Cuộc sống bộn bề những thiếu hụt nên ước mơ về một mái nhà vững vàng vẫn xa tầm tay với.
Chị Thu Hà nhận hạt điều về cạo vỏ, trong khi đứa con gái thì gia công đầu hộp quẹt
để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của 3 mẹ con
Một mái nhà an cư là ước mơ lớn nhất mà chị Nguyễn Thị Thu Hà ngụ ấp An Hiệp vẫn đang ấp ủ. Căn nhà nhỏ nằm giữa ruộng, sau lần bị bão, một phần nhà bị sụp lún nhưng chị chưa có điều kiện sửa lại đàng hoàng bởi bao khó nhọc vây quanh. Từ ngày chồng bỏ ra đi cuộc sống của 3 mẹ con ngày càng khốn khó. Để lo cho cái ăn cái mặc rồi chuyện học hành của hai con, chị Hà hết cạo hạt điều, rồi dặm lúa, hoặc làm cỏ thuê. Cuộc sống gia đình như con thuyền chênh chao sóng nước không biết đến bao giờ 3 mẹ con mới có một bến đỗ bình yên.
Hạnh Nguyên